Tiếng thuần Việt có phải là chữ Nôm?

Hỏi:
Tiếng thuần Việt có phải là chữ Nôm?

Hỏi: 1. Tuần san SGGP Thứ Bảy (18-12-2004) có trả lời rằng: “Trong ngôn ngữ học, không có thuật ngữ chữ thuần Việt” nhưng tôi đọc trong cuốn Văn học quốc ngữ ở Nam Kỳ (Nxb Trẻ, 1998), tác giả Bằng Giang có viết như sau: “Tiếng Nôm tức tiếng thuần Việt là di sản quý báu của dân tộc đã trải qua quá trình lịch sử lâu dài dựng nước và giữ nước”. Vậy tiếng thuần Việt có phải là chữ Nôm?
 
2. Có người sử dụng cả ba từ đã, đang và sẽ trong một câu như: “Tôi đã, đang và sẽ cố gắng không ngừng”. Cách sử dụng như thế có hợp lý không?
 Nguyễn Việt Trung (Đồng Tháp)
 

Tiếng thuần Việt có phải là chữ Nôm? ảnh 1

PGS.TS Lê Trung Hoa: 1. Vốn từ vựng tiếng Việt gồm hai bộ phận chính là từ Hán Việt (độ 70%) và từ thuần Việt (độ 30%). Từ thuần Việt hay tiếng thuần Việt, tiếng Nôm (do từ Nam đọc chệch) là những từ vốn có của tiếng Việt, không vay mượn của các ngôn ngữ khác như các từ chỉ số (một, hai, ba…), các từ chỉ tên các bộ phận cơ thể (tay, chân, mắt….), các từ chỉ tên các hiện tượng thiên nhiên (mưa, gió,…)…
 
Còn sở dĩ không có thuật ngữ chữ thuần Việt vì chữ Nôm là thứ chữ mượn chữ Hán để ghi tiếng Việt; chữ Quốc ngữ là thứ chữ mượn chữ cái La tinh để ghi tiếng Việt. Tiếng (thuần Việt) hay tiếng (Nôm) khác chữ (Nôm) ở chỗ: tiếng hàm chứa âm và nghĩa, còn chữ là ký hiệu, tức hình thức ghi chép mà thôi. Vì vậy, trong tiếng Nôm không chứa tiếng Hán (hai khái niệm này đối lập nhau), còn trong chữ Nôm có rất nhiều chữ Hán được vay mượn.

 2. Chúng ta chỉ dùng ba phó từ đã, đang và sẽ để diễn đạt những sự việc, hoạt động thực sự đã xảy ra, đang diễn ra và chắc chắn sẽ xảy ra trong tương lai.
 
Thí dụ: Quả đất đã, đang và sẽ quay chung quanh mặt trời.
 Con người đã, đang và sẽ chết như bao sinh vật khác.
 
Câu bạn nêu ở trên có thể dùng được. 
 

Tin cùng chuyên mục