Tìm vốn đầu tư hạ tầng

Nhiều hình thức đầu tư
Tìm vốn đầu tư hạ tầng

Đầu tư xây dựng, nâng cấp, cải tạo kết cấu hạ tầng luôn là yêu cầu cấp thiết để phát triển kinh tế, xã hội. Tuy nhiên, nguồn vốn để thực hiện rất lớn nhưng ngân sách nhà nước có hạn. Vì thế, TPHCM tìm vốn bằng nhiều cách để thực hiện mục tiêu trên.

Thiếu vốn, nhiều công trình dở dang

Thiếu vốn, nhiều công trình dở dang

Nhiều hình thức đầu tư

Thời gian qua, hàng loạt dự án hạ tầng trên địa bàn TP đã đưa vào sử dụng giúp cho bộ mặt đô thị ngày càng khang trang. Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư TP, trong giai đoạn 2004 đến nay, thành phố có trên 30 dự án được đầu tư (đã hoàn thành và đang được triển khai thực hiện) theo các hình thức xã hội hóa như BOT, BT, BTO, BOO... tổng mức đầu tư trên 70.000 tỷ đồng. Trong đó, các dự án BOT và BT chiếm phần lớn, (24/30 dự án). Đến nay, có 6 dự án BOT, BT và BOO đã hoàn thành và được đưa vào sử dụng với tổng mức đầu tư 8.157 tỷ đồng. Cụ thể, cầu Phú Mỹ, cầu Bình Triệu 2, cầu Sài Gòn 2, Nhà máy nước sạch BOO Thủ Đức, đường vành đai Đông... Ngoài ra, còn có 6 dự án đang được triển khai thực hiện với tổng mức đầu tư khoảng 14.699 tỷ đồng, như: mở rộng xa lộ Hà Nội, xây dựng đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài...

Đầu tư theo hình thức BOT hay BT hiện nay không còn hấp dẫn như trước. Thị trường bất động sản đóng băng cũng đồng nghĩa với việc các dự án hạ tầng BT cũng đóng băng theo. Còn với hình thức BOT, DN gặp nhiều khó khăn do thời gian thu hồi vốn chậm, trạm thu phí dày đặc, thu không đủ để trả lãi vay ngân hàng. Theo Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng kỹ thuật thành phố (CII), mức thu phí các dự án cầu - đường hiện nay còn thấp nên nhiều DN không mặn mà đầu tư.

Ngoài 15 dự án đang trong quá trình hoàn thành các thủ tục đầu tư với tổng vốn đầu tư dự kiến trên 45.000 tỷ đồng, Sở Kế hoạch và Đầu tư cũng đã công bố danh mục 42 dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT, BT, BTO và BOT kết hợp BT trên địa bàn thành phố với tổng vốn đầu tư khoảng 147.355 tỷ đồng. Từ nay đến năm 2020, TP cần hơn 32.000 tỷ đồng để đầu tư xây dựng các dự án môi trường, xử lý nước thải... Những dự án này dự kiến sẽ được đầu tư bằng nguồn vốn ODA, BOT, BT và PPP.

Tạo cơ chế thuận lợi

Với nguồn ngân sách hạn hẹp hiện nay, việc hoàn thiện hành lang pháp lý xã hội hóa đầu tư để kêu gọi các nguồn vốn đầu tư ngoài ngân sách vào lĩnh vực hạ tầng đô thị đang thật sự cấp bách. Thời gian qua, TPHCM có 3 nguồn vốn chủ yếu được huy động để thực hiện việc đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng. Đó là đầu tư công từ nguồn ngân sách nhà nước, vốn huy động trong nước (thông qua hệ thống ngân hàng, các doanh nghiệp, phát hành trái phiếu…); vốn huy động nước ngoài (các khoản vay quốc tế, phát hành trái phiếu quốc tế, đầu tư trực tiếp của nước ngoài…). Do nguồn vốn ngân sách không đáp ứng đủ cho hàng loạt dự án có quy mô lớn nên phần lớn nguồn vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng được huy động chủ yếu là vốn vay ODA và các nhà đầu tư tư nhân trong và ngoài nước. TP đi tiên phong về cơ chế, chính sách nhằm tạo môi trường đầu tư thuận lợi và khuyến khích nhiều thành phần trong xã hội tham gia đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là thành phần kinh tế tư nhân.

Để thu hút sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài trong các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng, TP đẩy mạnh áp dụng hình thức đối tác công - tư (PPP), ODA, PT, BOO… và hình thức này dần phát huy hiệu quả, trở thành phương thức phổ biến được áp dụng trong các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng của TP hiện nay. Bên cạnh đó, TP cũng đa dạng hóa hình thức huy động nguồn tài chính từ các doanh nghiệp trong nước. Đơn cử, TP đã thành lập một công ty vận động tài chính từ các nguồn khác nhau để hỗ trợ vốn cho các dự án phát triển kết cấu hạ tầng. Công ty này có thể huy động vốn trong và ngoài nước, sau đó cung cấp vốn cho các dự án một cách trực tiếp hoặc thông qua các ngân hàng và tổ chức tín dụng. Phần vốn gốc sẽ được hoàn trả bằng nguồn thu phí của người sử dụng khi công trình được hoàn thành và đưa vào sử dụng. Ngoài ra, TP đã chủ động kêu gọi sự tham gia của thành phần tư nhân và nhà đầu tư nước ngoài. Việc huy động vốn bổ sung từ nguồn đầu tư tư nhân trong nước là hết sức quan trọng.

Muốn thực hiện được những vấn đề trên, thời gian tới, TP cần chuyển vai trò từ tham gia đầu tư trực tiếp sang duy trì một môi trường đầu tư hấp dẫn, ổn định với hệ thống luật pháp đầy đủ điều chỉnh các quan hệ đầu tư theo các hình thức PPP, BT, BOT... TP chỉ tập trung giải phóng mặt bằng và đầu tư vào các công trình khó huy động các nguồn lực xã hội. Bên cạnh đó, TP tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục và quy trình giải quyết thủ tục hành chính, rà soát loại bỏ các thủ tục hành chính không còn phù hợp. Cùng với đó là thúc đẩy xây dựng chính quyền điện tử, trung tâm dịch vụ hành chính công... làm cho môi trường đầu tư thông thoáng, minh bạch và ổn định.

QUỐC HÙNG

Tin cùng chuyên mục