Tìm lối đi cho công ty lâm nghiệp

Nợ lương, bỏ mặc rừng
Tìm lối đi cho công ty lâm nghiệp

Hơn 10 năm qua, các tỉnh Tây Nguyên đã chuyển đổi hàng chục lâm trường thành công ty lâm nghiệp. Nhưng từ khi chuyển đổi đến nay, phần lớn công ty lâm nghiệp ở đây rơi vào cảnh sống dở, chết dở. Các tỉnh Tây Nguyên vẫn đang loay hoay tìm lối đi cho các công ty lâm nghiệp.

Rừng bị người dân chặt phá, lấn chiếm tại Công ty Lâm nghiệp Quảng Tín - Đắk Nông.

Rừng bị người dân chặt phá, lấn chiếm tại Công ty Lâm nghiệp Quảng Tín - Đắk Nông.

Nợ lương, bỏ mặc rừng

Tây Nguyên hiện có 56 lâm trường đã chuyển đổi thành công ty lâm nghiệp, quản lý hơn 998.000ha đất lâm nghiệp và có tổng vốn sản xuất kinh doanh khoảng 540 tỷ đồng (bình quân 9,64 tỷ đồng/công ty). Nhưng theo Bộ NN-PTNT, phần lớn lâm trường chuyển đổi sang công ty lâm nghiệp chỉ là đổi tên, còn cơ chế quản lý và phương thức hoạt động vẫn như trước.

Trong khi đó, việc quản lý rừng và đất rừng lỏng lẻo dẫn đến tình trạng rừng bị chặt phá, lấn chiếm tràn lan. Vì thế, hiệu quả sản xuất kinh doanh của nhiều công ty rất thấp, đời sống của người lao động gặp nhiều khó khăn.

Tính đến nay, cả 15 lâm trường trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã hoàn tất việc chuyển đổi thành các công ty TNHH một thành viên lâm nghiệp (gọi tắt công ty lâm nghiệp - PV) với tổng diện tích đang quản lý 196.523ha rừng và đất rừng. Ngoài một số công ty có lợi về đất đai và vốn đang kinh doanh hiệu quả, phần lớn công ty lâm nghiệp rơi vào cảnh nợ đọng ngân hàng, nợ lương công nhân, kinh doanh thua lỗ, thiếu vốn đầu tư sản xuất…

Trước đây, nguồn thu chủ yếu của các công ty lâm nghiệp vẫn là tiền bán gỗ khai thác rừng tự nhiên theo kế hoạch hàng năm. Nhưng hiện nay, nhiều công ty không còn chỉ tiêu khai thác gỗ, một số công ty thì có chỉ tiêu khai thác gỗ nhưng vẫn không được khai thác. Vì thế, họ bị cắt đứt nguồn thu. Còn các công ty mở rộng đầu tư kinh doanh chủ yếu bằng vốn vay ngân hàng, chi phí lãi vay chiếm tỷ trọng lớn trong giá thành sản phẩm, dẫn đến thua lỗ.

Ông Nguyễn Hữu Thu, Giám đốc Công ty Lâm nghiệp Cư M’lan, bộc bạch: “Tính đến nay, công ty đang nợ 3,6 tỷ đồng tiền lương công nhân và hơn 2 tỷ đồng tiền vay của cán bộ, công nhân từ việc họ “cắm” sổ đỏ vay tiền ngân hàng cho công ty. Năm vừa rồi, hầu hết anh em đều không có tiền lương ăn tết nhưng vẫn phải trực đêm, trực ngày. Trong khi đó, công ty không còn chỉ tiêu khai thác gỗ nên không có nguồn thu và không có tiền trả nợ”. Cũng theo ông Thu, hầu hết công ty lâm nghiệp trong tỉnh hiện đang rơi vào tình cảnh như thế.

Sau khi chuyển đổi, nhiều công ty lâm nghiệp vẫn hoạt động theo mô hình truyền thống với nhiệm vụ chủ yếu là bảo vệ rừng, nhưng họ cũng không giữ được rừng. Ở huyện Ea Súp có 4 công ty lâm nghiệp gồm: Công ty Rừng Xanh, Công ty Ya Lốp, Công ty Ea H’mơ và Công ty Cư M’lan quản lý tới hàng chục ngàn hécta rừng nhưng cả 4 công ty đều liên tục xảy ra tình trạng phá rừng và lấn chiếm đất rừng trái phép.

Suốt quãng đường đất 15km mới mở chạy từ thị trấn Ea Súp tới thôn Bình Lợi (xã Cư M’lan), đâu đâu chúng tôi cũng gặp xe cày chở gỗ hiên ngang phóng bụi mù trời trên địa phận Công ty Lâm nghiệp Cư M’lan nhưng mảy may không thấy kiểm lâm, cán bộ bảo vệ rừng… nào ngăn chặn. Càng đi vào gần thôn, cảnh tượng này càng diễn ra công khai hơn. Thậm chí, rừng còn bị phá ngay cạnh Trạm quản lý, bảo vệ rừng của Công ty Lâm nghiệp Cư M’lan.

Không riêng gì nơi đây, việc phá rừng, lấn chiếm đất rừng xảy ra công khai tại hầu hết các công ty lâm nghiệp ở Đắk Lắk. Hậu quả, đến nay có hơn 2.200ha rừng của các công ty lâm nghiệp bị chặt phá trụi và lấn chiếm trái phép. Nhưng khi được hỏi, công ty nào cũng đổ lỗi cho việc thiếu người, thiếu vốn, thiếu lương… để ngụy biện cho việc vô trách nhiệm trong công tác bảo vệ rừng.

Cần trao quyền “tự chủ”

Tại hội nghị về thực trạng và giải pháp bảo vệ, phát triển rừng Tây Nguyên (được tổ chức năm 2013 tại TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk), Bộ NN-PTNT nhận định: Do cơ chế chính sách chưa phù hợp với đặc thù của loại hình công ty lâm nghiệp nên chưa tạo được động lực phát triển và thậm chí còn bị coi là rào cản, hạn chế quyền tự chủ trong tổ chức sản xuất kinh doanh của các công ty lâm nghiệp.

Nhiều công ty lâm nghiệp ở Tây Nguyên chủ yếu dựa vào khai thác rừng tự nhiên để có nguồn thu, vì thế khi bị cắt giảm chỉ tiêu khai thác gỗ thì không cân đối được nguồn vốn hoạt động. Trong khi đó, năng lực quản lý, điều hành của người đứng đầu các công ty lâm nghiệp còn yếu và đa số còn trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước.

Theo Sở NN-PTNT Đắk Lắk, để giữ được rừng và phát huy hiệu quả kinh tế từ vốn tài nguyên rừng trong các công ty lâm nghiệp này, không còn cách nào hơn là trao cho họ quyền tự chủ. Trong đó, giải pháp liên doanh, liên kết đầu tư với các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để nâng cao năng lực về vốn, phương án sản xuất, kinh doanh trên từng đơn vị diện tích rừng được giao là hướng đi có tính khả thi, bền vững hơn cả.

Bởi khi đó, rừng vẫn thuộc quyền sở hữu Nhà nước (các công ty lâm nghiệp) và lợi ích từ rừng sẽ nâng cao đời sống của các cộng đồng cư dân tại chỗ. Thay vì cho các doanh nghiệp thuê rừng với thời hạn 50 năm, hoặc lâu hơn dưới nhiều hình thức sẽ dẫn đến việc tiềm ẩn nhiều rủi ro khó lường.

Trong chuyến thăm, làm việc với tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông vừa qua, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho rằng: Đối với việc lựa chọn mô hình chuyển đổi cho nông lâm trường, những vướng mắc, bất cập cần được đánh giá cụ thể, có sự tách bạch giữa quản lý rừng tự nhiên và rừng sản xuất. Chủ tịch nước cũng yêu cầu các tỉnh Tây Nguyên và Bộ NN-PTNT cần có đánh giá, phân tích cụ thể để sớm trình Bộ Chính trị cho ý kiến về đổi mới và phát triển nông - lâm trường quốc doanh, nhằm tạo cơ chế rõ ràng cho các đơn vị hoạt động thực sự hiệu quả; các tỉnh Tây Nguyên cần tìm ra những mô hình hoạt động mới cho các công ty lâm nghiệp sau thời kỳ chuyển đổi.

CÔNG HOAN

Tin cùng chuyên mục