Con người và xã hội loài người xưa nay tồn tại, phát triển, tiến bộ luôn dựa vào đôi cánh của sức mạnh tình thương - thứ tình thương rộng mở đối với cuộc sống đồng loại, tổ quốc; cũng như đối với gia đình và bản thân mỗi người. Ngọn đuốc lịch sử từng soi chiếu, nơi đâu, thời nào tình yêu thương thịnh trị, nhân gian nồng ấm thì xã hội sum vầy, người người hạnh phúc. Ngược lại thì đời sống tha hóa, người người bất hạnh.
Tình thương, bởi vậy là nền tảng của sinh tồn, là cội nguồn của hạnh phúc. Tình yêu thương luôn đủ sức thắp sáng, sinh dưỡng đạo đức - đạo đức con người, đạo đức xã hội và cả đạo đức thể chế. Con người khuyết hụt đạo đức là con người lầm lỗi, xã hội thiếu vắng đạo đức là xã hội hỗn mang, thể chế cạn kiệt đạo đức là thể chế suy tàn! Đạo đức, vì thế là báu vật của cuộc sống nhân thế. Khi nảy sinh khủng hoảng đạo đức, khủng hoảng sinh tồn sẽ dễ dàng lộ diện, đe dọa an bình mỗi người, mỗi gia đình và cả xã hội.
Xã hội sở dĩ trở thành xã hội là do sự gắn kết các thành viên xã hội trong hệ thống giá trị đạo đức được thừa nhận. Đạo đức tồn tại; dân chủ, công bằng, văn minh mới có cơ duy trì. Bởi là tâm điểm của mọi giá trị, con người phải được bảo vệ chắc chắn - và chính đạo đức là nghĩa sĩ tiên phong trong trọng trách này! Không có hoặc sa sút đạo đức, giữa người và giữa các nhóm người sẽ dễ dàng nảy sinh xung đột sinh tồn, sẽ diễn ra những thương tổn cả về vật chất lẫn tinh thần.
Sau đổi mới, kinh tế nước ta tăng trưởng ngoạn mục, đưa Việt Nam ra khỏi các nước nghèo và ghi danh vào hàng ngũ các nước phát triển trung bình trên thế giới. Tuy nhiên, mặt trái của kinh tế thị trường cùng những bất cập trong quản lý, điều hành hoạt động văn hóa nói chung đã dẫn đến những tiêu cực đáng lo ngại. Đáng lo là sự ngoi lên của chủ nghĩa cá nhân cực đoan với lối sống thực dụng, sùng bái vật chất, coi nhẹ nghĩa tình. Nạn tham nhũng, hối lộ; trò cấu kết vì lợi ích nhóm; hành vi xâm hại môi trường văn hóa, thói vô trách nhiệm, chà đạp lợi ích công; tội phạm ngày càng trẻ và man rợ hơn… Những rác rưởi đó đã làm suy đồi đạo đức từ cá thể đến cộng đồng, cướp đi tình yêu thương thiêng liêng vốn chỉ có nơi con người.
Nguyên nhân vô cùng phức tạp, song không khó nhận ra: chế độ pháp trị chưa được triển khai đúng mực, chưa được thực thi công minh, triệt để, kịp thời nhằm thiết lập kỷ cương xã hội; ý thức tuân thủ pháp luật của bộ phận người dân chưa đầy đủ; công cuộc tuyên truyền, giáo dục của các tổ chức hữu trách (ngành giáo dục, ngành văn hóa, ngành truyền thông, các hội đoàn…) chưa được đảm trách hữu hiệu; môi trường văn hóa bị xâm hại kéo dài, ảnh hưởng xấu tới tầng lớp trẻ tuổi; mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa mất hài hòa, thiếu cân xứng rõ rệt…
Cuộc sống chúng ta đang tiến bước, xã hội chúng ta đang phát triển đi lên. Cơ sở để tiến bước, phát triển không thể tách rời nền tảng đạo đức đã trở thành truyền thống của dân tộc mà cốt lõi là tình yêu tổ quốc, con người cũng như lòng tin vào lẽ phải và sự công bằng. Mỗi ngành, mỗi giới trong hoạt động của mình cần đề cao trách nhiệm xã hội trong việc giáo dục tình thương và đạo đức. Giới văn hóa văn nghệ và truyền thông gánh trọng trách đặc biệt trong nhiệm vụ tuyên truyền, giáo dục đại chúng. Khi thổi bùng lên một sự kiện nào đó trong dư luận xã hội, điều cần suy tính trước tiên là lợi ích đạo đức chứ không phải là lợi ích nào khác. Sự phối hợp có kế hoạch của tất cả các tổ chức hữu trách trong việc phục hưng và truyền bá đạo đức có ý nghĩa trọng đại đối với tiến trình phát triển bền vững của đất nước chúng ta.
Tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, hơn bao giờ hết, giờ đây đang rọi sáng con đường chúng ta đi. “Cần kiệm liêm chính, chí công vô tư”, những lời dạy chí tình chí lý ấy luôn sống động trong mỗi bước đi lên của chúng ta!
Trần Luân Kim