“Em ơi, hãy lắng nghe, nghe thành phố thở…”
Thành phố đón tôi bằng một điều thường và một điều bất thường. Điều thường là cơn mưa chiều xối xả, đủ để gợi lại những sâu thẳm miên man của một miền ký ức. Thành phố chứa chan những hoài niệm để tôi thương và được Thành phố thương. Bất thường ở những con đường vắng lặng đến tê người. Thành phố, từ thuở những người đi mở cõi luôn là huyết mạch thông thương hội tụ mười phương, chỉ có ngày một sầm uất hơn, chưa bao giờ trống trải đến thế này.
Nguyễn Nhật Ánh từng bảo hãy lắng nghe Thành phố thở, tiếng thở rất ồn ào dễ thương “Bằng mùi dầu xăng - Bằng bao tiếng động - Âm thanh cuộc sống - Gõ đến ngày đêm”. Nay, Thành phố dường như đang nín từng nhịp thở. Từng trải bao tao loạn của lịch sử, nhưng biến cố và thử thách lần này là chưa từng có. Và nó cũng mang lại cho Thành phố một khung cảnh chưa từng có mà nhức nhối tâm can.
Có người từng thốt lên “Sài Gòn là một mảnh đất lạ kỳ. Nó lạ kỳ đến nỗi người ta nhớ về nó khi đang ở trong lòng nó” (Đàm Hà Phú, Chuyện nhỏ Sài Gòn bao nhớ, NXB Trẻ, 2021). Điều đó giờ là thật. Bởi trong những ngày đại dịch khó khăn này, dù đang sống giữa Thành phố, nhưng ai cũng nhớ về Thành phố. Tất thảy ai ở nhà, hẳn đều đang nhớ đến “Sài Gòn - những con đường đi qua ký ức” (Lê Văn Nghĩa, Sài Gòn khâu lại mảnh thời gian, NXB Trẻ, 2019).
“Nay chiến trường xa, dẫu nhiều gian khổ…”
Chiến trường không ở xa. Chiến trường ở ngay đây, trong lòng Thành phố, thậm chí trong mỗi gia đình, từ chái nhỏ nơi xóm nghèo, đến biệt thự cao sang. Sự sống được giành giật qua từng chiếc máy thở. Cái đói, cái khó ập đến với rất nhiều người vốn sống nhờ vào guồng quay ồn ào, náo nhiệt của Thành phố. Cuộc chiến cũng dữ dội trong tâm khảm mỗi con người, trong mỗi quyết định đi - ở, trong mỗi nghĩ suy thiện - ác.
Nhưng lâu nay, “bến cảng Sài Gòn, nơi văn hóa Việt từ đồng bằng sông Hồng, sông Hương đến triển khai, được thử thách, đứng vững. Như ngôi nhà cột kèo rất chắc, nền vững nhưng vách để trống; giông bão thổi qua nhiều đợt, không bị sập đổ” (Sơn Nam, Đất Gia Định xưa-Bến Nghé xưa-Người Sài Gòn, NXB Trẻ, 2018). “Ngôi nhà” chung của người tứ xứ vẫn chắc chắn đến lạ kỳ, trước cơn hoành hành của đại dịch, trước lẽ tử sinh, trước thách thức đối với phẩm cách của người Thành phố.
Và dẫu nhiều gian khổ, lịch sử lại một lần nữa đang chứng minh một cách hùng hồn nhất, rằng phẩm cách Sài Gòn - Gia Định - Thành phố Hồ Chí Minh, qua bao gian khó, đã nghĩa tình còn nghĩa tình hơn, đã bản lĩnh còn bản lĩnh hơn, đã năng động, sáng tạo này còn năng động và sáng tạo hơn. Tiếng kèn da diết Trần Mạnh Tuấn, nét vẽ chân thực Trần Trung Lĩnh, nụ cười lạc quan Quyền Linh, tiếng hát nghẹn ngào Cẩm Vân… chỉ là đôi nét chấm phá của vô vàn những trái tim, khối óc đang sống chết vì Thành phố. Cái trớ trêu của đại dịch là đem lại sự cô đơn, lẻ loi và xa lạ ngay cả giữa những người quen.
Nhưng ở Thành phố này thì khác, vì “Sài Gòn mà hễ khó là có người chìa tay”, mảnh đất này, thương yêu này luôn ôm lấy những mảnh đời đang sống trong nó, vì nó. Vậy nên cả triệu túi an sinh được nhiều cánh tay mang tới tận nơi cần có, bất kể thời gian và an nguy. Trong đó có những bàn tay lính trẻ còn bỡ ngỡ vì độ rộng, độ cao và cả độ sâu của Thành phố. Nhưng nghĩa đồng bào vượt qua tất cả. Như hàng trăm chuyến xe nghĩa tình từ khắp mọi miền Tổ quốc đang hướng về Thành phố. Như hàng chục triệu trái tim Việt Nam đang thổn thức chung nhịp thở cùng Thành phố.
“Yêu lắm cuộc đời, ta xây tương lai”…
Những trang sử hàng thế kỷ của Thành phố đều nhắc nhớ rằng, chưa một thách thức nào có thể khiến mảnh đất này ngừng tiến lên phía trước. Như một niềm tự hào mà GS. Trần Văn Giàu từng gọi tên “Khí phách Sài Gòn” (Ấn tượng Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh, NXB Trẻ, 2016). Với khí phách đó, dẫu cho những con đường Thành phố dường như vẫn ngủ yên, hơi thở Thành phố vẫn đang thầm thì, thì những mạch nguồn sự sống vẫn len lỏi, phập phồng chờ đợi đến ngày trào dâng, để những nén chặt của hôm nay bung sức vươn lên ngày mai. Bởi nơi đây chưa bao giờ thiếu vắng niềm tin, niềm lạc quan và khát vọng.
Nghĩ về tương lai giữa lúc đầy gian khó thế này, là cái chất của người Thành phố, từ mỗi shipper đang đôn đáo giữa những con đường đang dần hồi sinh, đến những người đứng đầu Thành phố đang ngày đêm trăn trở. Bất cứ ai đang ở trên đất này đều có “Trái tim thành phố - Vẫn đập trong người - Như là cuộc sống - Như là tình yêu - Như là nỗi nhớ - Suốt đời mang theo”. Và như thế, hãy lắng nghe, hãy yêu và hãy tin vào tương lai của Sài Gòn - Gia Định - Thành phố Hồ Chí Minh!
Thành phố, 2-9-2021