Tìm đầu ra cho bánh tráng phơi sương

Tìm đầu ra cho bánh tráng phơi sương

Nhắc đến địa danh Trảng Bàng (Tây Ninh), ngoài bánh canh thì nhiều người còn nhớ đến bánh tráng phơi sương - một đặc sản nổi tiếng của người dân nơi đây từ hàng chục năm qua. Hiện nhiều hộ làm bánh tráng phơi sương truyền thống đã chuyển sang tráng bánh bằng máy mang lại hiệu quả cao hơn, tuy nhiên đầu ra của sản phẩm chưa được mở rộng.

Chúng tôi tìm đến cơ sở của anh Võ Văn Vũ, người vốn quê huyện Long Hồ, lấy vợ người Lộc Hưng, Trảng Bàng, Tây Ninh. Năm 2000, anh Vũ biết đến nghề làm bánh tráng phơi sương qua mẹ vợ và ngay sau đó anh đã nghĩ đến việc đưa máy móc vào khâu tráng bánh thay cho phương pháp làm thủ công bằng tay để đạt số lượng nhiều hơn và theo kích cỡ khách hàng yêu cầu cũng như dễ dàng vận chuyển đi xa và thời gian bảo quản được lâu.

Đóng gói bánh tráng ở Trảng Bàng

Từ năm 2002, cơ sở của anh Vũ đã đầu tư máy tráng bánh được làm từ inox, cho năng suất gấp 10 lần làm bằng tay. Từ bột gạo, anh còn làm bánh bằng bột mì cho thị trường các tỉnh miền Tây. Sản xuất ngày một phát triển, anh từng bước mở rộng đất đai, nhà xưởng với nguồn vốn đầu tư hơn 1 tỷ đồng và hiện mỗi ngày xuất xưởng 800kg bánh tráng thành phẩm, lúc cao điểm như dịp tết vừa qua, có ngày lên đến 1,3 - 1,4 tấn, giải quyết việc làm cho 25 lao động với mức lương bình quân 6 - 7 triệu đồng/người/tháng.

Hiệu quả từ việc đầu tư công nghệ vào làng nghề thì ai cũng thấy. Tuy nhiên, khi chuyển sang máy móc thì lại phụ thuộc nhiều vào thị trường và vốn đầu tư nên không phải ai cũng thành công. Thời gian qua cũng có một số cơ sở sau khi đưa công nghệ vào sản xuất nhưng tiêu thụ không hết, lại thêm nợ ngân hàng nên phải dẹp tiệm và số cơ sở thành công hiện chưa tới 50%. Hiện nay toàn huyện chỉ còn 35 cơ sở làm bánh tráng bằng máy, chủ yếu tiêu thụ trong nước. Và đó cũng chính là vấn đề đặt ra với người làm báng tráng bằng máy ở Trảng Bàng hiện nay. Một khi sản xuất bằng máy, năng suất cao gấp hàng chục lần bằng tay nên sản phẩm dễ dư thừa, khó tiêu thụ hết, nhiều chủ cơ sở chưa làm hết công suất và phải đôn đáo chạy lo thị trường nhưng khả năng của mỗi hộ là rất có hạn. Ngược lại, những hộ không mạnh dạn đổi mới máy móc thì chất lượng không ổn định, thị trường cũng khó mở rộng.  

Do vậy, rất cần có một kế hoạch quảng bá, xúc tiến sản phẩm thường niên của các cơ quan chức năng như Sở Công thương, Sở VH-TT-DL tỉnh hướng vào thị trường tiềm năng của 90 triệu dân Việt Nam, sau đó dần mở rộng sang một số nước ASEAN khác.

VĂN PHONG

Tin cùng chuyên mục