>> “Cụ rùa” gây ấn tượng mạnh tại lễ khai mạc Festival Âm nhạc Mới Á-Âu
>> Hơn 200 nghệ sĩ tham dự Festival Âm nhạc Mới Á-Âu
“Cây đàn bầu không chỉ là nhạc cụ dân tộc độc đáo của Việt Nam mà còn mang tâm hồn của người Việt vừa niềm nở nhưng cũng rất ân cần, dịu dàng, duyên dáng…”, đó là chia sẻ của NSND Nguyễn Tiến tại buổi nói chuyện chuyên đề “Cây đàn bầu Việt Nam” thu hút sự quan tâm của đông đảo nhạc sĩ, nhà nghiên cứu âm nhạc trong nước và quốc tế vừa được tổ chức trong khuôn khổ Festival Âm nhạc mới Á - Âu 2016, diễn ra tại Hà Nội từ ngày 12 đến 18-10.
Cách diễn tấu độc nhất vô nhị
Với những trao đổi, dẫn chứng sinh động cùng nhiều màn biểu diễn minh họa trực tiếp của NSND Thanh Tâm, NSND Nguyễn Tiến, NSND Hoàng Anh Tú… những người tham gia buổi trò chuyện, đặc biệt là những chuyên gia âm nhạc quốc tế đi từ ngạc nhiên này tới ngạc nhiên khác. Với họ, nhạc cụ này không chỉ gây ấn tượng bởi kết cấu đơn giản mà còn bởi âm thanh vừa da diết nhưng lại vô cùng linh hoạt. Rất nhiều thông tin thú vị về chiếc đàn thuần Việt đã được bạn bè quốc tế lắng nghe thích thú.
Các nhạc sĩ quốc tế rất thích thú tìm hiểu về cây đàn bầu của Việt Nam
NSND Thanh Tâm chia sẻ: Trong hệ thống các nhạc cụ Việt Nam, đàn bầu hay còn gọi độc huyền cầm là một trong số hiếm hoi những cây đàn độc đáo của thế giới bởi cấu tạo của cây đàn rất đơn giản, với lối diễn tấu không giống bất cứ một nhạc cụ nào. Đó là âm thanh được tạo nên từ các âm bồi của dây đàn, kết hợp với việc dùng cần đàn để căng dây lên hoặc chùng dây xuống trên một sợi dây duy nhất, từ đó tạo ra nhiều âm thanh có các cao độ khác nhau với âm sắc trong trẻo, quyến rũ.
Ngày xưa, với đàn bầu mộc, đàn được đặt xuống đất hoặc chiếu. Người chơi đàn ngồi xuống, đầu gối chân phải tỳ hẳn vào mặt đàn theo tư thế thượng mã. Tay trái để vào vòi đàn, tay phải nắm chặt que đàn và gảy từ trên xuống theo chiều thẳng đứng. Ngày nay đàn bầu có thể đặt trên chiếu ngồi hoặc đứng tùy theo tính chất của từng buổi biểu diễn mà người chơi đàn chọn tư thế đàn cho thích hợp và chỉ dùng ngón cái, ngón trỏ và ngón giữa của tay phải cầm que đàn và gảy cả chiều lên và xuống bằng bật ngón là chính.
Về que của đàn bầu, NSND Nguyễn Tiến có những minh họa rất rõ ràng. Ông cho biết, que đàn ngày trước làm bằng tre được vót tròn như cái đũa, dài khoảng 20cm, sau này thay bằng giang hoặc cây song, là những chất liệu vừa mềm dẻo vừa dai chắc, được vót bẹt dài khoảng 6cm-9cm, rộng khoảng 4mm và có đánh bông ở đầu que để tiếng gảy cho êm. Có nghệ sĩ còn dùng móng gảy bằng nhựa giống như đàn nguyệt. Sự cải tiến của que tre cũng ngày một khác trước để vừa thuận lợi cho nghệ sĩ vừa góp phần tạo nên những âm thanh trong trẻo, đa dạng hơn.
Gắn với dòng chảy lịch sử
Đàn bầu là một nhạc khí có âm sắc độc đáo, được người Việt Nam sử dụng phổ biến từ bao đời nay. Tiếng đàn bầu đã gắn liền với dòng chảy lịch sử của nước Việt Nam. Theo các chuyên gia về đàn bầu, thuở ban đầu, thân của nhạc cụ này được làm bằng một đoạn ống bương hoặc bầu dài khoảng trên dưới 1m, có thể để nguyên hoặc được chẻ ra làm đôi giống hình cái máng hứng nước ở vùng đồng bằng Bắc bộ và được gọi là đàn bầu máng (sau này được làm bằng gỗ dài khoảng 1,15m). Cần đàn làm bằng sừng tre dẻo dài khoảng 50-70cm (sau này thay bằng sừng trâu). Dây đàn làm bằng dây móc xe lại hoặc dây mây, dần thay bằng dây tơ (sau này bằng dây sắt). Bầu đàn bằng đầu cuống quả bầu nậm hoặc gỗ tiện giống quả bầu. NSND Nguyễn Tiến cho biết, tuy cồng kềnh như vậy nhưng những chiếc đàn bầu vẫn theo chân những người nghệ sĩ, chiến sĩ ra mặt trận. Để thân đàn bầu ngắn lại, họ đã cưa nhỏ thân đàn thành hai hoặc ba phần rồi ghép lại bằng các bản lề, còn phần bầu của đàn, cũng được cải tiến lại cho phù hợp hơn. “Thậm chí có những thời điểm bầu đàn được gắn thêm vỏ lon sữa bò để âm thanh phát ra được lớn hơn”, NSND Thanh Tâm nói thêm.
Năm 1956, đàn bầu và các nhạc cụ dân tộc được đưa vào giảng dạy chính thức trong hệ thống trường âm nhạc đã làm cho đàn bầu thực sự được “đổi đời”. Việc vận dụng phương pháp ký âm theo năm dòng kẻ trong học và biểu diễn đàn bầu đã mở ra hướng phát triển mới cho các cây đàn dân tộc, trong đó có cây đàn bầu. Việc mở đường ấy đã tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều nhạc sĩ sáng tác, nghiên cứu và viết các tác phẩm cho đàn bầu một cách dễ dàng hơn.
Dẫn chứng sinh động nhất chính là tác phẩm giao hưởng Cụ rùa do nhạc sĩ Singapore Robert Casteels sáng tác với niềm yêu mến đất nước hình chữ S và cây đàn bầu Việt Nam, đã gây ấn tượng mạnh cho người nghe tại lễ khai mạc Festival Âm nhạc mới Á-Âu 2016 diễn ra tối qua 12-10, tại Nhà hát lớn Hà Nội. Nhạc sĩ Robert Casteels chia sẻ, tác phẩm Cụ rùa lấy cảm hứng từ những kỷ niệm nhân chuyến thăm Việt Nam lần đầu tiên, ông cảm nhận được lòng tốt của con người và vẻ đẹp thiên nhiên của Việt Nam. Ông đã bị lôi cuốn bởi âm sắc buồn rất riêng của đàn bầu và những quãng ngắn của loại nhạc cụ này. Ông chọn truyền thuyết An Dương Vương và Vua Lê Thái Tổ là cơ sở chính của tác phẩm với sự tích trả gươm báu…
Buổi trò chuyện kết thúc nhưng các nghệ sĩ quốc tế đã nán lại rất lâu để được tận tay chơi thử và lắng nghe những âm thanh kỳ lạ của cây đàn bầu Việt Nam.
MAI AN