Báo chí thời gian qua đã phản ánh tình trạng phim Hàn Quốc và Trung Quốc được phủ đầy nhiều kênh truyền hình. Tôi là người không mê phim Hàn với những mối tình tay ba lâm ly sướt mướt, với cuộc sống sao quá dễ dàng để có được một tình yêu chân thành, với xã hội sao quá gần gũi để tiếp cận những chủ tịch, giám đốc tập đoàn… Tuy nhiên, nếu tất cả các nhà đài ngưng chiếu phim Trung - Hàn, e rằng khán giả truyền hình sẽ không còn thích thú theo dõi màn ảnh nhỏ. Những cửa hàng cho thuê băng dĩa như thập niên 90 thế kỷ trước sẽ lại phát triển mạnh mẽ? Khi chiều xuống, để giải trí, người ta sẽ đi mướn phim về xem như trước đây chứ không còn canh giờ chiếu phim của các đài truyền hình như hiện nay.
Nếu hạn chế chiếu phim Trung - Hàn mà mua được nguồn phim của Italia, Pháp, Tây Ban Nha hay bất cứ quốc gia nào khác để thay đổi “khẩu vị” thưởng thức điện ảnh của khán giả thì khả dĩ còn tạm chấp nhận được. Nhưng nếu phủ sóng tất cả các kênh bằng phim Việt Nam mà đa số không hấp dẫn, đôi khi còn gây phản cảm hẳn sẽ có tác dụng ngược.
Phê phán những kênh truyền hình chỉ chiếu phim Trung - Hàn cũng có phần hợp lý, song thử hỏi điện ảnh Việt Nam đã làm những gì để giành lại khán giả? Phải nói Việt Nam cũng có một số phim hay. Khán giả từng mê say với Đất phương Nam, Ngọn nến hoàng cung, Hoa đào ngày tết, Cô dâu Việt… Nội dung cũng như diễn xuất của diễn viên khá đạt. Tuy nhiên, phim Việt Nam có chất lượng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Là một người mê phim, nhưng có nhiều bộ phim Việt Nam tôi không đủ kiên nhẫn xem đến hết một tập. Cách diễn xuất ngượng ngập, lời thoại sáo rỗng, cách diễn đạt ngôn từ vô cảm như trả bài thuộc lòng. Nội dung thiếu thực tế và theo khuôn mẫu đến ngán ngẩm. Hễ đại gia là hay có “chân dài” đi kèm, hễ người xấu là xuất hiện bên cạnh một anh chàng tốt bụng để cảm hóa…
Chúng ta hãy nhìn lại phim Trung Quốc, Hồng Kông (Trung Quốc) và cả Hàn Quốc sẽ thấy nếu không xem thì thôi, đã xem rồi thì thường là mê. Diễn viên của họ diễn xuất rất đạt từ cách ăn mặc đến ngôn ngữ. Cô bán cá ở phim A. sẽ ăn mặc, ăn nói y như dân chợ chính hiệu. Thế nhưng cũng diễn viên đó mà đóng vai quý bà ở phim B tức thì lột xác từ cách ăn mặc, trang sức và cả ngôn từ.
Không ít nhà làm phim Việt Nam chạy theo thị hiếu của khán giả mà không tìm riêng cho mình một bản sắc Việt Nam. Thấy phim Hàn ăn khách, thế là Việt hóa phim Hàn bằng hàng loạt phim mà người xem lắc đầu thất vọng nếu từng xem nguyên tác Hàn Quốc. Đã vậy, diễn viên Việt Nam lại bắt chước cách diễn xuất, cách ăn mặc… như diễn viên Hàn nên lắm khi lố bịch và phản cảm với những khán giả biết trân trọng nghệ thuật.
Điện ảnh là một kênh giao thoa văn hóa và cũng là cách để giới thiệu con người, đất nước trước khi muốn xâm nhập thị trường một quốc gia khác. Phần lớn khách du lịch Việt Nam đến Hàn Quốc đều muốn thưởng thức kim chi, mì tương… Nhìn lại, phim Việt Nam không biết tạo ra cơ hội để người Việt Nam tự hào về tâm hồn và đất nước Việt Nam nói chi đến vươn ra thế giới, giới thiệu về đất nước con người?
Vì vậy, trước khi trách các kênh, các đài truyền hình hay chiếu phim Trung - Hàn thì những nhà làm phim, diễn viên Việt Nam… nên nhìn lại. Đừng chiếu phim Việt Nam dở tệ rồi buộc khán giả phải xem khi thực tế những bộ phim đó không có gì đáng để xem.
Nguyễn Ngọc Hà