Khi nguồn thu không thể trang trải đầy đủ các chi phí thì tiết kiệm trở thành thượng sách. Trong bối cảnh nền kinh tế có nhiều dấu hiệu khó khăn, nước Mỹ, nền kinh tế số một thế giới, cũng đang phải tiết kiệm chi tiêu.
Hàng loạt bang của Mỹ đã phải cắt giảm chi tiêu công khi mà mức thâm thủng ngân sách của họ lên cao.
Thống đốc bang California Arnold Schwarzenegger đã quyết định cắt giảm 10.000 người làm việc bán thời gian và các nhân viên thời vụ đồng thời hạ mức lương tối thiểu trả cho 200.000 công chức của bang còn 6,55 USD/giờ, thấp hơn mức lương tối thiểu trung bình của bang này.
California là bang lớn nhất của Mỹ và là một trong những nền kinh tế lớn nhất thế giới đang bị thâm thủng ngân sách 15 tỷ USD.
Với quyết định trên, California sẽ tiết kiệm được trên 1,4 tỷ USD/tháng. Gần 30 bang khác của Mỹ cũng đang tìm mọi cách để giảm thâm thủng ngân sách như tăng thuế, cắt giảm ngân sách và cắt việc làm, sử dụng tiền của quỹ dự trữ, mượn tiền và cho thế chấp các tài sản của tiểu bang…
“Không khí” tiết kiệm cũng đã lan tới trụ sở của LHQ. Các máy lạnh trong trụ sở của LHQ được điều chỉnh tăng vài độ, từ 220C lên 250C.
Với biện pháp này, mỗi tháng, LHQ tiết kiệm được 100.000 USD và còn giúp cắt giảm 300 tấn khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon cùng các nhân viên của mình đã khởi đầu tháng tiết kiệm này bằng cách mặc áo sơ mi ngắn tay, không cà vạt vào buổi làm việc trong ngày đầu của tháng 8.
TTK LHQ Ban Ki-moon nói: “Chúng ta phải làm gương khi yêu cầu các nước cắt giảm khí thải”. Đây cũng là lần đầu tiên Trụ sở LHQ không có đồ vest.
Các phòng hội nghị của Trụ sở LHQ thì được ưu tiên hơn với 240C.
Sáng kiến mang tên “Một LHQ mát mẻ” để nói lên rằng nhiệt độ ở trụ sở có thể tăng nhưng LHQ đã làm “mát” bằng cách bớt chi tiêu ngân sách và tiêu dùng năng lượng. Sáng kiến sẽ thực hiện trong suốt tháng 8 và nếu có hiệu quả sẽ thực hiện trong cả năm, tiết kiệm được hơn 1 triệu USD.
Tiết kiệm năng lượng đồng nghĩa với cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính ngày nay càng có cơ sở hơn khi nhiều nền kinh tế gặp khó khăn.
Tại hội nghị về thay đổi khí hậu ở Bali, Indonesia hồi tháng 12-2007, các đại biểu tham dự mặc trang phục bình thường. Dự kiến, các đại biểu cũng sẽ hành động tương tự trong hội nghị về khí hậu sắp tới ở Ghana. Nhiều thành phố trên thế giới, người dân cũng đã chuyển từ sử dụng xe công sang xe buýt hoặc xe đạp.
Tiết kiệm chưa chắc là đối sách tốt trong nhiều trường hợp nhưng chưa bao giờ trở nên cần thiết và được sử dụng rộng rãi như hiện nay khi mà nhiều nước trên thế giới đang phải đương đầu với những bài toán đau đầu về kinh tế như lạm phát, thâm thủng ngân sách, thất nghiệp, giá năng lượng cao.
Huy Quốc