Tình yêu trong chiến tranh qua nhạc tài tử

Trong không gian nhỏ nhắn, ấm cúng, những tiếng đờn lời ca đã cùng nhau hòa quyện mang đến không khí khá sôi động tại Bảo tàng Chứng tích chiến tranh buổi tối cuối tuần. Những kỷ niệm của một thời đau thương nhưng hào hùng, tình yêu đôi lứa gắn liền với quê hương, đồng bào, đồng chí cứ ùa về trong xúc cảm. Thêm một lần nữa, âm nhạc tài tử lại trở thành nhịp cầu gắn kết người già với những người trẻ, gắn kết những tâm hồn đồng điệu.
Tình yêu trong chiến tranh qua nhạc tài tử

Trong không gian nhỏ nhắn, ấm cúng, những tiếng đờn lời ca đã cùng nhau hòa quyện mang đến không khí khá sôi động tại Bảo tàng Chứng tích chiến tranh buổi tối cuối tuần. Những kỷ niệm của một thời đau thương nhưng hào hùng, tình yêu đôi lứa gắn liền với quê hương, đồng bào, đồng chí cứ ùa về trong xúc cảm. Thêm một lần nữa, âm nhạc tài tử lại trở thành nhịp cầu gắn kết người già với những người trẻ, gắn kết những tâm hồn đồng điệu.

        Sức mạnh tinh thần chiến đấu

Tình yêu, đề tài muôn thuở của thi ca nhạc họa, chính là điểm nhấn trong chương trình giao lưu đờn ca tài tử giữa CLB đờn ca tài tử (ĐCTT) xã Bình Ân, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang và các nghệ nhân tài tử của Hội Di sản văn hóa TPHCM. Không chỉ là cảm xúc mãnh liệt của người nam, người nữ mà tình yêu còn là tình cảm sâu sắc, bền chặt gắn liền với tâm thức dân tộc như: tình yêu quê hương, đất nước, con người; yêu cái thiện, cái đẹp, cái cao thượng.

Tiết mục Tân cổ Rẽ mạ đầu mùa của 2 tài tử Thiên Liễu - Thế Châu

Tiết mục Tân cổ Rẽ mạ đầu mùa của 2 tài tử Thiên Liễu - Thế Châu

Hai bạn trẻ Hoài Hân - Trần Kim Phụng (CLB ĐCTT xã Bình Ân) đã mang đến buổi giao lưu câu chuyện của hai người yêu nhau với bài vọng cổ nhịp 32 Chợ Mới. Tác giả Trọng Nguyễn đã khiến cho tình yêu và nỗi nhớ nhung khi xa cách được dâng trào mãnh liệt qua những ca từ rất dung dị nhưng cũng đầy tính nghệ thuật, nhân văn. Hơn một tình yêu đẹp chính là tình yêu lớn đối với quê hương, là nhiệm vụ của người trai đối với Tổ quốc. Có lẽ vì vậy mà những người yêu tài tử cải lương đã quen thuộc với bài Chợ Mới trên sóng phát thanh từ hàng chục năm qua. Ngoài các bản tân cổ nổi tiếng, các nghệ nhân còn cống hiến cho khán giả nhiều bản hòa tấu đặc sắc thể điệu lưu thủy trường, ngũ đối hạ, liên nam, xuân tình, sương chiều - tú anh.

        Tự hào di sản văn hóa thế giới

Mấy chục năm công tác từ Đài Phát thanh Giải Phóng đến Đài Tiếng nói nhân dân TPHCM, NSƯT Ngọc Mai đã dành nhiều tâm huyết cống hiến cho nghệ thuật tài tử cải lương. Hành trang của những lần biểu diễn cải lương phục vụ chiến sĩ, bộ đội của chị có nhiều câu chuyện rất xúc động. “Trong một lần đi dự giải tài tử cải lương của một công ty cao su ở Tây Ninh năm 1978, tôi vừa ca xong thì có một anh bộ đội chạy ra ôm chầm lấy tôi không rời. Anh bảo vì tôi mà anh… thắng độ”, NSƯT Ngọc Mai kể. Chị còn đang ngạc nhiên thì anh kể câu chuyện của mình: Những ngày khói lửa chiến tranh, sau những giờ phút hành quân chiến đấu, anh và đồng đội hầu như không rời chiếc radio và đã hàng chục lần nghe giọng Ngọc Mai ca cải lương trên đài. Từ yêu mến giọng ca đến hình dung Ngọc Mai ngoài đời, các anh chia 2 phe “cá độ” nhau.

“Hôm nay gặp Ngọc Mai bằng xương bằng thịt tôi vui vì tôi thắng độ. Nhưng tôi cũng thật buồn vì người bạn thua độ của tôi năm xưa đã vĩnh viễn nằm lại chiến trường. Bài ca này của Ngọc Mai tôi xin tặng lại cho người đồng đội ấy”, NSƯT Ngọc Mai kể lại câu chuyện mà mắt rưng rưng. Cùng góp thêm câu chuyện, nữ cựu tù chính trị Mười Thu cũng góp 6 câu vọng cổ dù không phải dân rành bài bản.

Sau khi hưởng ứng chương trình bằng 2 câu vọng cổ bài Hoa mua trắng, bạn Trần Hoài Thương, sinh viên Trường Cao đẳng nghề du lịch Sài Gòn cho biết: “Là người dân Nam bộ, tôi rất tự hào vì ĐCTT đã được vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, được thế giới ghi nhận. Chúng tôi mong muốn có nhiều hơn những chương trình giao lưu như thế này để được hiểu biết thêm về nghệ thuật truyền thống của dân tộc”.

Đất thanh bình mạ xanh em cấy/ Một hạt mầm là mấy tình thương/ Hò lên ấm đất quê hương/ Cho mầm mở cánh mạ non đầu mùa… Lời bài ca như một bức tranh thanh bình phác họa một miền quê Nam bộ trù phú, giàu đẹp, một vùng sông nước hiền hòa, hoa thơm trái ngọt và những con người sâu nặng nghĩa tình. Cũng chính nơi miền quê thanh bình ấy, những giai điệu mượt mà của tài tử cải lương đã bén rễ, đơm hoa thành một “sản vật” không thể thiếu của bao thế hệ người Việt và của thế giới.

MINH AN

Tin cùng chuyên mục