Tại một cuộc hội thảo mới đây, các chuyên gia ước tính “tín dụng đen” hiện chiếm khoảng 30% tín dụng chính thức của Việt Nam, tương đương khoảng 50 tỷ USD. “Tín dụng đen” đã để lại nhiều hệ lụy cho xã hội nhưng điều đáng nói là hình thức này đang ngày càng phổ biến và công khai.
Hệ lụy cho xã hội
TS Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho biết, về lý thuyết “tín dụng đen” là một phần trong khái niệm “shadow banking” (được hiểu là ngân hàng ngầm, tín dụng phi chính thức). Hệ thống ngân hàng ngầm tồn tại song song với hệ thống ngân hàng truyền thống và có mặt tại nhiều quốc gia trên thế giới. Tuy “ngân hàng ngầm” không hoàn toàn mang nghĩa xấu nhưng “tín dụng đen” nói riêng và “ngân hàng ngầm” nói chung để lại những hệ lụy cho kinh tế - xã hội và cần giảm bớt, hạn chế quy mô của hình thức này. Tác động dễ thấy nhất là việc khiến các cơ quan điều hành không kiểm soát được nguồn cung tiền, cung tín dụng một cách đầy đủ.
Hơn nữa, khi khó khăn, “tín dụng đen” đổ vỡ sẽ không dừng ở câu chuyện kinh tế, mà còn là chuyện lòng tin, những vấn đề quan hệ xã hội khác. “Tín dụng đen” không phải là khái niệm mới. Thực tế, hoạt động huy động vốn, cho vay với lãi suất cao bên ngoài các ngân hàng, tổ chức tín dụng đã tồn tại từ lâu. Ở Hà Nội và khu vực phía Bắc, doanh nghiệp nhỏ và các hộ gia đình gặp khó khăn về vốn có thể dễ dàng vay được tiền từ các nguồn “tín dụng đen” nhưng phải chấp nhận mức lãi suất khủng: Thấp 2.000 đồng/1 triệu đồng tiền vay/ngày, cao có thể lên đến 7.000 - 8.000 đồng/1 triệu đồng tiền vay/ngày. Trả lãi ngày với vài ngàn đồng, nghe tưởng là nhỏ, nhưng nếu tính theo lãi suất năm thì lên đến 70% - 280%/năm.
Hệ quả của những người vay tiền từ “tín dụng đen” là không thể trả được nợ, bởi với lãi suất cao như vậy không có cách kinh doanh nào có thể bù đắp. Và lãi mẹ đẻ lãi con, khoản nợ không ngừng tăng lên, đến thời điểm không thể chi trả sẽ nảy sinh nhiều hệ lụy nguy hiểm đối với trật tự an toàn xã hội.
Ở khía cạnh ngược lại, “tín dụng đen” mang lại sự nguy hiểm khi một số cá nhân khoác vỏ bọc “đại gia” để huy động vốn với lãi suất cực cao. Hám lợi, nhiều người dân đã dốc hết số tiền mình có, thậm chí đi vay mượn hoặc bán tài sản. Năm 2011, tại Hà Nội đã có tới 4 - 5 vụ vỡ nợ với giá trị thiệt hại của người dân cho vay lên đến hàng ngàn tỷ đồng. Giữa năm nay, các vụ vỡ nợ lớn ở Lạng Sơn, Hà Nội, Hải Dương với giá trị hàng trăm tỷ đồng mỗi vụ cũng gây bức xúc trong dư luận.
Ngày càng công khai
Mặc dù đã có nhiều cảnh báo nhưng đến thời điểm hiện nay, “tín dụng đen” vẫn không ngừng phát triển và ngày càng công khai hơn. Ở các TP lớn, quảng cáo, tờ rơi khắp nơi, từ các cây cột điện, trạm xe buýt, đến trao tận tay cho những người đi đường.
Tại Hà Nội, trên các con phố điểm như Lê Thanh Nghị, Giải Phóng, Cầu Giấy… rất nhiều tấm biển quảng cáo công khai chào mời vay tiền với lãi suất 1.500 - 2.000 đồng/triệu/ngày (tương đương 54% - 72%/năm). Đây là mức lãi suất thấp nhất, áp dụng với các khoản vay có tài sản thế chấp. Còn trong trường hợp chỉ có thẻ sinh viên, CMND, sổ hộ khẩu… lãi suất có thể lên tới 0,8% - 1%/ngày (292% - 360%/năm). Không chỉ vậy, trên Internet cũng nhan nhản các lời mời chào vay tiền bằng hình thức “tín dụng đen”.
Điển hình như trang web chovaytien.vn với những lời quảng cáo công khai: “Chovaytien.vn - Ngân hàng bán lẻ hàng đầu Hà Nội”, “cạnh tranh trực tiếp với một số ngân hàng TMCP ở một số phân khúc”. Thậm chí, đơn vị này còn công bố địa chỉ hội sở và một loạt “phòng giao dịch” trên khắp địa bàn Hà Nội, mức lãi suất cho vay cũng công khai: “1.200 đồng/triệu/ngày cho các khoản vay trên 300 triệu đồng, 1.500 đồng/triệu/ngày với các khoản vay thấp hơn...”.
Theo luật sư Trương Thanh Đức, Chủ nhiệm CLB Pháp chế ngân hàng (Hiệp hội ngân hàng Việt Nam), các hành vi cho vay với lãi suất như trên đều có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Theo quy định hiện hành của Bộ luật Dân sự, trong giao dịch tín dụng, lãi suất cho vay không được quá 150% mức lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước quy định. Đối chiếu với quy định này, các mức lãi suất như trên đều có thể được xếp vào hành vi cho vay nặng lãi. Tuy nhiên, cho đến nay các cơ quan chức năng chưa quan tâm nhiều tới vấn đề này.
Thực tế cho thấy hầu như chưa có vụ xét xử nào về cho vay nặng lãi dù đây là tội danh được quy định trong Bộ luật Hình sự. Vì vậy, các cơ quan có trách nhiệm cần sớm có đánh giá đúng và đưa ra giải pháp chấn chỉnh vấn đề này. Bên cạnh đó, theo nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan, khi niềm tin của người dân bị thách thức với thị trường chính thống thì họ sẽ chuyển sang thị trường đen và kích thích thị trường đen phát triển. Do đó, vấn đề là phải chấn chỉnh thị trường chính thống để tạo lập lại niềm tin cho người dân, chứ không chỉ giải quyết bằng biện pháp hành chính.
HÀM YÊN