Điều này được thể hiện rõ qua số lượng tranh chấp thương mại được giải quyết bằng trọng tài ngày một tăng, cũng như số lượng các tổ chức trọng tài thương mại trên cả nước ngày càng nhiều. Nhà nước cũng có những chính sách khuyến khích phát triển trọng tài thương mại và pháp luật về trọng tài ngày càng hoàn thiện, đồng bộ; đảm bảo quyền lợi của các bên khi tham gia giải quyết tranh chấp bằng trọng tài cũng như tương đồng với pháp luật trọng tài quốc tế.
Phương thức trọng tài mang tính chất ưu việt và phù hợp trong việc giải quyết các tranh chấp thương mại. Bởi, hoạt động thương mại luôn đòi hỏi phải nhanh chóng, linh hoạt, hiệu quả; và trọng tài hoàn toàn có thể đáp ứng được các tiêu chí này. Bên cạnh đó, trọng tài là một cơ chế giải quyết tranh chấp mềm dẻo và tiết kiệm thời gian cho các bên. Với trọng tài, các bên được tự do lựa chọn thủ tục, thời gian, địa điểm phương thức giải quyết tranh chấp theo phương thức tiện lợi, nhanh chóng, hiệu quả nhất cho các bên trong khuôn khổ pháp luật cho phép. Điều này giúp giảm chi phí, thời gian và tăng hiệu quả cho quá trình giải quyết tranh chấp.
Phán quyết của trọng tài là chung thẩm. Vì vậy, nó có giá trị bắt buộc đối với các bên không thể chống án hay kháng cáo. Việc xét xử tại trung tâm trọng tài chỉ diễn ra ở một cấp xét xử. Đó cũng chính là điều khác biệt cơ bản so với việc xét xử tại tòa án. Thông thường, xét xử tại tòa án phải diễn ra ở nhiều cấp, như: sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm… Phán quyết của trọng tài có giá trị thi hành ngay sau khi công bố và được Nhà nước đảm bảo thi hành thông qua cơ quan thi hành án. Điều này được quy định cụ thể tại điểm e khoản 1 Điều 2 Luật Thi hành án dân sự năm 2008, được sửa đổi bổ sung năm 2014. Theo đó, “Những bản án, quyết định được thi hành theo luật này bao gồm: e) Phán quyết, Quyết định của Trọng tài thương mại”.
Quan trọng hơn, phạm vi thi hành phán quyết của trọng tài rộng hơn rất nhiều so với quyết định của tòa án. Hiện chưa có công ước đa quốc gia về công nhận quyết định của tòa án. Nhưng, trọng tài đã có công ước New York năm 1958, đến nay có 149 quốc gia và vùng lãnh thổ là thành viên. Việt Nam cũng là một thành viên của công ước này, nên phán quyết của các tổ chức trọng tài tại Việt Nam sẽ được công nhận và cho thi hành tại các nước khác là thành viên của công ước New York.
Từ những ưu điểm trên, TTTM được đánh giá là phương thức giải quyết tranh chấp được các tổ chức, doanh nghiệp ưu tiên lựa chọn trong thời gian tới. Nắm bắt được xu thế trên, Đảng và Nhà nước đã đưa chế định trọng tài và phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài vào các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Đây cũng được xem là một nội dung trong việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2020 và trong chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020.
Trải qua một thời gian dài hình thành và phát triển, mô hình TTTM Việt Nam đã có những bước chuyển biến tích cực. Phương thức giải quyết tranh chấp bằng TTTM đã và đang tiếp tục nhận được sự quan tâm to lớn của Đảng và Nhà nước. Kết hợp nhận thức của xã hội về TTTM đang ngày được nâng cao với sự phát triển của thể chế kinh tế, pháp luật và xã hội, chúng ta có cơ sở để tin rằng, TTTM sẽ thực hiện thành công quá trình tiêu chuẩn hóa và quốc tế hóa, nhằm vươn lên những tầm cao mới, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cải cách tư pháp của nước nhà.