Tiếp tục nghiên cứu phương án bỏ hay giữ điểm sàn đại học

Vừa qua, sau khi Bộ GD-ĐT công bố dự thảo quy chế thi THPT quốc gia và tuyển sinh ĐH, dư luận đã có nhiều băn khoăn, nhất là dự kiến sẽ bỏ điểm sàn đại học. Ngày 27-12, Bộ GD-ĐT đã có phản hồi về những băn khoăn này.
Tiếp tục nghiên cứu phương án bỏ hay giữ điểm sàn đại học

Vừa qua, sau khi Bộ GD-ĐT công bố dự thảo quy chế thi THPT quốc gia và tuyển sinh ĐH, dư luận đã có nhiều băn khoăn, nhất là dự kiến sẽ bỏ điểm sàn đại học. Ngày 27-12, Bộ GD-ĐT đã có phản hồi về những băn khoăn này.

Công bố 14 đề thi thử nghiệm vào cuối tháng 1-2017

Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga, ngay sau khi ban hành phương án tổ chức kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh ĐH-CĐ hệ chính quy năm 2017, hiện các dự thảo quy chế thi, tuyển sinh đang được lấy ý kiến rộng rãi trong ngành và toàn xã hội trước khi hoàn thiện, ban hành.

Trong đó, đối với dự thảo Quy chế thi THPT quốc gia và xét công nhận tốt nghiệp THPT thì đến nay hầu hết các ý kiến đều đồng thuận. Chỉ một số ít ý kiến băn khoăn về việc xây dựng ngân hàng câu hỏi thi và sự đồng đều về mức độ khó dễ của đề thi. Về điều này, Bộ GD-ĐT cho biết, đầu tháng 9-2016, bộ đã thành lập Ban chỉ đạo công tác đề thi và xây dựng kế hoạch chi tiết triển khai thực hiện công tác đề thi. Ma trận đề thi kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 đã được xây dựng theo hướng tiếp tục thực hiện đánh giá năng lực người học, tăng mức yêu cầu vận dụng kiến thức, các câu hỏi mở, giảm yêu cầu thuộc lòng, ghi nhớ máy móc hay trả lời theo khuôn mẫu có sẵn; đảm bảo phân hóa kết quả thi để vừa đáp ứng yêu cầu xét công nhận tốt nghiệp THPT, vừa dùng để xét tuyển sinh ĐH-CĐ.

Căn cứ ma trận đề thi, Bộ GD-ĐT xây dựng các đề minh họa, đề thử nghiệm làm cơ sở cho giáo viên và học sinh tham khảo trong dạy học và ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi. Bộ cũng đã công bố 14 đề thi minh họa các môn thi năm 2017. Cuối tháng 1-2017, sẽ công bố 14 đề thi thử nghiệm của các môn thi năm 2017 để thí sinh và các nhà trường có thêm cơ sở tham khảo, vận dụng trong dạy học và ôn tập. Ngoài ra, hiện bộ đang tích cực triển khai xây dựng bộ đề thi thử nghiệm theo 5 bài thi. Bộ đề thi theo bài thi này sẽ công bố rộng rãi ngay sau khi học sinh lớp 12 hoàn thành chương trình năm học 2016-2017 (dự kiến giữa tháng 5-2016), giúp các cơ sở giáo dục và thí sinh tập dợt, làm quen với định dạng đề thi và phương thức thi theo bài để tiếp tục ôn luyện, chuẩn bị tốt cả về kiến thức, tâm thế và kỹ năng để tham gia kỳ thi đạt kết quả cao. Từ tháng 10-2016, Bộ GD-ĐT đã gấp rút thực hiện bổ sung, chuẩn hóa ngân hàng câu trắc nghiệm đã có tại Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục, trong đó có khai thác các câu hỏi thi phù hợp trong ngân hàng câu hỏi thi đánh giá năng lực của ĐHQG Hà Nội.

Thí sinh đăng ký xét tuyển tại Trường ĐH Kinh tế TPHCM. Ảnh: THANH HÙNG

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết đã tổ chức 10 đợt biên soạn câu hỏi thô trên toàn quốc; huy động giáo viên THPT giỏi của tất cả 63 tỉnh hành, các giảng viên ĐH có chuyên môn tốt, nắm vững chương trình THPT có nhiều kinh nghiệm về thi, kiểm tra, đánh giá tham gia. Đến nay đã biên soạn được hơn 60.000 câu hỏi thô, cơ bản đáp ứng đúng quy trình xây dựng câu hỏi thi chuẩn hóa của lý thuyết khảo thí hiện đại. Số câu hỏi thô đã chuẩn bị hiện đạt gấp đôi so với dự kiến ban đầu. Hiện đã triển khai được 7 đợt biên tập thẩm định theo tiến độ biên soạn, khoảng 45.000 câu hỏi đã được biên tập; 80% số lượng câu hỏi thô của 10 đợt biên soạn đạt chất lượng có thể sử dụng cho biên tập tinh chỉnh xây dựng Ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hóa. Ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hóa đang được xây dựng và từng bước được hoàn thiện theo quy trình khoa học, chặt chẽ là cơ sở để ra đề thi trắc nghiệm với mức độ tương đương, đáp ứng yêu cầu tổ chức kỳ thi THPT quốc gia năm 2017.  

Thống nhất với các trường ĐH để quyết định về “điểm sàn”

Đối với dự thảo Quy chế tuyển sinh chính quy ĐH-CĐ, theo ông Bùi Văn Ga, dư luận cơ bản đồng thuận với hầu hết các quy định của dự thảo. Tuy nhiên vẫn còn một số ý kiến băn khoăn về 3 điểm: cho thí sinh đăng ký nhiều nguyện vọng dẫn đến thí sinh ảo nhiều; cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GD-ĐT có thể xảy ra nghẽn mạng khi vận hành; Bộ GD-ĐT không quy định chung ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào (điểm sàn) có thể ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo.

Bộ GD-ĐT cho rằng, việc cho thí sinh đăng ký nhiều nguyện vọng là nhằm tạo điều kiện tối đa cho thí sinh được trúng tuyển vào ngành mình yêu thích ở các trường có mức độ cạnh tranh khác nhau. Dù đăng ký nhiều nguyện vọng nhưng thí sinh phải sắp xếp các nguyện vọng theo thứ tự ưu tiên và trong đợt xét tuyển chính (đợt 1), thí sinh chỉ trúng tuyển vào 1 nguyện vọng cao nhất có thể trong danh sách các nguyện vọng đã đăng ký. Điều này được thực hiện nhờ phần mềm thống kê nguyện vọng xét tuyển của thí sinh chạy tự động trên cổng thông tin tuyển sinh của bộ. Do mỗi thí sinh chỉ trúng tuyển vào 1 nguyện vọng nên hạn chế được tối đa tình trạng “thí sinh ảo” trong đợt xét tuyển chính. Với cổng thông tin tuyển sinh của bộ, Bộ GD-ĐT khẳng định so với năm 2016, hệ thống năm nay chạy nhẹ tải hơn nhiều nên khó có thể xảy ra nghẽn mạng.

Về dự kiến bỏ ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào (điểm sàn), Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết, từ khi bắt đầu thực hiện đổi mới tuyển sinh, nhiều chuyên gia và trường ĐH đề nghị bộ không nên quy định điểm sàn vì thực tế điểm sàn không còn nhiều ý nghĩa như khi tổ chức thi “3 chung”. Việc quy định điểm sàn chung không phát huy được tính năng động, quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm của các trường trong việc xác định điểm sàn phù hợp với điều kiện của từng trường và yêu cầu của từng ngành đào tạo cũng như đồng bộ với chính sách chất lượng của trường.

Vì vậy, dựa vào thực tế tuyển sinh năm 2015, năm 2016 và khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân, năm 2017 Bộ GD-ĐT dự kiến chỉ quy định điều kiện cần đối với thí sinh là tốt nghiệp THPT, còn các trường ĐH quy định điều kiện đủ để nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển.

Ông Bùi Văn Ga cũng cho biết, khi dự kiến bỏ điểm sàn, bộ cũng dự đoán được băn khoăn của dư luận. Đó là bỏ điểm sàn chung thì chất lượng đào tạo có đảm bảo không, nhất là đối với những trường chưa xây dựng được uy tín chất lượng, bởi thực tế vẫn còn có trường chạy theo số lượng, thiếu sự sàng lọc trong quá trình đào tạo dẫn đến chất lượng đào tạo có thể bị giảm sút nếu chất lượng đầu vào không được kiểm soát kỹ…

Tuy nhiên, Bộ GD-ĐT cho rằng, thực tế điểm sàn hoàn toàn không có ý nghĩa đối với những trường, ngành có uy tín và tính cạnh tranh cao (chiếm khoảng 30% tổng số các trường ĐH). Những trường, ngành khác nếu đã được các tổ chức kiểm định trong nước hay thế giới công nhận đạt chuẩn chất lượng, những trường đang thực hiện thí điểm tự chủ thì xã hội cũng có thể yên tâm về tự chủ tuyển sinh (trong đó có tự chủ xác định điểm sàn). Dù vậy, Bộ GD-ĐT cho biết sẽ trao đổi thống nhất với các trường tại cuộc họp hiệu trưởng các trường ĐH sắp tới để quyết định phương án xác định điểm sàn phù hợp.

PHAN THẢO

Tin cùng chuyên mục