Bình Định được xem là địa phương có số lượng làng nghề truyền thống nhiều nhất nhì ở khu vực miền Trung. Trong đó, nhiều làng nghề có lịch sử hàng trăm năm với những sản phẩm nổi tiếng không chỉ trong vùng mà khắp cả nước, như rượu Bầu Đá, nem Chợ Huyện.... Thế nhưng, trước sự cạnh tranh gay gắt của thị trường, những làng nghề truyền thống ở địa phương này đang mất dần vị thế, thậm chí có nguy cơ mai một.
Trước bờ vực!
Nói đến Bình Định, mọi người thường nghĩ ngay đến rượu Bầu Đá. Bởi đây là một trong những đặc sản của Bình Định được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam công nhận nằm trong tốp 10 đặc sản rượu nổi tiếng Việt Nam. Rượu Bầu Đá được người dân thôn Cù Lâm (xã Lộc Nhơn, huyện An Nhơn) tổ chức chưng cất theo phương pháp cổ truyền từ hàng trăm năm qua. Thế nhưng, ở thời điểm hiện nay, làng nghề truyền thống này gặp không ít khó khăn.
Bà Lương Thị Bai, người gắn bó với nghề nấu rượu Bầu Đá hơn 30 năm, tâm sự: “Nấu rượu bây giờ không có lời, đôi khi còn chịu lỗ. Giá gạo, giá nếp, giá chất đốt tăng từng ngày nhưng giá rượu bán ra không tăng. Chưa kể nhiều người mua rượu gạo từ nơi khác với giá 10.000 đồng/lít về trộn với rượu Bầu Đá bán 20.000 đồng/lít khiến cho thương hiệu rượu Bầu Đá bị mất uy tín, khiến người làm ăn chân chính như chúng tôi không cạnh tranh nổi. Bây giờ, nấu rượu chủ yếu để lấy hèm nuôi heo”.
Nghề dệt thổ cẩm Hà Ri (xã Vĩnh Hiệp, huyện Vĩnh Thạnh, Bình Định) đã được phục hồi và phát triển mạnh.
Làng rèn Tây Phương Danh (phường Đập Đá, huyện An Nhơn) có bề dày lịch sử hơn 400 năm với các sản phẩm rèn tinh xảo và chất lượng cao. Thế nhưng, làng rèn này cũng rơi vào tình cảnh sống dở, chết dở.
Ông Trương Văn Kiệt, chuyên rèn bếp Ông Táo (kiểu bếp truyền thống đun bằng củi - kiềng 3 chân), cho biết: “Trước đây, sản phẩm làm ra đến đâu tiêu thụ đến đó và có mặt ở khắp các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên. Còn bây giờ, sản phẩm ế ẩm, trong khi giá nguyên liệu tăng cao, với 2 lao động, gia đình tôi làm được 30 bếp Ông Táo/ngày, trừ chi phí còn lãi được 100.000 đồng, giảm hơn một nửa so với trước, công việc lại bấp bênh”.
Thảm hơn là làng nghề gốm Vân Sơn (xã Nhơn Hậu, An Nhơn) hay làng nghề dệt chiếu ở xã Phước Thắng (huyện Tuy Phước) trở nên đìu hiu, vắng lặng. Sản phẩm làm ra không cạnh tranh nổi với những sản phẩm cùng chủng loại được làm bằng những vật liệu mới như kim loại hoặc nhựa. Chính vì vậy, số gia đình theo những nghề truyền thống này ngày càng giảm sút.
Ngay cả làng nghề có đầu ra ổn định như làng nghề làm bánh tráng Trường Cửu (xã Nhơn Lộc, huyện An Nhơn) cũng gặp không ít trở ngại. Ông Lê Văn Hải (một trong những hộ làm bánh tráng ở đây) cho biết: “Trường Cửu có hơn 200 hộ chuyên sản xuất bánh tráng. Sản phẩm không chỉ bán trong nước mà xuất khẩu ra nước ngoài. Bình quân mỗi hộ làm ra từ 50 - 60kg bánh/ngày, có hộ làm cả tạ. Trong khi làng nghề lại thiếu sân phơi nên không thể sản xuất nhiều, dù có thị trường tiêu thụ”.
Theo ông Nguyễn Văn Thắng, Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Bình Định, khó khăn mà các làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh hiện đang gặp phải là do việc tổ chức sản xuất ở một số làng nghề còn phân tán, quy mô nhỏ, khép kín trong gia đình. Trình độ tay nghề của lao động còn yếu, phần lớn chưa qua các lớp bồi dưỡng, đào tạo ngắn hạn. Việc phân công, hợp tác, liên kết sản xuất, kinh doanh chưa mạnh.
Ngoài ra, trình độ quản lý, chuyên môn kỹ thuật của chủ hộ, chủ cơ sở ở các làng nghề còn thấp. Bên cạnh đó, điều kiện cần cho sự phát triển của các làng nghề lúc ban đầu đã không còn phù hợp; các sản phẩm thủ công cạnh tranh không cân sức với các sản phẩm công nghiệp.
Vực dậy các làng nghề
Động thái được xem khả quan nhất là việc Sở Công thương đã tham mưu UBND tỉnh Bình Định ban hành chính sách khuyến khích phát triển làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh. Thời gian qua, tỉnh Bình Định hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng ở các làng nghề truyền thống với tổng kinh phí 11,35 tỷ đồng. Trong đó, 5 làng nghề truyền thống gắn với du lịch (rượu Bầu Đá, tiện gỗ mỹ nghệ Nhạn Tháp, rèn Tây Phương Danh, nón ngựa Phú Gia, dệt thổ cẩm Hà Ri) được hỗ trợ 3,23 tỷ đồng.
Nguồn kinh phí khuyến công địa phương cũng hỗ trợ 348 triệu đồng để đào tạo, bồi dưỡng nghề cho 230 lao động ở các làng nghề; hỗ trợ 451 triệu đồng cho 4 cơ sở mua sắm máy móc, thiết bị hiện đại nhằm nâng cao năng suất lao động. Ngoài ra còn có 20 cơ sở ở các làng nghề được tỉnh hỗ trợ chi phí tham dự các hội chợ, triển lãm.
Qua các chương trình khuyến công, nhiều ngành nghề truyền thống đã được phục hồi trở lại và phát triển thành làng nghề ở cấp độ cao hơn. Điển hình như làng dệt chiếu từ cói của Hợp tác xã Hoài Châu Bắc; dệt thảm dừa và hàng thủ công mỹ nghệ từ dừa của xã Tam Quan Nam (huyện Hoài Nhơn); làng rượu Bầu Đá xã Nhơn Lộc (huyện An Nhơn); làng nghề dệt thổ cẩm Hà Văn (xã Canh Thuận, huyện Vân Canh) và làng nghề dệt thổ cẩm Hà Ri (xã Vĩnh Hiệp, huyện Vĩnh Thạnh)...
Năm 2015, tỉnh Bình Định sẽ tiếp tục ưu tiên và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn để khôi phục và phát triển 38 làng nghề truyền thống. Phấn đấu hàng năm, giá trị sản xuất CN-TTCN của các làng nghề này chiếm 3% trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp của toàn tỉnh (khoảng trên 10.000 tỷ đồng); thu hút thêm hàng năm từ 1.800 - 2.000 lao động ở nông thôn, thu nhập bình quân đạt từ 10 - 11 triệu đồng/người/năm và kim ngạch xuất khẩu đạt 3 triệu USD.
Ông Nguyễn Văn Thắng tâm tư: “Việc “tiếp lửa” cho các làng nghề đã được UBND tỉnh cũng như các ngành chức năng triển khai đồng bộ. Còn việc giữ cho “lửa” lâu bền và “cháy mạnh” hay không thì tùy thuộc vào những cơ sở ở các làng nghề. Bởi không ai khác, chính những chủ thể ở các làng nghề này mới quyết định việc sống còn cho làng nghề của mình”.
|
NGUYỄN HÙNG