Ngày 16-10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã tiếp tục phiên họp thứ 12 với nội dung xem xét, cho ý kiến về Báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2012; phương hướng, nhiệm vụ và kế hoạch năm 2013.
10/15 chỉ tiêu có khả năng đạt và vượt
Trình bày Báo cáo của Chính phủ tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Bùi Quang Vinh cho biết, trong số 15 chỉ tiêu của năm 2012 đã được QH phê duyệt, có 10 chỉ tiêu có nhiều khả năng đạt và vượt. Có 5 chỉ tiêu dự kiến sẽ không đạt, gồm: tăng trưởng GDP; tỷ lệ tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội so với GDP; tạo việc làm; mức giảm tỷ lệ hộ nghèo và tỷ lệ che phủ rừng. Trong đó, chỉ tiêu tăng trưởng GDP cả năm 2012 dự kiến chỉ đạt 5,2% so với chỉ tiêu được thông qua là 6% - 6,5%.
Xuất phát từ nhận định cho rằng, kinh tế vĩ mô chưa thật sự ổn định vững chắc, vẫn còn nguy cơ lạm phát cao trở lại; 5 chỉ tiêu kinh tế xã hội cơ bản có khả năng không đạt; tổng dư nợ tín dụng tăng thấp hơn nhiều so với mục tiêu đề ra và chênh lệch lớn so với tốc độ tăng huy động vốn; tình trạng nợ xấu của hệ thống ngân hàng chậm được giải quyết... Chính phủ đã đề ra một số giải pháp chủ yếu cần tập trung thực hiện từ nay đến cuối năm. Theo đó, Chính phủ sẽ chủ động điều hành kiềm chế lạm phát khoảng 8%, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý và bảo đảm thực hiện các mục tiêu an sinh xã hội.
Đặc biệt, có 9 nhóm giải pháp về tài chính, tài khóa. Trong đó, tiếp tục hạ lãi suất tín dụng phù hợp với mức giảm lạm phát. Tập trung xử lý nợ xấu; phấn đấu giảm nợ xấu của các ngân hàng thương mại xuống dưới 3%. Chính phủ cũng nêu rõ quyết tâm đẩy lùi nạn tham nhũng trong các lĩnh vực như đất đai, tài nguyên khoáng sản, tín dụng, công tác cán bộ, quan hệ giữa các cơ quan nhà nước với dân...
Còn đó hai nút thắt
Qua thẩm tra báo cáo của Chính phủ, đa số ý kiến trong Ủy ban Kinh tế cho rằng, tâm lý xã hội và niềm tin của thị trường vẫn đang diễn biến phức tạp, nếu giải quyết chậm thì khó khăn sẽ kéo dài và phức tạp hơn trong năm tới. “Báo cáo chưa nêu bật được những nguyên nhân chủ quan từ điều hành vĩ mô. 5 chỉ tiêu không đạt đều là những chỉ tiêu quan trọng, phản ánh tính bền vững của nền kinh tế trong trung và dài hạn”, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu thẳng thắn bình luận.
Việc lạm phát hạ nhanh hơn mức dự kiến, cùng với việc nhập siêu giảm liên tục và xuất siêu 9 tháng cho thấy thực trạng đáng lo ngại về năng lực hấp thụ đầu vào và tổng cầu của nền kinh tế đang suy giảm mạnh. Hai nút thắt của nền kinh tế là nợ xấu và hàng tồn kho vẫn đang làm tắc nghẽn quá trình chu chuyển nguồn lực quốc gia.
Trong các nhóm giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn thời gian tới, Ủy ban Kinh tế lưu ý, giảm hàng tồn kho vừa là giải pháp cấp bách nhằm hỗ trợ sản xuất, vừa là giải pháp giảm nợ xấu một cách hữu hiệu, khắc phục nhanh tình hình khó khăn hiện nay. Về chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước cần xác định chính xác, minh bạch quy mô nợ xấu, các khoản tiềm ẩn trở thành nợ xấu; xử lý nợ xấu trên nguyên tắc ngân hàng thương mại phải tự chịu trách nhiệm, tự chủ động giải quyết. Trên cơ sở có số liệu chính xác về quy mô, cơ cấu nợ xấu thì mới cân nhắc, quyết định mô hình tổ chức xử lý nợ xấu, không nên phân tán sức mạnh, nguồn lực quốc gia.
Chưa điều chỉnh lương tối thiểu trong năm 2013?
Tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ cũng đã trình bày Báo cáo về tình hình thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2012; kế hoạch năm 2013. Theo đó, thu ngân sách nhà nước 9 tháng năm 2012 đạt 67,3% dự toán, là năm có tiến độ thu thấp nhất trong các năm gần đây; khả năng thu những tháng còn lại rất khó khăn, ảnh hưởng đến thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội.
Về dự toán ngân sách năm 2013, đáng lưu ý, Chính phủ dự kiến không bố trí nguồn chi cải cách tiền lương theo lộ trình. Nhiều ý kiến trong Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách (TC-NS) nhất trí với phương án Chính phủ trình, với lý do cân đối ngân sách năm 2013 gặp rất nhiều khó khăn, thu ngân sách tăng thấp, nhiều nhiệm vụ chi chỉ được bố trí ở mức tối thiểu so với nhu cầu hoặc không đủ nguồn cân đối… Tuy nhiên, vẫn có một số ý kiến đề nghị cần thực hiện một phần lộ trình tăng mức lương tối thiểu từ 1,05 triệu lên 1,15 triệu đồng và phụ cấp công vụ từ 25% lên 30%, thực hiện từ 1-5-2013. Nguồn tăng này lấy từ tăng thu nội địa và dầu khí.
Không nên thắt chặt đồng loạt
Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai nhìn nhận: “Các báo cáo của Chính phủ chưa quan tâm đúng mức đến việc đánh giá đời sống của người dân trong năm 2012 cũng như năm 2013. Tình hình kinh tế xã hội khó khăn đã tác động đến chất lượng sống của họ như thế nào”?
Từ quan điểm này, Chủ nhiệm Trương Thị Mai yêu cầu Chính phủ công bố rõ ràng về chính sách tiền lương “để người dân chia sẻ, cùng vượt qua khó khăn”. Nhưng theo bà, không nên quyết định cứng là “không tăng” mà nên linh hoạt xem xét khi có điều kiện phù hợp.
Chủ nhiệm Ủy ban TC-NS Phùng Quốc Hiển và Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu có cùng quan điểm phải lựa chọn những khâu then chốt để “kích hoạt thị trường”. “Tôi cho rằng khâu trọng yếu cần kích hoạt hiện nay chính là thị trường bất động sản và đầu tư xây dựng cơ bản”, ông Hiển nói. Bên cạnh đó, theo Chủ nhiệm Ủy ban TC-NS, “tăng lương cũng là kích hoạt thị trường, mà lại rất đúng hướng, đúng lộ trình”.
Tán thành ý kiến của ông Hiển, Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu bổ sung: “Các báo cáo chưa nhấn mạnh giải pháp khơi dậy nguồn lực trong dân, kể cả đầu tư hạ tầng. Những công trình dang dở cần phải làm tiếp cho xong, nếu cứ để đó thì không phải chỉ lãng phí mà còn thất thoát nữa. Cần thì xem xét phát hành thêm trái phiếu Chính phủ, trái phiếu công trình, không nên thắt chặt đồng loạt”. Một khoản có thể tiết kiệm đáng kể, ông Uông Chu Lưu gợi ý, là chi phí hội nghị, lễ hội, kỷ niệm, mít tinh, công tác nước ngoài bằng tiền ngân sách...
| |
Anh Thư