Theo số liệu của Reuters, các nhà đầu tư nước ngoài đã mua 5,45 tỷ USD cổ phiếu khu vực trong 6 ngày giao dịch đầu tháng 6, dựa trên dữ liệu từ các sàn giao dịch chứng khoán ở Ấn Độ, Indonesia, Philippines, Hàn Quốc, Đài Loan, Thái Lan và Việt Nam.
Trước đó, từ tháng 3 đến tháng 5, các nhà đầu tư đã bán 46,45 tỷ USD, ảnh hưởng xấu đến các hệ thống tiền tệ trong khu vực và làm dấy lên lo ngại rằng một số quốc gia phụ thuộc vào nguồn tài chính bên ngoài để tài trợ cho thâm hụt tài khoản hiện tại, sẽ chịu áp lực hơn nữa. Theo Jingyi Pan, chiến lược gia về nghiên cứu thị trường của Công ty Dịch vụ tài chính IG, có trụ sở tại Singapore: “Bức tranh chỉ số kinh tế tháng 6 được cải thiện hơn so với tháng 5 đã mang đến cảm giác hy vọng và tạo đà phục hồi cho các thị trường châu Á”.
Chỉ số tăng mạnh nhất của cổ phiếu châu Á - Thái Bình Dương là của MSCI, tăng khoảng 6,5% trong tháng 6. Chứng khoán Ấn Độ dẫn đầu khu vực khi thu hút ngoại tệ trị giá 2,76 tỷ USD trong tháng này, trong khi lãnh thổ Đài Loan nhận được 1,88 tỷ USD. Sự gia tăng số lượng việc làm phi nông nghiệp của Mỹ vào tháng 5 cùng với việc các chính phủ trên thế giới bắt đầu dỡ bỏ các biện pháp phong tỏa cứng rắn được áp dụng để phòng ngừa Covid-19 đã làm tăng thêm sự lạc quan trong tuần này. Cũng theo các nhà phân tích, một nguyên nhân khác của sự gia tăng sức mua cổ phiếu châu Á từ nước ngoài là do lãi suất toàn cầu sụt giảm khi các ngân hàng trung ương lớn tung các gói kích thích kinh tế để phục hồi nền kinh tế của họ. Khoon Goh, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu châu Á tại ngân hàng ANZ, cho biết: “Với sự mở rộng các gói kích thích kinh tế của các ngân hàng trung ương lớn cùng các hoạt động kinh tế - xã hội bắt đầu phục hồi, các dòng tiền đang quay trở lại”.
Mặt khác, theo Cơ quan Xếp hạng tín dụng Fitch, động lực kinh tế của khu vực châu Á - Thái Bình Dương (Apac) sẽ chuyển biến tích cực trong nửa cuối năm khi việc phong tỏa tại các nước được nới lỏng và nhu cầu bên ngoài dần được cải thiện. Điều này sẽ hạn chế sự sụt giảm sản lượng kinh tế khu vực xuống còn 1,7% trong năm nay. Mặc dù vậy, cơ quan này cho biết, một số nền kinh tế của Apac có thể tiếp tục phải đối mặt với nguy cơ khó khăn trong bối cảnh tác động từ đại dịch Covid-19 vẫn nặng nề. Tuy nhiên, theo Fitch thì nhìn chung toàn bộ Apac đã có được trạng thái kinh tế tích cực nhất trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu vẫn đang gặp nhiều khó khăn. Fitch cũng dự báo, khi toàn bộ các nền kinh tế khu vực trở lại tình trạng bình thường hóa sau dịch thì tăng trưởng của khu vực sẽ hồi phục mạnh mẽ.
Còn theo Quỹ Tiền tệ quốc tế, Apac luôn là động lực cho sự phục hồi kinh tế thế giới với mức tăng trưởng kinh tế trong năm 2017 đạt 3,7% và năm 2018 đạt 3,9%. David Mann, nhà kinh tế toàn cầu của Ngân hàng Standard Chartered, nhận định, nền kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng vừa phải và ổn định trong nửa cuối năm 2020 và Apac sẽ vẫn là động lực chính của tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong tương lai.