Tiếp sức những kỹ sư, cử nhân tài năng

Ra đời từ năm 2002, sau hơn 15 năm, chương trình cử nhân tài năng của Đại học Quốc gia (ĐHQG) TPHCM dù được hiệu chỉnh từ năm 2013, nhưng đến nay, những hiệu quả của chương trình này vẫn chưa thật sự rõ nét. 
Đầu vào là những sinh viên xuất sắc, thụ hưởng điều kiện học tập tốt nhất, có cả học bổng… được kỳ vọng sẽ tạo ra những sinh viên vượt trội, đáp ứng nguồn nhân lực giảng dạy, nghiên cứu chất lượng cao. Thế nhưng, thực tế hiện nay, chương trình này vẫn đang đối diện với nhiều thách thức, trong đó có vấn đề kinh phí.
Tiếp sức những kỹ sư, cử nhân tài năng ảnh 1 Sinh viên thuộc chương trình cử nhân tài năng trong giờ học thực hành
 Nhiều ưu tiên
 
Đề án “Chương trình đào tạo kỹ sư, cử nhân tài năng giai đoạn 2013 - 2017” được  ĐHQG TPHCM phê duyệt cho 5 trường thành viên triển khai 21 chương trình với quy mô hiện tại là 1.882 sinh viên. Trong đó, ĐHQG TPHCM hỗ trợ kinh phí 10 chương trình với kinh phí 10 triệu đồng/sinh viên/năm (khối ngành kinh tế, xã hội); 12 triệu đồng/sinh viên/năm (ngành khoa học và kỹ thuật). 11 chương trình còn lại sử dụng nguồn kinh phí đối ứng của các đơn vị.

Do đó, để được vào chương trình này, sau khi kết thúc 2 hoặc 3 học kỳ, sinh viên có học lực khá, đạt tiêu chuẩn (do khoa hoặc bộ môn quy định, có qua sơ tuyển phỏng vấn, làm bài kiểm tra đầu vào) và đạt yêu cầu ngoại ngữ đầu vào. Sinh viên chương trình này được đào tạo với quy mô nhỏ từ 25 - 30 sinh viên/lớp và mỗi khoa tuyển tối đa 40 sinh viên.

Đa số chương trình tài năng tại 5 trường ĐH thành viên đều tuyển sinh trên 70% so với chỉ tiêu. Tổng số sinh viên tài năng tuyển sinh theo đề án mới chiếm 11% so với tổng số sinh viên chính quy các ngành có đào tạo hệ tài năng và 4% tổng số quy mô sinh viên chính quy của toàn ĐHQG. Tính đến tháng 10-2017, có 548 sinh viên tài năng giai đoạn 2013-2017 tốt nghiệp ra trường (chiếm 29% tổng số sinh viên đang học). Kết quả học tập của sinh viên tài năng đa số ở mức khá giỏi, trong đó tỷ lệ xuất sắc và giỏi chiếm gần 46% và khá gần 50%.

Kết quả khảo sát 1.801 sinh viên của chương trình này cho thấy, 76% sinh viên tốt nghiệp làm việc trong các lĩnh vực nghiên cứu, giảng dạy, công nghệ thông tin... Toàn ĐHQG TPHCM có 91% sinh viên tốt nghiệp chương trình tài năng có việc làm trước và ngay sau khi tốt nghiệp, 8% có việc làm sau 6 tháng. Trong đó, 80% sinh viên làm đúng chuyên ngành đào tạo. Tỷ lệ sinh viên tham gia nghiên cứu khoa học đạt 34%.

Trên cơ sở đó, ĐHQG TPHCM lập kế hoạch cho giai đoạn 2018 - 2022 sẽ có nhiều điều chỉnh để đạt mục tiêu chương trình, chủ yếu được chuyển tải dựa trên hoạt động tự học, nghiên cứu, trải nghiệm thực tế, các hình thức tương tác giảng viên và sinh viên, người học với học giả, người học và doanh nghiệp… Để đạt mục tiêu này, chương trình đào tạo có thể thêm một số môn về phương pháp nghiên cứu khoa học, lãnh đạo và khởi nghiệp. Tổng số môn học riêng của chương trình tài năng sẽ chiếm 25% tín chỉ trong toàn chương trình đào tạo. So với các môn học chương trình đại trà, môn học tài năng có những điểm khác biệt. Theo đó, mỗi môn tài năng phải đi kèm một phần học mở rộng theo định hướng chuyên sâu hoặc nghiên cứu; sinh viên thực hiện dưới sự hướng dẫn của các giảng viên chương trình tài năng. Phần mở rộng này phải có chuẩn đầu ra riêng. Việc tổ chức lớp riêng với môn học tài năng không quá 30 sinh viên/lớp. 

Cần sự đổi mới 

Nhiều trường thành viên đều mong muốn duy trì chương trình này, đồng thời phải có sự tính toán hợp lý về đầu ra để không lãng phí tài năng, kinh phí cho chương trình hợp lý hơn chứ không thể “bao” trọn gói tất cả các ngành như hiện nay.  

TS Lê Thành Hưng, Phó Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Bách khoa, cho biết trong giai đoạn 2013 - 2017, trường đã thực hiện 11 chương trình tài năng cho các ngành mũi nhọn với chất lượng sinh viên đầu vào cao. Qua các năm, hầu hết các ngành đều tuyển đủ chỉ tiêu đề ra (30% chỉ tiêu mỗi ngành); riêng ngành điện năng, chỉ tiêu tuyển sinh giảm dần qua các năm và năm nay không tuyển được. Năm tới trường sẽ dừng để chuyển sang ngành khác. “Hiện nay chúng ta vẫn chưa có tiêu chí cụ thể để đánh giá khách quan hiệu quả chương trình này. Chúng tôi đề nghị trong tương lai, ĐHQG TPHCM cần mời chuyên gia thiết kế các tiêu chí đánh giá hiệu quả để chương trình tốt hơn. Điều này giúp có thông tin để cải tiến chương trình”, TS Lê Thành Hưng đề xuất. 

PGS-TS Lê Tuấn Lộc, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế - Luật, cho rằng: “Nên tuyển chọn sinh viên giỏi nhất của trường ở tất cả các ngành để đào tạo chương trình tài năng của trường. Khi tốt nghiệp phải có khả năng và kỹ năng vượt trội. Hiện chúng ta đang hướng tới trường ĐH nghiên cứu. Sản phẩm sinh viên chương trình tài năng phải hướng tới sản phẩm nghiên cứu khoa học và các hoạt động sáng tạo khác cụ thể hơn, như bài báo khoa học, dự hội nghị quốc tế, có đề án liên quan đến khởi nghiệp…”. 

Theo PGS-TS Trần Lê Quan, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, duy trì chương trình này là cần thiết. Về kinh phí, trong giai đoạn tới cần tăng cường xã hội hóa chứ không thể cứ sử dụng ngân sách Nhà nước, sinh viên cũng cần thấy rõ trách nhiệm khi tham gia chương trình này rõ ràng hơn. Trong khi đó, một số ngành khó tuyển như khoa học cơ bản (toán, văn học…) nên được ngân sách hỗ trợ 100% để kêu gọi thí sinh thực sự giỏi tham gia. Các ngành khác như công nghệ thông tin của Trường ĐH Khoa học Tự nhiên hoàn toàn có thể kêu gọi xã hội hóa. 

Tiến sĩ Phạm Tấn Hạ, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH KHXH-NV TPHCM, nhìn nhận: “Ngoài những ngành đang đào tạo hiện nay, chúng tôi nghĩ cần phải tiếp tục đào tạo thêm một số ngành nữa về khoa học cơ bản. Cái khó hiện nay là vấn đề kinh phí, không thể sử dụng kinh phí của ĐHQG để duy trì chương trình này”. 

PGS-TS Nguyễn Hội Nghĩa, Phó Giám đốc ĐHQG, thẳng thắn nhìn nhận, giai đoạn 2013-2017, chương trình còn một số hạn chế về mục tiêu, chuẩn đầu ra, kỹ năng ngoại ngữ. Chúng ta vẫn còn vấn đề về công tác tổ chức đào tạo như phương pháp giảng dạy đánh giá, sự liên hệ với các chương trình khác, kinh phí. Giai đoạn tiếp theo sẽ đổi mới phương thức để tiếp tục triển khai đề án này và mục tiêu chung là tạo ra chương trình có chất lượng, trình độ cao và mang đặc tính thời đại, sinh viên phải đạt được chất lượng cao tương xứng với 2 chữ  “tài năng”.
PGS-TS Lê Vũ Nam, Trưởng khoa Luật Trường ĐH Kinh tế - Luật:  Đẩy mạnh quan hệ hợp tác với doanh nghiệp

Nhà tuyển dụng đánh giá cao sinh viên tốt nghiệp chương trình này nên tiếp tục triển khai chương trình này giai đoạn tới, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng cho đất nước. Tuy nhiên, nên xem xét tăng kinh phí ở hình thức nhà tuyển dụng đặt hàng, cung cấp một phần nguồn tài chính cho chương trình này. Đầu tư mạnh mẽ hơn cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên tham gia chương trình. Hiện nay chưa có quan tâm đào tạo đội ngũ giảng viên của chương trình này. Đẩy mạnh quan hệ hợp tác với các doanh nghiệp; hoạt động kiến tập, giao lưu để có những chia sẻ tiếp thu kinh nghiệm thực tiễn tốt nhất. 
 Đại diện ĐHQG Hà Nội: Kết nối chương trình tài năng giữa 2 ĐHQG

Trình độ tiếng Anh, phương pháp đào tạo của giảng viên và kết nối với doanh nghiệp là những hạn chế của chương trình này. Cần xác định rõ mục tiêu đào tạo, chuẩn đầu ra; đặc biệt, phải gắn với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. 
Có 3 điểm mà 2 ĐHQG TPHCM và ĐHQG Hà Nội cần suy nghĩ, tính toán để đưa chương trình phù hợp trong tương lai: Thiếu sự liên kết giữa các chương trình đào tạo tài năng với chương trình khác; tài chính cho sự phát triển bền vững trong bối cảnh ngân sách eo hẹp và xu hướng tự chủ đang diễn ra mạnh mẽ như hiện nay. Nên chăng, sinh viên phải đóng góp cao hơn để thể hiện trách nhiệm; ngân sách Nhà nước cần cao hơn và có sự hỗ trợ từ doanh nghiệp bên ngoài, một phần hỗ trợ từ trường đào tạo… để thực sự là đào tạo tài năng, gắn với thị trường lao động. Sự khác biệt về năng lực của giảng viên đóng vai trò quan trọng, tạo ra sự khác biệt của giảng viên trong giảng dạy chương trình này rất quan trọng. Nên chăng, có sự kết nối chương trình tài năng giữa 2 ĐHQG, giao lưu trao đổi công nhận tín chỉ giữa 2 ĐHQG này trong chương trình đào tạo tài năng vì hiện đang có nhiều điểm tương đồng. Trên cơ sở đó, có thể tiến tới cung cấp cho sinh viên lựa chọn một nửa thời gian học tại ĐHQG TPHCM và nửa thời gian còn lại ở ĐH còn lại. Sinh viên có thể nhận bằng ở 1 trong 2 ĐH hoặc của 2 ĐH. Điều này sẽ tạo ra sự khác biệt của sinh viên chương trình này mà ở chương trình khác không thể có được. 

Cựu sinh viên ngành văn học  Trường ĐH KHXH-NV Vũ Nam Thái:  Cập nhật chương trình đào tạo

Vẫn còn hạn chế về khả năng ngoại ngữ; những gì đã học chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp. Kinh phí đào tạo cũng còn hạn chế, kinh tế vẫn chưa hoàn toàn đáp ứng được quá trình học tập. Do đó, phải cập nhật chương trình đào tạo để thỏa mãn mục tiêu phát triển với nhu cầu, mong muốn của sinh viên và thị trường lao động. Có biện pháp cụ thể đa chiều trong việc cải thiện vấn đề ngoại ngữ cho sinh viên, thống nhất quy trình triển khai tổ chức thi và công nhận chuẩn đầu ra ngoại ngữ; có những chính sách ưu tiên thiết thực hơn với sinh viên trong mọi lĩnh vực.

Tin cùng chuyên mục