Tiếp sức doanh nghiệp

Cùng với tăng tốc tiêm vaccine Covid-19 để bảo vệ tính mạng, sức khỏe người dân, thì doanh nghiệp (DN) cũng đang rất cần Nhà nước và ngân hàng trợ lực bằng những liều “vaccine chính sách” để duy trì sản xuất, chống chọi với dịch bệnh, đảm bảo “mục tiêu kép” trước mắt và tạo đà cho việc phục hồi sau dịch, trở lại trạng thái bình thường mới.

Thời gian qua, để duy trì hoạt động, nhiều DN gần như kiệt sức, bởi gánh nặng chi phí phát sinh về vận chuyển nguyên liệu, lưu thông hàng hóa khó khăn… Tuy nhiên, một số DN vẫn nỗ lực sản xuất để bám thị phần, giữ khách hàng, nuôi công nhân. Cần thấy rằng, DN - tế bào của nền kinh tế khi lâm bệnh nặng, cũng đang kéo theo hàng loạt tác nhân trong chuỗi ngành hàng bị lây lan. Nông dân, hợp tác xã và các đơn vị sản xuất nông nghiệp, thủy sản mất đi đầu ra; ngân hàng và hàng loạt tác nhân trong các chuỗi ngành hàng đảm nhận các dịch vụ gia tăng cũng mất việc và mất khách hàng, khó tránh tình trạng đổ ngã “đô-mi-nô” nếu các DN không được trợ lực để đứng vững.

Mỗi ngành, mỗi địa phương, mỗi DN cần chuẩn bị một kịch bản ứng phó trước diễn biến phức tạp và phục hồi sau dịch. Trong đó, cần đặc biệt quan tâm đến chính sách nâng cao năng lực của DN với các trụ cột “Kinh tế, tài chính tín dụng, thị trường, lao động và công nghệ”. Nhà nước hỗ trợ miễn, giảm thuế, thời gian chậm nộp, thực thi các chính sách bảo hiểm xã hội, hỗ trợ người lao động; ngân hàng giãn nợ, giảm lãi suất, triển khai các chương trình tín dụng ưu đãi mới như cách thức hỗ trợ trước đây là cần thiết. Nhưng “liều vaccine chính sách mới” cho DN phải khắc phục được những bất cập của chính sách cũ. 

Cần rà soát lại các giải pháp, biện pháp hỗ trợ thời gian qua. Phải tách bạch rõ ràng giữa chính sách an sinh xã hội (hỗ trợ người lao động khó khăn, mất việc) với chính sách tăng cường năng lực dựa trên khả năng hấp thụ vốn, gói hỗ trợ của DN. Không phân bổ hỗ trợ bình quân theo từng DN để tránh dàn trải, triệt tiêu nguồn lực. Cần chủ động xây dựng chính sách và chuẩn bị nguồn lực cần thiết triển khai các biện pháp trước mắt mang tính ngắn hạn, giúp DN vượt qua khó khăn hiện tại và phục hồi nhanh sau khi kiểm soát được dịch bệnh. Quan trọng hơn vẫn là việc chuẩn bị tốt, bố trí nguồn lực thực thi các giải pháp dài hạn. 

Theo đó, việc hỗ trợ ngắn hạn, cần quan tâm 3 giải pháp cấp thiết: Một là, đảm bảo các chuỗi cung ứng, lưu thông hàng hóa thông suốt. Hai là, thực hiện các biện pháp phòng chống dịch hiệu quả, tạo điều kiện cho DN ổn định và duy trì sản xuất. Ba là, hỗ trợ cắt giảm chi phí, tháo gỡ khó khăn về dòng tiền cho DN và lực lượng lao động.

Các nhóm giải pháp dài hạn cần được xây dựng kỹ càng, bố trí nguồn lực thực hiện. Xây dựng chiến lược, chính sách phát triển DN, phát huy lợi thế ngành, lĩnh vực, chuyển đổi mô hình phát triển thích ứng. Ứng dụng công nghệ tốt, nhiều hơn và sớm nhất có thể, để thay thế các phương thức thủ công. 

Cần có chính sách để kinh tế tư nhân có tiềm lực, quy mô lớn đóng vai trò dẫn dắt. Phát triển công nghiệp hỗ trợ trong các ngành công nghiệp ưu tiên. Cần nhóm giải pháp dài hạn và bền vững về đảm bảo ổn định nguồn nguyên vật liệu đầu vào cho các ngành sản xuất chế tạo; phát triển chuỗi giá trị trong ngành nông nghiệp, chế biến thực phẩm nhằm tạo giá trị gia tăng cao.

Nghị quyết 86 của Chính phủ đặt mục tiêu kiểm soát dịch bệnh Covid-19 vào giữa tháng 9-2021. Đây là một thách thức lớn trước tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, nên cũng đang là thách thức cho việc đảm bảo an sinh xã hội, duy trì chuỗi cung ứng hàng hóa; đặc biệt đối với các mặt hàng thiết yếu, hàng xuất khẩu, cung ứng nguyên liệu cho các DN bám trụ sản xuất. Do đó, “vaccine chính sách” cho DN tuyến đầu đang rất cần thiết.

Tin cùng chuyên mục