Tính toán việc trồng lúa ở ĐBSCL

Đến giữa tháng 3-2016, đã có ít nhất 160.000ha lúa đông xuân ở ĐBSCL bị thiệt hại do hạn, mặn. Dự báo sẽ có khoảng 500.000ha (chiếm 1/3 diện tích) lúa hè thu tới đây không xuống giống được. Trong bối cảnh này, câu hỏi đặt ra là: ĐBSCL nên sản xuất lúa ở ngưỡng nào, sản xuất sao để đạt hiệu quả cao nhất?

Đến giữa tháng 3-2016, đã có ít nhất 160.000ha lúa đông xuân ở ĐBSCL bị thiệt hại do hạn, mặn. Dự báo sẽ có khoảng 500.000ha (chiếm 1/3 diện tích) lúa hè thu tới đây không xuống giống được. Trong bối cảnh này, câu hỏi đặt ra là: ĐBSCL nên sản xuất lúa ở ngưỡng nào, sản xuất sao để đạt hiệu quả cao nhất?

Có nên sản xuất lúa vụ 3?

Với diện tích khoảng 1,7 triệu ha đất trồng lúa, ĐBSCL sản xuất 3 vụ: đông xuân 1,7 triệu ha, hè thu khoảng 1,7 triệu ha và 600.000ha thu đông (vụ 3), tổng diện tích khoảng 4 triệu ha/năm. Câu chuyện đáng bàn là 600.000ha lúa vụ 3 (tập trung chủ yếu ở An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ) bao nhiêu năm nay khuyến khích ngưng sản xuất nhưng vẫn đâu vào đấy. Một vị lãnh đạo UBND tỉnh Bến Tre từng mong: “Cầu cho lũ lớn, Bến Tre ít hạn mặn vì nước ngọt nhiều sẽ đẩy mặn ra xa”. Một số địa phương ở thượng nguồn ĐBSCL “hứa” sẽ xả lũ trong 2 năm (không làm lúa vụ 3). Nhưng điều đó trở nên khó thực hiện, khi nhà dân, vườn cây ăn trái nằm phủ đầy trong khu đê bao. Xả lũ sẽ thiệt hại trắng. Nhưng 600.000ha làm lúa vụ 3, theo các nhà khoa học là “phản khoa học”. Khai thác sản xuất liên tục sẽ làm đất kiệt quệ, không lấy được phù sa. Nhưng ở góc độ khác, nếu 600.000ha này (chủ yếu trong đê bao) không làm lúa vụ 3 mà trữ nước ngọt, thì hạ nguồn như Bến Tre, Tiền Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng, Kiên Giang... có rơi vào cảnh hạn mặn như hiện nay? Đây là điều mà các địa phương và các nhà khoa học cần có một đánh giá khoa học, đưa ra chiến lược lâu dài cho ĐBSCL.

Câu hỏi bức bách đang đặt ra: ĐBSCL nên sản xuất lúa ở mức độ nào trong bối cảnh hạn, mặn khắc nghiệt như hiện nay? Trong gần 2 tháng qua, các nhà khoa học, lãnh đạo các địa phương liên tục họp, thị sát, khẩn trương đưa ra các giải pháp đối phó. Song có một “lò hút nước” từ lúa vụ 3 chưa ai tính đến hiệu quả và tác động của nó đến toàn vùng ĐBSCL.

Nguyên Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Minh Nhị, từng ước ao: “Xả lũ, không làm lúa vụ 3, có rất nhiều cái lợi. Đó là rửa trôi các chất tồn dư từ phân bón, tạo điều kiện phát triển và khai thác nguồn lợi thủy sản, tận dụng phù sa”. Và trong bối cảnh khó làm giàu từ lúa, phải chăng đã đến lúc nghĩ tính đến chuyện chuyển bớt một phần “lò hút nước” từ 600.000ha lúa vụ 3, sang trữ nước ngọt trong mùa mưa lũ để điều hòa lượng nước ngọt ở ĐBSCL, điều tiết cân bằng một phần sinh thái lâu nay ở ĐBSCL!

Trồng lúa khó giàu

“Vì sao nông dân ĐBSCL làm ra nhiều lúa, bảo đảm an ninh lương thực, cung cấp chính cho xuất khẩu, đưa Việt Nam thành cường quốc xuất khẩu nhưng họ vẫn nghèo” - câu hỏi này lâu nay luôn làm chúng ta ray rứt!

ĐBSCL được xem là vựa lúa của cả nước khi sản lượng duy trì ở ngưỡng trên 25 triệu tấn/năm (diện tích sản xuất 4 triệu ha/vụ/năm). Tuy nhiên, chỉ làm một phép tính đơn giản cũng thấy nông dân trồng lúa khó làm giàu. Nếu diện tích đất sản xuất của nông dân là 1ha/hộ (thực tế điều tra thì diện tích đất trồng lúa của nông dân ĐBSCL hiện nay là 0,7ha/hộ), làm trong hai vụ lúa đông xuân và hè thu đạt 10-12 tấn. Nếu tính chi phí là 50%, nông dân lãi 50%, tương đương 5-6 tấn lúa. Thử lấy giá khoảng 6.000 đồng/kg (hiện chỉ khoảng 4.700 - 5.400 đồng/kg) tổng thu nhập từ trồng lúa khoảng 30 triệu đồng/năm. Trung bình mỗi gia đình là 5 người, tương đương 6 triệu đồng/người/năm. Tính ra thu nhập khoảng 500.000 đồng/người/tháng. Khoản thu nhập này phải chi đủ thứ: Cưới hỏi, ma chay, học hành, trị bệnh… Người kinh doanh có nhiều lựa chọn mặt hàng mua bán, nhưng nông dân có nhiều lựa chọn sản xuất hay không? Đây là cái khó cho nông dân! Muốn đảm bảo an ninh lương thực, nông dân giữ ruộng, trồng lúa… phải có chế độ, chính sách cụ thể đối với họ. Thực tế nhiều nông dân đã bỏ ruộng để vào làm ở khu công nghiệp vì sản xuất nông nghiệp thu nhập không bằng đi làm công nhân ở khu công nghiệp. Tuổi trẻ nông thôn bỏ ruộng đồng về thành thị ngày càng nhiều. Và giờ không ít gia đình ở ĐBSCL đã phải rời bỏ quê hương đi tìm nơi khác mưu sinh vì mặn tràn vào làm tê liệt sản xuất và sinh hoạt.

Về vấn đề này, đồng chí Trần Công Chánh, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang chia sẻ: “Nông sản rớt giá, nông dân thua thiệt, chúng ta cần nhìn lại cách quản trị, điều hành kinh tế từ cấp nhà nước đến địa phương. Câu hỏi đặt ra trong bối cảnh hiện nay là hàng nông sản khó tìm đầu ra hay chúng ta chưa định hình rõ nét nền sản xuất nông nghiệp đáp ứng đúng theo nhu cầu thị trường”.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát nhận định: “Điều quan trọng không phải là số lượng nông sản chúng ta đứng nhất thế giới, cái chính là nâng cao thu nhập bền vững cho nông dân. Tái cơ cấu phát triển nông nghiệp phải bắt đầu từ phát triển thị trường, tạo điều kiện cho nông dân và doanh nghiệp áp dụng giống mới, tiếp cận nhiều hơn quy trình sản xuất, cơ giới hóa, chế biến để nâng cao giá trị gia tăng hàng nông sản. Điểm sáng trong bối cảnh xuất khẩu gạo giảm cả về lượng và giá trị là sự tăng vọt của phân khúc gạo thơm. Vì thế, Bộ trưởng Cao Đức Phát đã đặt hàng các viện, trường chọn tạo các giống lúa có giá trị xuất khẩu trên 600USD/tấn gạo chứ không chỉ dao động ở ngưỡng 400USD/tấn như hiện nay.

CAO PHONG

Tin cùng chuyên mục