Tìm đến với cách mạng

Tìm đến với cách mạng

Có thể gọi cuộc gặp bà Lê Thị Hồng Minh vào giữa năm 2008 với tôi là một sự may mắn và hữu duyên. Bà Hồng Minh là con gái duy nhất của đồng chí Lê Hồng Phong (Tổng Bí thư Đảng CSVN giai đoạn 1935-1936) và Nguyễn Thị Minh Khai (Bí thư Thành ủy Sài Gòn giai đoạn 1936-1939).

Tôi biết tin bà Hồng Minh từ Hà Nội về Sài Gòn đã làm việc ở Ban Tổ chức Thành ủy TPHCM và nghỉ hưu năm 1995 nhưng chưa có dịp gặp gỡ. Hai năm trước, tôi có dịp tới Đà Lạt thăm ngôi nhà “kỳ dị” của kiến trúc sư Đặng Xuân Nga là con gái lớn của đồng chí cố Tổng Bí thư Trường Chinh. Ở đây, tôi bỗng gặp một cô gái được giới thiệu là con của bà Lê Thị Hồng Minh, tới thăm chủ ngôi nhà theo lời dặn của mẹ. Đó là một dịp may hiếm có đúng vào lúc tôi cho ra đời tập sách “Cụ Mười Lụa và Nam kỳ khởi nghĩa” nên tôi quyết định mang quyển sách tới tặng bà khi về lại TPHCM.

Lê Thị Hồng Minh và mẹ nuôi, bà Đặng Thị Du (vợ ông Dương Bạch Mai). Ảnh: T.L.

Lê Thị Hồng Minh và mẹ nuôi, bà Đặng Thị Du (vợ ông Dương Bạch Mai). Ảnh: T.L.

Gần như suốt cả buổi sáng, bà Hồng Minh kể lại từng chi tiết trong thời gian từ sau ngày mẹ hy sinh cho tới ngày tập kết ra Bắc cuối năm 1954. Đầu tiên, vợ chồng ông Dương Bạch Mai bí mật đưa bé Hồng Minh về Cà Mau giao cho người anh nuôi dưỡng. Cách mạng Tháng Tám thành công, Hồng Minh lên 6 tuổi được đưa trở lên Sài Gòn ở nhà một người quen. Trong những năm tháng tuổi thơ, ngày nào Hồng Minh cũng theo bạn bè đồng trang lứa chạy sang nô đùa ở nghĩa trang Đất Thánh Cha (của người Công giáo Pháp, nay là công viên Lê Văn Tám) và ở nghĩa trang Đất Thánh Chà (của người Java - Hồi giáo) phía bên kia đường Mayer (nay là Võ Thị Sáu). Hồng Minh không hề biết nơi đây chính là nơi an nghỉ của mẹ mình.

Sau ngày Nam bộ kháng chiến 23-9-1945, nhiều người dân Sài Gòn ồ ạt ra đi theo “tiếng gọi sơn hà nguy biến” vào chiến khu. Vốn là con nhà nòi cách mạng, cô bé Hồng Minh bắt đầu đặt những dấu hỏi về tông tích của cha mẹ mình và một số người quen có kể cho cô nghe qua về sự hy sinh của cha mẹ. Cũng vào thời điểm này, cô nghe nhiều người xung quanh nhắc đến hai chữ cách mạng và mang máng nghĩ rằng, chỉ có một con đường là tìm đến cách mạng mà chưa ý thức được là tới nơi nào và làm gì. Rất nhiều người quen hứa đưa Hồng Minh đi nhưng sau nhiều ngày vẫn chưa bắt được liên lạc với cách mạng. Sau một thời gian dài theo chân người lớn tìm đường mà không thấy, Hồng Minh lại lủi thủi trở về nơi xuất phát.

Nhưng thật bất ngờ, người quen của Hồng Minh đã dọn đi nơi khác và từ đó cuộc sống của cô bé lâm vào tình cảnh côi cút, khốn khổ. Trong căn nhà cũ mà mới, không ai biết bé là ai nên đối xử với Hồng Minh như người giúp việc. Trong những năm này, Hồng Minh thay đổi nhiều chỗ làm vì luôn bị đối xử tệ bạc. Ngày ăn không đủ no, đêm ngủ không yên giấc và làm việc rất vất vả nhưng cũng nhờ đó mà Hồng Minh đã hiểu thêm về cuộc đời. Cuộc sống khó khăn là thế nhưng Hồng Minh vẫn nuôi ước mơ vào chiến khu và em vẫn lén lút học lóm chữ với bọn trẻ hàng xóm.

Một hôm, Hồng Minh cùng bọn trẻ hàng xóm nghe radio, đọc trộm báo ở ngoài sạp nên biết loáng thoáng về chiến thắng Điện Biên Phủ và chuyện tập kết ra Bắc theo hiệp định Genève. Báo chí có đăng nhiều địa điểm tập kết quân dân ra Bắc, trong đó Hồng Minh chú ý tới điểm Bình Châu - Xuyên Mộc (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) là nơi gần Sài Gòn nhất. Hồng Minh bỗng khôn lớn hẳn lên. Cô nhanh chóng liên lạc lại với người quen là chủ vựa cá hay đi Bà Rịa-Vũng Tàu để xin đưa mình đi tìm cơ sở cách mạng. Thật may mắn, Hồng Minh được một cơ sở đưa tới điểm tập kết ở Xuyên Mộc nhưng không ai biết Hồng Minh là ai dù Hồng Minh luôn miệng nhắc đến tên cha mẹ. Một anh du kích bảo vệ điểm tập kết vừa nạt vừa đùa:

- Mày là ai mà cứ đòi đi tập kết? Bộ mày giỡn mặt với cách mạng sao?

- Không, tôi nói thiệt mà. Tôi là con của Lê Hồng Phong và Nguyễn Thị Minh Khai - Hồng Minh nghiêm nét mặt trả lời.

Hai người giằng co một lúc thì gặp một cán bộ đi ngang qua. Ông trở về từ nhà tù Côn Đảo, từng trò chuyện với Lê Hồng Phong và biết được hai vợ chồng liệt sĩ này có đứa con gái ở nội thành Sài Gòn. Sau khi nghe Hồng Minh kể lại chuyện, ông tin ngay và ngay lập tức giúp Hồng Minh ra Bắc sum họp với họ hàng.

Kể tới đây bà Hồng Minh cười vui: “Ra tới Hà Nội, tôi được gặp Bác Hồ và rất nhiều đồng chí lãnh đạo khác đã chăm lo cho tôi hết sức chu đáo”. Lê Thị Hồng Minh tốt nghiệp đại học tại Hà Nội và được cử đi học Liên Xô ngành cơ khí chế tạo máy. Hai con của bà (một gái, một trai) đều thành đạt và hiện bà đang sống vui vẻ tuổi già với các con cháu ở đường Bùi Thị Xuân, quận 1.

Thiếu tình thương của cha mẹ, sống cơ cực từ nhỏ nhưng với dòng máu hồng luôn chảy trong huyết quản, bà Hồng Minh đã vượt qua bao khó khăn để tìm đến cách mạng. Chính sự hy sinh anh dũng của cha mẹ, hai nhà cách mạng Lê Hồng Phong và Nguyễn Thị Minh Khai đã hun đúc nên một Lê Thị Hồng Minh kiên cường sau này.

VƯƠNG LIÊM

Tin cùng chuyên mục