Chúng tôi tìm về cửa biển Vàm Lũng – nơi vừa là bến tàu, vừa là kho cất giấu vũ khí chi viện cho chiến trường miền Nam của đoàn tàu không số năm xưa, vùng đất mũi Cà Mau - với một tâm trạng háo hức trong điều kiện thời tiết thất thường của mùa mưa bão. Dù đã có nhiều đổi thay với Tượng đài Vàm Lũng uy nghi, sừng sững giữa huyện Ngọc Hiển, vùng đất nơi đây vẫn còn đượm nhiều khốn khó…
Theo dấu con tàu 69
Trước khi về Cà Mau, chúng tôi ghé Cần Thơ gặp ông Năm Phước (Nguyễn Hữu Phước, 79 tuổi), thuyền trưởng con tàu 69 năm xưa để nghe ông kể về trận đánh phá vây ở cửa biển Vàm Lũng và chỉ dẫn con đường tìm về vùng đất còn chôn giấu con tàu. Chuyện đã gần 50 năm, nhưng ông vẫn nhớ từng chi tiết qua tấm hải đồ ông âm thầm gìn giữ trong ngần ấy năm. Nghe xong câu chuyện, tôi tức tốc về Cà Mau. Theo hướng dẫn của ông Năm Phước, về đến bến tàu cao tốc Cà Mau, tôi tiếp tục “nhảy tàu” cao tốc về Ngọc Hiển.
Cách đây chục năm, khi có việc về Ngọc Hiển, Trần Văn Thời, tôi phải đi vỏ lãi. Loại phương tiện độc nhất thời đó và cũng nguy hiểm nhất lúc bấy giờ. Hầu như không ngày nào không xảy ra tai nạn, do các tài công bất cẩn phóng nhanh, lạng lách tông nhau. Hơn 10 năm trôi qua, Trần Văn Thời, Ngọc Hiển vẫn là vùng sâu và chưa có đường giao thông.
Cách đây mấy năm, khi cùng đoàn công tác Mùa xuân biên giới (do Báo SGGP tổ chức hàng năm vào dịp trước tết), tôi có ghé qua trụ sở UBND huyện Ngọc Hiển. Đây là một địa điểm ấn tượng và không thể nào quên, vì cơ quan này nuôi rất nhiều khỉ và thả tự do chứ không nhốt trong chuồng. Hôm nay, dãy nhà cây vẫn còn nhưng trụ sở mới đã xây dựng xong khá bề thế, cách cầu tàu hơn 1km, có đường nhựa đàng hoàng.
Bà Nguyễn Thị Hiền, bán cà phê ở cầu đò cho biết: “So với trước, đời sống bà con đã bớt khổ rất nhiều. Điện quốc gia đã có, nước được cấp theo cụm dân cư, trường học xây rất bề thế, trạm y tế huyện vừa được xây dựng đã đáp ứng được nhu cầu sức khỏe của bà con. Đường sá đi lại dễ dàng hơn. Khi xưa, mỗi lần có người ốm đau, bệnh tật vất vả lắm. Thanh niên cả xóm thay nhau khiêng người bệnh ra cầu tàu rồi đi vỏ lãi về Cà Mau. Đã có nhiều trường hợp không kịp cấp cứu tại địa phương này”.
Ngước mắt ra dọc tuyến đường trước UBND huyện Ngọc Hiển, chúng tôi cảm nhận được sự thay đổi qua lời bà Hiền. Các em học sinh hôm nay đến trường với đồng phục tươm tất, áo trắng tinh, không phải hình ảnh không giày, không dép, quần áo đủ “màu phèn” của những năm về trước.
Tuy vậy, gặp chúng tôi, Chủ tịch UBND huyện Ngọc Hiển Nguyễn Trường Giang cho biết: “Đời sống bà con ở huyện vẫn còn nhiều gian khổ lắm! Lưu thông giữa các xã với nhau vẫn chủ yếu bằng đường thủy. Đến nay, địa phương vẫn chưa có chợ, chủ yếu bà con nhóm họp thành chợ nhỏ”.
Đường xưa đi dễ, đường nay khó về
Theo đề xuất của chúng tôi, ông Giang cử cán bộ hướng dẫn và đưa chúng tôi về Vàm Lũng. Khi đã yên vị trên ghe máy, anh cán bộ cười rất có duyên, giới thiệu: “Em có cái tên bảo đảm không “đụng hàng”: Long Phước Ta. Em là người Năm Căn, về đây công tác từ ngày thành lập huyện 2004, nhưng cũng không biết đường về nơi các chú hồi xưa giấu con tàu hay đường ra cửa biển Vàm Lũng. Mấy bữa nay nhà báo đến liên tục và được lãnh đạo huyện cử cán bộ văn hóa dẫn đường. Hôm nay, mấy anh cán bộ đó đi công tác nên em đi thay. Mấy anh đừng lo, anh Giang đã điện thoại chỉ đạo cán bộ xã Tân Ân cử người dẫn đường rồi. Nếu không có gì trục trặc, chiều nay mình sẽ trở về huyện Ngọc Hiển!”.
Tôi thầm nghĩ, yếu tố bí mật của Bộ Quốc phòng và các chú đoàn tàu không số đến hôm nay vẫn còn linh nghiệm. Đã 50 năm trôi qua, nhiều người dân ở vùng này, kể cả cán bộ ở xã Tân Ân, huyện Ngọc Hiển vẫn không biết cửa biển Vàm Lũng và nơi giấu con tàu 69. Hai bên bờ sông Rạch Gốc mênh mông rừng tràm, xa xa mới có một căn nhà của dân. Bầu trời xám xịt. Con đường tráng bê tông nhỏ hẹp, chỉ vừa đủ 2 xe gắn máy qua lại dẫn đến trụ sở UBND xã Tân Ân.
Ông Huỳnh Văn Tính, nhà ở gần trạm y tế xã, cho biết: “Đây là con đường chính ở xã Tân Ân. Như vậy đỡ nhiều rồi, bà con có đường đi lại. Cách đây mấy năm, đường này bằng đất. Trời mưa, mấy đứa nhỏ đi học thấy thương lắm!”. Vừa gặp chúng tôi ở UBND xã Tân Ân, anh Lê Thanh Hùng – người sẽ đưa chúng tôi về Vàm Lũng – đã “đe dọa”: “Mưa gió như vầy khó về Vàm Lũng lắm. Mấy anh đi phương tiện gì? Ừa! Ghe máy có thể được, còn ca nô là… bó tay!”.
Hơn 1 giờ, ghe chạy xuyên qua nhiều con rạch, len lỏi trong cánh rừng tràm. Trời mưa càng lúc càng lớn, đường vào rạch Chùm Gộng càng lúc càng nhỏ, các đụn đất bên rừng tràm lấn gần hết tuyến sông. Anh Hùng nói như hét, át cả tiếng máy ghe: “Rừng tràm ven rạch Chùm Gộng hoàn toàn không có dân, khi xưa đường vào dễ dàng nhưng nay rạch bị đất lấn nên ca nô không thể vào được, ghe máy như vậy mới có thể len lỏi vào”. Con rạch dẫn vào vị trí giấu tàu 69 còn nhỏ hơn con rạch chúng tôi đang đi. Hơn nửa giờ len lỏi trong rừng tràm, chúng tôi cũng đến được nơi giấu con tàu năm xưa.
Chiếc ghe dừng lại giữa rừng tràm, anh Hùng chỉ tay vào đụn đất khá cao và nói: “Hồi xưa, ngay tại điểm này có chiếc tàu sắt bị mắc cạn, nghe mấy chú nói đó là con tàu trong đoàn tàu không số. Cách đây mấy năm còn thấy được cái mũi tàu, còn hôm nay bùn đất lấp đầy và rừng tràm, rừng đước lấn dần nên đã vùi lấp con tàu”.
Tôi lấy máy ra ghi vội hình ảnh đụn đất bên cánh rừng tràm. Vậy là kể từ nay, tàu 69 anh hùng mãi mãi nằm trong lòng đất, như số phận tàu 165 trên đường vào cửa biển Cà Mau, tàu 143 ở bến Vũng Rô… Càng tiếc hơn, cũng vì lý do bùn đất vùi lấp, lòng rạch quá nhỏ và khô cạn nên đường về cửa biển Vàm Lũng cũng không thể thực hiện.
Theo các anh cán bộ xã Tân Ân, muốn vào cửa Vàm Lũng chỉ có một con đường. Đó là con đường mà cán bộ chiến sĩ đoàn tàu không số đã đến cách đây 50 năm, từ hướng biển Đông. Nhưng hôm nay cũng không ai đến đó, vì cửa Vàm Lũng không còn như xưa, kho cất giấu vũ khí cũng đã bị bùn đất chôn lấp.
Điều đó cũng đồng nghĩa, nguyện vọng của các cựu chiến binh đoàn tàu không số về tuyến đường du lịch
về chiến trường xưa, kết hợp với giáo dục truyền thống hào hùng của đoàn tàu không số năm xưa khó lòng thực hiện.
Huyện Ngọc Hiển còn 3.736 hộ nghèo, chiếm 19,41%. Bà con sinh sống chủ yếu bằng nghề nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản. Nghề này sống được nhưng không thể làm giàu. Bởi lẽ, sản phẩm làm ra bà con chỉ trao đổi cho nhau với giá rất rẻ, bán cho thương lái cũng không được vì phí vận chuyển quá cao. Nhiều nhà đầu tư đã tìm về nơi này, sau khi tham quan thì họ lại đi. Chính quyền địa phương vẫn tiếp tục mời gọi. Tuy khó khăn, nhưng chúng tôi vẫn hy vọng. Bởi lẽ, tuyến đường Năm Căn - Ngọc Hiển đang khẩn trương xây dựng, nay mai sẽ hoàn thành. Đường Hồ Chí Minh cũng đang tiến hành, các cây cầu bắc qua sông đang ráo riết dựng xây. Tôi tin tưởng rằng, lúc đó sẽ thu hút được nhiều nhà đầu tư, giúp Ngọc Hiển phát triển hơn.
Sáng 10-10, Đoàn hành trình “Theo dấu tích đường Hồ Chí Minh trên biển - Học kỳ trên biển” đến Quảng Ngãi. Quảng Ngãi là một trong những nơi 50 năm về trước tiếp nhận vũ khí từ Đoàn tàu không số. Đặc biệt, Trạm xá Bác Mười - huyện Đức Phổ - nơi bác sĩ, anh hùng liệt sĩ Đặng Thùy Trâm từng cứu chữa cho một số chiến sĩ bị nạn trong Đoàn tàu không số. Đoàn đến thăm và dâng hương tại Khu chứng tích Sơn Mỹ; mộ cụ Huỳnh Thúc Kháng - quyền Chủ tịch nước - tọa lạc trên núi Thiên Ấn. * Kỷ niệm 50 năm ngày mở đường Hồ Chí Minh trên biển (23-10-1961 – 23-10-2011), Cục Điện ảnh phối hợp với các đơn vị, cơ quan chức năng tổ chức Tuần phim kỷ niệm 50 năm ngày mở đường Hồ Chí Minh trên biển. Các bộ phim trong chương trình gồm có: Phim truyện video Đảo chìm, phim tài liệu Sóng nhà giàn, Đường mòn trên biển Đông do điện ảnh Quân đội Nhân dân sản xuất. Tuần phim diễn ra từ ngày 18 đến 24-10 trên toàn quốc. A.Vinh - N.Hoa |
Đoàn Hiệp
Thông tin liên quan |