Tự bao đời nay khúc ruột miền Trung luôn phải oằn mình gánh chịu hậu quả thiên tai. Tuy nhiên, chưa bao giờ như năm nay, cả dải đất nghèo khó này (từ Nghệ An đến Bình Thuận) đồng loạt phải hứng chịu cơn thịnh nộ của thiên nhiên - mưa dập lũ dồn.
Hà Tĩnh, Quảng Bình trong những ngày đầu tháng 10 phải hứng chịu liên tiếp hai cơn lũ. Đợt lũ chồng lũ này gần như vắt kiệt sức lực của người dân vùng đất này. Theo thống kê chưa đầy đủ của Bộ NN-PTNT, đợt lũ lịch sử này đã cướp đi của các tỉnh miền Trung 155 sinh mạng, 25 người mất tích, khiến hàng trăm ngàn ngôi nhà bị cuốn trôi, hàng triệu hécta hoa màu bị mất trắng… với tổng thiệt hại trên 11.600 tỷ đồng.
Ngay trong lũ dữ, Chính phủ và chính quyền các cấp ở địa phương đã kịp thời chỉ đạo các phương án khẩn cấp để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho nhân dân. Với tinh thần chỉ đạo “không để người dân chết, không để người dân đói, không để người dân rét”, lực lượng cứu hộ đã có mặt ở những nơi xung yếu sát cánh cùng người dân chống chọi với lũ dữ. Hàng trăm ngàn hộ dân sống trong vùng nguy hiểm - có nguy cơ vỡ đê, vỡ đập đã được sơ tán đến nơi an toàn. Hàng trăm ngàn hộ dân bị cô lập trong vùng lũ đã được cung ứng lương thực thực phẩm kịp thời …
Và thật đáng quý biết bao, ngay trong lũ dữ, ngoài việc Chính phủ đã hỗ trợ khẩn cấp các địa phương 840 tỷ đồng, 14.000 tấn gạo, đồng bào cả nước đã hướng về khúc ruột miền Trung bằng những hành động thiết thực. Với truyền thống “nhiễu điều phủ lấy giá gương”, cuộc vận động cứu trợ lớn cho miền Trung do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động đã thu hút sự quan tâm của hàng chục triệu đồng bào, trong đó có cả kiều bào ta ở nước ngoài.
Hưởng ứng lời kêu gọi đó, nhiều tổ chức, đơn vị đã vào cuộc với nhiều điểm tiếp nhận cứu trợ nhiều hình thức cứu trợ. Và chỉ trong thời gian ngắn các tổ chức cá nhân giàu lòng nhân ái đã gửi tới đồng bào miền Trung hàng trăm tỷ đồng. Và ngay trong lũ nhiều hoạt động cứu trợ đã được thực hiện. Khi trời còn đổ mưa, nước lũ dâng cao, ngồi trên mái nhà đón nhận từng thùng mì tôm, từng chai nước uống của đồng bào cả nước gửi đến, người dân miền Trung thật sự xúc động.
Ngay sau khi lũ rút, nhiều tổ chức, đơn vị mang theo những món quà thơm thảo, nghĩa tình của đồng bảo cả nước khẩn trương hành quân về miền Trung để góp phần giúp người dân nơi đây khắc phục hậu quả nặng nề của cơn lũ lịch sử để sớm ổn định cuộc sống… Có thể nói tình người đã sáng ngời trong lũ dữ.
Ý thức được những đóng góp tiền của vừa qua so với tổn thất mà người dân miền Trung phải gánh chịu thật là nhỏ nhoi, vì vậy, dù cơn lũ đã đi qua nhưng phong trào “Vì miền Trung yêu thương” vẫn tiếp tục được thực hiện. Nhiều hoạt động cứu trợ, đóng góp tiếp tục hướng về miền Trung và tình người vẫn tiếp tục ngời sáng.
Khánh Vy