
Dạo qua các cửa hàng băng đĩa, có thể nhiều người bất ngờ vì trong số những sản phẩm bán chạy, có không ít album nhạc cách mạng (hay còn gọi là nhạc đỏ), như loạt album Bài ca Trường Sơn của Hãng phim Trẻ, các CD của NSND Thu Hiền, NSND Thanh Hoa, Trọng Tấn, Đăng Dương, Việt Hoàn, Anh Thơ...
Tại các Liên hoan Tiếng hát truyền hình toàn quốc - giải Sao Mai và nhiều cuộc thi, giải Ca sĩ được khán giả yêu thích nhất luôn thuộc về những người hát bài hát cách mạng (Phương Thảo, Tân Nhàn)...

Ca sĩ Đan Trường không chỉ hát nhạc trẻ mà còn thể hiện nhiều ca khúc cách mạng một cách trẻ trung, tươi mới. Ảnh: T.L.
Nhạc đỏ gắn liền với lịch sử đấu tranh cách mạng của dân tộc ta. Bước vào cuộc kháng chiến chống Pháp, có ca khúc của các nhạc sĩ: Lưu Hữu Phước (Tiếng gọi thanh niên, Lên đàng), Hoàng Quý (Bóng cờ lau), Nguyễn Hữu Ba (Lửa rừng đêm, Thu khói lửa)... 9 năm trường kỳ kháng chiến, hàng trăm ca khúc ra đời: Du kích sông Thao, Nhớ chiến khu (Đỗ Nhuận); Tiến quân ca, Đàn chim Việt (Văn Cao); Quê nghèo, Bà mẹ Gio Linh (Phạm Duy); Hò kéo pháo (Hoàng Vân), Bình Trị Thiên khói lửa (Nguyễn Văn Thương); Lời người ra đi (Trần Hoàn); Đoàn vệ quốc quân, Có một đàn chim (Phan Huỳnh Điểu); Lên ngàn, Nhạc rừng (Hoàng Việt); Con kênh xanh xanh (Ngô Huỳnh); Tình đồng chí (Chính Hữu - Minh Quốc); Tiểu đoàn 307 (Nguyễn Bính - Nguyễn Hữu Trí)...
Thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, hàng chục ca khúc gắn với địa danh Trường Sơn hừng hực khí thế của đoàn quân ra mặt trận bên cạnh các khúc ca đậm đà tình quê hương đất nước: Tình yêu trên những dòng sông quan họ (Phan Lạc Hoa), Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh (Nguyễn Văn Tý), Bóng cây Kơnia (Ngọc Anh - Phan Huỳnh Điểu), Cô gái vót chông (Hoàng Hiệp), Tiếng đàn Ta lư (Huy Thục), Tiếng chày trên sóc Bom Bo, Bài ca may áo (Xuân Hồng), Rặng trâm bầu (Thái Cơ)...
Những ca khúc được sáng tác trong những ngày miền Nam sục sôi khói lửa: Cô gái Sài Gòn đi tải đạn (Lư Nhất Vũ), Dậy mà đi (Nguyễn Xuân Tân), Hát cho dân tôi nghe (Tôn Thất Lập), Người mẹ Bàn Cờ (Trần Long Ẩn), Nối vòng tay lớn (Trịnh Công Sơn)...
Bây giờ, khán giả của những ca khúc nhạc đỏ đã là một lớp công chúng mới. Họ nghe nhạc đỏ với tâm thế và cả tư thế của ngày hôm nay vì họ thường xuyên được tiếp cận với âm nhạc ngoại với màu sắc phong phú, kỹ thuật cao, hòa âm hiện đại. Người tìm ra hướng đi mới cho các ca khúc chính là nhạc sĩ phối khí và nhà sản xuất.
Mỗi nhạc sĩ phối khí có những tìm tòi và sáng tạo riêng, còn nhà sản xuất có đôi tai âm nhạc sẽ “đánh hơi” được thị hiếu của người nghe để đưa vào album những ca khúc phù hợp với từng thời điểm, từng giọng hát... Nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng đã góp phần không nhỏ mang đến cho CD “Hoa lửa và Vy” màu sắc mới với nhiều bản phối phong phú theo chất pop, rồi jazz, rock, funk và chọn nhạc giao hưởng làm trung tâm.
Ca khúc Người Hà Nội lần đầu tiên được thể hiện cùng với dàn nhạc giao hưởng đã chắp cánh cho tiếng hát lồng lộng của ca sĩ trẻ Hồng Vy bay cao, bay xa. Đó là một trong những con đường “làm mới” nhạc đỏ, đưa giới trẻ dần tiếp cận với âm nhạc đỉnh cao, tạo nên sự cân bằng trong thưởng thức âm nhạc hiện nay. Rõ ràng, nhạc đỏ trong thời kỳ mới đã mang một dáng vóc riêng, được hòa âm mới, âm thanh hay hơn, ca sĩ thể hiện với cảm xúc mới và tất cả đều phải hướng đến công chúng.
Nhạc đỏ trong cuộc sống hôm nay còn mang những sứ mệnh mới, không phải để gợi nhớ về quá khứ mà khích lệ, thể hiện lòng biết ơn, niềm tự hào mà còn thúc giục mọi người tham gia các hoạt động xã hội, sống vì cộng đồng... Vì vậy, việc “tiếp lửa” cho nhạc đỏ càng nên được quan tâm và đầu tư đúng mức, để tạo cho nó một sức sống mới, một vị trí mới, xứng đáng là những bài ca đi cùng năm tháng.
“Tiếp lửa” cho nhạc đỏ có nhiều con đường. Những giọng hát từng gắn tên tuổi của mình với các ca khúc ở thời điểm bài hát ra đời, như: Trung Kiên, Quý Dương, Trần Hiếu, Tường Vi, Thu Hiền, Thanh Hoa..., dù tuổi cao, giọng không còn “mượt” như trước, nhưng được hòa thanh, hòa âm và phối khí mới đã đem đến cho người xem những cảm xúc mới.
Không chỉ những ca sĩ chuyên hát nhạc chính thống, những ca sĩ “chuyên trị” pop, rock, R&B... thi thoảng gây bất ngờ với những bài nhạc cách mạng, như: Phương Thanh, Đan Trường, Đàm Vĩnh Hưng, Khánh Ngọc, Đoan Trang, Hồ Bích Ngọc, Bonneur Trinh... Có thể chỉ đơn giản họ muốn thay đổi hình ảnh và phong cách, nhưng với số lượng fan đông đảo, những ca khúc này đến được nhiều hơn với giới trẻ nghe nhạc.
Lực lượng vừa “tiếp lửa” vừa “giữ lửa” cho nhạc đỏ trông chờ chủ yếu vào lớp ca sĩ được đào tạo theo dòng nhạc cổ điển - thính phòng và gắn sự nghiệp của mình với dòng nhạc này. Chắc chắn, tiếp sau Trọng Tấn, Đăng Dương, Việt Hoàn, Anh Thơ, Lan Anh, Hồng Vy... sẽ còn nhiều gương mặt mới góp phần làm cho đội ngũ ca sĩ nhạc đỏ ngày càng hùng hậu.
“Các em không sống trong chiến tranh, không có cảm xúc của những người lấy tiếng hát át tiếng bom nhưng các em có tấm lòng hướng về nguồn cội... Tất cả các tác phẩm để đời đều được các em đón nhận. Vì vậy, tôi tin, các em vẫn luôn đầy ắp cảm xúc. Cảm xúc được nhen lên từ niềm tự hào, lòng biết ơn và tinh thần ngợi ca những người đã cho các em cuộc sống hôm nay. Nhạc đỏ rất cần các giọng ca trẻ và phải được “làm mới” để tiếp cận nhiều hơn với khán giả hôm nay”, NSND Thanh Hoa tâm sự.
CHI MAI