• Thời hạn sử dụng CMND thay đổi tùy độ tuổi
(SGGPO).- Sáng nay, 12-3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Căn cước công dân. Tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Công an Bùi Văn Nam thừa ủy quyền Chính phủ đã trình bày Tờ trình về dự án Luật này.
Theo đó, tới đây sẽ có một số thay đổi quan trọng trong việc cấp Chứng minh nhân dân cho công dân. Để bảo đảm đồng bộ với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, số chứng minh nhân dân được quy định là số định danh cá nhân được xác lập từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, là dãy số tự nhiên gồm 12 số, được cấp cho mỗi công dân Việt Nam và không lặp lại ở người khác, dùng để xác định dữ liệu về căn cước và dữ liệu khác về công dân. Đây chính là chìa khóa giúp khai thác các thông tin về công dân trong cơ sở dữ liệu căn cước công dân cũng như cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư mà không phải yêu cầu công dân xuất trình nhiều giấy tờ không cần thiết.
Mặt khác, nếu như trước đây, số chứng minh nhân dân sẽ thay đổi khi công dân thay đổi nơi thường trú từ tỉnh này sang tỉnh khác nên rất khó quản lý vì có thể lặp lại ở người khác, thì nay dự thảo Luật quy định số chứng minh nhân dân là số định danh cá nhân và gắn với riêng công dân đó, không lặp lại ở người khác. Trường hợp đổi, cấp lại chứng minh nhân dân thì số chứng minh nhân dân vẫn giữ đúng theo số ghi trên chứng minh nhân dân đã cấp lần đầu.
Thời hạn sử dụng của chứng minh nhân dân cũng có thay đổi. Dự thảo Luật quy định thời hạn sử dụng của chứng minh nhân dân tương thích với từng độ tuổi nhất định; trong đó, thời hạn sử dụng chứng minh nhân dân kể từ ngày cấp là 10 năm đối với người từ 15 tuổi đến dưới 25 tuổi, 15 năm đối với người từ đủ 25 tuổi đến dưới 55 tuổi. Người từ đủ 55 tuổi trở lên thì không xác định thời hạn.
Theo Thứ trưởng Bùi Văn Nam, sự thay đổi này phù hợp hơn, do ở mỗi độ tuổi khác nhau thì mức độ thay đổi về đặc điểm nhân dạng của người được cấp chứng minh nhân dân là khác nhau.
Liên quan đến người được cấp chứng minh nhân dân, đáng chú ý là dự thảo Luật không hạn chế người làm thủ tục cấp chứng minh nhân dân, kể cả người đang bị tạm giữ, tạm giam; đang chấp hành án phạt tù; đang chấp hành quyết định đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc; người đang mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi của mình. Quy định này nhằm bảo đảm quyền được cấp chứng minh nhân dân của công dân để phục vụ giao dịch, đi lại…
Theo Chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội, dự án Luật này sẽ được Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 7 và xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 8.
| |
Xem xét cấp căn cước ngay từ khi khai sinh?
Ghi nhận dự án đã được chuẩn bị khá công phu và bày tỏ đồng thuận với nhiều nội dung trong dự thảo, song Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Đức Hiền đề nghị làm rõ những căn cứ để quy định thời hạn cấp đổi CMND.
Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân bày tỏ tán thành quan điểm tiến tới bỏ công cụ quản lý bằng hộ khẩu và gợi ý CMND cần áp dụng công nghệ tiên tiến để đảm bảo sự thuận tiện tối đa cho người dân. Bà cũng thống nhất với dự kiến của Ban soạn thảo về việc cấp căn cước cho người chịu án phạt tù, người tâm thần… để đảm bảo quyền con người cho các đối tượng này.
Nhận xét rằng Luật Căn cước công dân có liên quan đến rất nhiều luật khác, thậm chí “đụng chạm” đến các quyền hiến định của công dân, Chủ nhiệm UB Pháp luật Phan Trung Lý và Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn yêu cầu Ban soạn thảo và cơ quan thẩm tra rà soát, kết hợp hài hòa yêu cầu quản lý dân cư với việc đảm bảo quyền riêng tư, bí mật gia đình... cho công dân. Có cùng quan điểm, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước đề nghị dự thảo Luật bổ sung vào các hành vi bị cấm nội dung “cấm tiết lộ bí mật đời sống riêng tư hợp pháp” của công dân, đồng thời nêu rõ vào Luật cơ quan nào có thẩm quyền yêu cầu cung cấp những thông tin loại này.
Ông Phan Trung Lý kiến nghị thêm: “Tới đây, không nên gọi là CMND mà là thẻ căn cước công dân, quan trọng nhất trong đó là số định danh. Khi cần cơ quan chức năng có thể truy xuất được mọi thông tin cần thiết về công dân qua số định danh nên trên thẻ căn cước không nhất thiết phải thể hiện tất cả”.
Đáng chú ý, ông Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, thiếu niên và nhi đồng bình luận: “Hiện có nhiều luật đều quy định về cơ sở dữ liệu dân cư, nếu cứ riêng biệt tiến hành thì vừa trùng lặp, tốn kém kinh phí; vừa có khả năng thông tin không thống nhất. Tôi đề nghị chỉ làm một bộ cơ sở dữ liệu để dùng chung. Các ngành đều trích xuất từ đó ra, cần bổ sung gì để phục vụ công tác quản lý của ngành mình thì chỉ điều tra thêm nội dung ấy”.
Kiến nghị của ông Thi được Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn đồng tình. Ông Huỳnh Ngọc Sơn phát biểu: “Cũng nên xem lại độ tuổi cấp căn cước lúc nào là phù hợp nhất. Vì theo dự kiến, tới đây trong vòng 7 ngày từ khi sinh ra là cháu bé đã được cấp mã số định danh công dân, mã số này sẽ theo suốt cuộc đời với những thông tin về nhân thân không có gì thay đổi. Nên chăng cấp căn cước ngay từ thời điểm đó”?
Nhắc lại quy định “ghi tên cha mẹ trên CMND” đã từng được thí điểm, sau lại bỏ và nay tiếp tục được đưa vào dự thảo Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai cho rằng, cần giải thích rõ trong Tờ trình tại sao phải ghi tên cha mẹ trên căn cước. Bà Mai cũng băn khoăn về việc với quy mô dân số Việt Nam sẽ nhanh chóng đạt 100 triệu người trong thời gian không xa, thì quy định số định danh 12 chữ số liệu đã phù hợp hay chưa. “Nếu không có tầm nhìn xa, có thể sẽ lại sớm phải thay đổi. Thái Lan hiện có 67 triệu dân nhưng số định danh của họ gồm 13 chữ số”.
ANH PHƯƠNG