(SGGP).- Ngày 29-3, tại TP Cần Thơ, Bộ TN-MT phối hợp với Đại sứ quán Hà Lan tổ chức hội thảo “Hướng đến kế hoạch ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng cho Việt Nam”.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Bộ trưởng Bộ TN-MT Phạm Khôi Nguyên cho rằng nhiệm vụ quan trọng hiện nay là làm thế nào để đảm bảo cho ĐBSCL an toàn trước tác động của biến đổi khí hậu, trước nguy cơ bị lũ lụt, xâm nhập mặn trong khi vẫn duy trì được một vùng đất trù phú để sinh sống, sản xuất lương thực, thực phẩm.
Theo kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng (đã được Bộ TN-MT công bố), ĐBSCL sẽ bị ngập từ 19% - 38% diện tích nếu nước biển dâng 1m. Đứng trước những thách thức trên, Việt Nam đã quan tâm đầu tư và triển khai đồng bộ các biện pháp thực hiện Nghị định thư Kyoto; cấp thư phê duyệt cho các dự án theo cơ chế phát triển sạch... Tại ĐBSCL, Bộ TN-MT đã phối hợp với 6 tỉnh ven biển xây dựng kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu.
Tại hội thảo, nhiều đại biểu đề nghị nghiên cứu cải tiến công nghệ đỉnh cao của Hà Lan phù hợp với ĐBSCL và đưa vào quy hoạch, xây dựng các công trình chống lũ, xâm nhập mặn; hệ thống hồ chứa nước lũ và nước mưa; nghiên cứu và đưa vào sản xuất các giống cây con chịu hạn, mặn; thiết kế các trạm quan trắc và dự báo ngắn hạn để tăng cường năng lực ứng phó với biến đổi khí hậu…
L.Chinh