Tình trạng bán hàng không xuất hoá đơn VAT: Nếu người dân hợp tác, sẽ xử lý triệt để

Phạt nhẹ, quản lý yếu: người dân lãnh!

LTS: Để tiếp tục tuyên truyền về các chính sách thuế, chống tiêu cực trong đội ngũ cán bộ công chức thuế, cũng như chống vi phạm pháp luật về thuế, nhất là việc bán hàng không xuất hoá đơn ở các cửa hàng, siêu thị… Báo SGGP mở mục Chính sách thuế 2 kỳ/tháng (định kỳ vào thứ năm tuần đầu tháng và tuần giữa tháng). Rất mong quý bạn đọc cộng tác, cung cấp thông tin đến chuyên mục này. Mọi thông tin liên hệ địa chỉ Báo SGGP, 203 Phùng Hưng, quận 5, TPHCM. Email: hanni@sggp.org.vn. ĐT: 0903975323.

Hiện nay có tình trạng nhiều cửa hàng bán hàng không xuất hóa đơn, không khai thuế đầy đủ, đã “xơi” luôn tiền thuế giá trị gia tăng (VAT) mà người dân đã đóng thông qua giá mua hàng hóa. Vì không xuất hóa đơn bán ra nên các cửa hàng đã bán hàng hóa không rõ nguồn gốc, người mua dễ bị “dính” hàng dỏm, hàng lậu… Làm cách nào để người bán hàng xuất hóa đơn và quản lý thuế được hiệu quả? Chúng tôi xin nêu một số ý kiến đề xuất xung quanh vấn đề này. Trên cơ sở đó, chúng tôi mong tiếp tục nhận được ý kiến từ bạn đọc.

Phạt nhẹ, quản lý yếu: người dân lãnh!

Hiện nay đến 95% người bán hàng không xuất hóa đơn cho khách theo đúng quy định, trong khi mức phạt thường chỉ vài triệu đồng đối với hành vi xuất hóa đơn không kịp thời, không đủ sức răn đe doanh nghiệp (DN) vi phạm. Cán bộ thuế lại thiếu nên cũng không kiểm tra xuể DN vi phạm. Vì không xuất hóa đơn, DN không kê khai thuế đầy đủ và hậu quả là nhà nước thất thu thuế và hàng gian, hàng lậu, hàng không hóa đơn, chứng từ “có thêm điều kiện” đến tay người tiêu dùng.

Trao đổi về tình trạng này, luật sư Đinh Thị Quỳnh Như cho rằng, đã đến lúc người dân phải biết cách tự bảo vệ mình, nhiều khi đơn giản chỉ bằng cách yêu cầu DN bán hàng phải xuất hóa đơn VAT. Việc mua hàng hóa có hóa đơn sẽ đảm bảo chất lượng và nguồn gốc hàng hóa.

Mới đây, tại tọa đàm “Bán hàng xuất hóa đơn VAT và giải pháp chống thất thu thuế” do Báo SGGP tổ chức, ông Bùi Xuân Luyện, Phó Chủ tịch UBMTTQ phường 4, quận 5, bức xúc: “Bán hàng không xuất hóa đơn là hành vi ăn cắp tiền thuế của nhà nước. Người dân làm ra vài triệu đồng phải đóng thuế, trong khi hành vi trốn thuế của DN có khi lên đến hàng tỷ đồng lại chưa thấy các cơ quan chức năng xử lý rốt ráo”. Ông đề nghị nên phạt thật nặng nếu DN không xuất hóa đơn, thậm chí thu hồi giấy phép. Ông Sử Ngọc Anh, Phó Chủ tịch UBND quận 5 - còn so sánh, ở nhiều nước, người kinh doanh vi phạm thu tiền mặt bị xử phạt nặng đến mức có thể… phá sản, vì mức phạt tương đương hơn chục tỷ đồng Việt Nam. Vì thế, mức xử phạt của chúng ta hiện nay dường như chưa đủ sức răn đe.

Luật sư Trương Thị Hòa cho rằng, để kiểm soát hữu hiệu, cần có phân khúc quản lý, xem ngành nghề nào trọng điểm về việc bán hàng tiêu dùng để tập trung quản lý, xử lý việc bán hàng không xuất hóa đơn VAT. Đồng thời ngành thuế cũng phải tập trung giáo dục, tuyên truyền để những người trốn thuế cảm thấy xấu hổ, còn người dân thấy được cái lợi khi đóng thuế.

Luật sư Đinh Thị Quỳnh Như cũng cho rằng, người dân nên nhìn nhận thương hiệu DN qua việc họ có vi phạm pháp luật hay không, trước khi mua sản phẩm của họ. Đồng thời, người dân cần hợp tác với báo chí, cung cấp những phiếu tính tiền (không xuất hóa đơn) để báo chí yêu cầu cơ quan thuế địa phương xử lý người bán hàng, đem lại công bằng cho xã hội, chống thất thu thuế.

Nối mạng máy tính tiền, tại sao không?

Về phía người bán hàng, nhiều DN “kêu khó” rằng, lượng khách hàng mỗi ngày lên đến hàng chục ngàn người nên không thể xuất hóa đơn kịp. Nhưng ông Bùi Xuân Luyện cho rằng lý do này không hợp lý. “Thật ra là DN muốn gian lận, vì các DN lớn dư sức xuất hóa đơn ngay nếu họ thật sự muốn vì công nghệ in, vi tính hiện nay rất hiện đại” - ông Luyện nói.

Vấn đề tranh cãi hiện nay là có nên cho DN tự in hóa đơn để thuận tiện cho DN hay không. Luật sư Trương Thị Hòa cho rằng, nên thống nhất chọn một cách phát hành hóa đơn, một mẫu hóa đơn thống nhất. Luật sư Đinh Thị Quỳnh Như cũng đồng ý quan điểm trên nhưng đề nghị để DN tự in hóa đơn. Ngược lại, ông Bùi Xuân Luyện đề nghị không nên cho DN tự in hóa đơn, vì theo ông, hiện nay quy định giao toàn quyền “tự tính, tự khai, tự nộp thuế” cho DN trên “nền” quản lý kém (không quản lý qua mạng, không nắm được tình hình kinh doanh của DN) đã có không ít hậu quả, giờ nếu để DN tự in hóa đơn mà không kết nối mạng thì chẳng khác nào… thả cửa!

Do vậy, ông Luyện đề nghị, việc quản lý phải đồng bộ, nên nối mạng giữa cơ quan thuế và DN để các cơ quan quản lý nhà nước nắm vững tình hình kinh doanh của các DN, qua đó có biện pháp quản lý, thu thuế một cách hợp lý. Ông Nguyễn Trọng Hạnh, Phó cục trưởng Cục Thuế TPHCM cũng đồng ý với phương án này. Theo đó, việc sử dụng hóa đơn không chỉ đặt ra trong luật thuế mà còn phải đặt ra trong Luật DN. Cụ thể, Luật DN nên có quy định khi DN hoạt động kinh doanh phải đăng ký sử dụng hóa đơn tự in. Nhưng đồng thời, Bộ Tài chính phải quy định, buộc DN sử dụng máy tính tiền thống nhất. Cơ quan thuế cũng nên kiểm soát chương trình mạng kinh doanh của DN có nối kết mạng với các cơ quan quản lý.

Nhiều nơi không xuất ngay hóa đơn VAT cho khách

Cửa hàng điện thoại Xuân Hồng (đường 3-2, quận 10) bán điện thoại di động với giá trị lớn nhưng không xuất hóa đơn. Hệ thống cửa hàng quần áo của Công ty An Phước, quận 1, 5… (dù không có mặt hàng nào có giá dưới 100.000 đồng) nhưng không xuất hóa đơn cho khách và cũng không có quyển hóa đơn tại cửa hàng. Siêu thị Co.opMart không giao hóa đơn VAT cho khách mà chỉ giao phiếu tính tiền. Rất nhiều cửa hàng điện máy trên đường Hoàng Văn Thụ (Tân Bình) bán hàng không xuất hóa đơn, đã bị phản ánh nhiều lần nhưng vẫn không có chuyển biến. 

C.H.

HÀN NI

Tin cùng chuyên mục