“Tổ chim” dành cho ai?

“Tổ chim” dành cho ai?

(SGGP Thể thao).- Phục vụ xong Olympic, các công trình thi đấu nguy nga đồ sộ sẽ để đó... cho ai, đó là một nỗi trăn trở đối với nhiều thành phố từng tổ chức Đại hội. Nhưng với Bắc Kinh thì không. Trong 31 địa điểm thi đấu phục vụ Olympic 2008, chỉ có 12 địa điểm là xây mới. Có 8 địa điểm thuộc dạng công trình tạm, dễ tháo dỡ, và 6 địa điểm được xây dựng trong các trường đại học.

“Tổ chim” dành cho ai? ảnh 1
Nhà thi đấu cầu lông của Olympic Athens 2004 – một trong những công trình hầu như không có ai sử dụng sau đó.

Như Athens 2004 đã cho thấy, một trong những di sản nặng nề của Olympic là việc sử dụng và bảo dưỡng các công trình thi đấu sau đó. Gần như tất cả các nhà thi đấu phục vụ cho kỳ Olympic cách đây 4 năm ở Athens hiện thời đều nằm... trống trơn, đã vậy mỗi năm còn phải tốn hàng triệu USD tiền bảo dưỡng.

Chính vì thế, làm thế nào xây dựng những công trình thi đấu mà có thể gìn giữ được và tiếp tục “tái sử dụng” được sau Olympic, điều đó đã trở thành một trong những yếu tố quyết định trong việc tranh quyền tổ chức Đại hội. Theo ông Jacques Rogge, Chủ tịch IOC, Bắc Kinh đã thành công về việc này.

Phát biểu trước giới báo chí trong ngày cuối cùng của Đại hội, Jacques Rogge cho biết có khá nhiều nhà thi đấu phục vụ Bắc Kinh 2008 được xây dựng bên trong các trường đại học, điều đó đảm bảo rằng chúng sẽ tiếp tục được sử dụng sau Đại hội – ở một số trường hợp thì sẽ được sử dụng hằng ngày. Nhờ đó, Bắc Kinh sẽ tránh được sự lãng phí to lớn.

Cách nhìn nhận của Jacques Rogge đã được các chuyên gia quốc tế đồng tình. Theo Susan Brownell, một chuyên gia về thể thao Trung Quốc, bất kể quy mô các nhà thi đấu thuộc loại nào thì với số dân rất lớn của Bắc Kinh, vẫn sẽ có rất nhiều người thường xuyên sử dụng chúng trong tương lai. Còn những nơi như làng Olympic và làng báo chí thì đều đã chuyển thành các căn hộ dân cư và cho đến nay số căn hộ đó đã bán gần hết.

“Tổ chim” dành cho ai? ảnh 2
Sân Tổ chim rực rỡ trong ngày bế mạc Olympic 2008.

Liang Qindong, giám đốc văn phòng tại Trung Quốc của công ty thiết kế EDAW (tham gia khá nhiều công trình thi đấu) cho biết: “Tôi hoàn toàn chắc chắn rằng các công trình thi đấu sẽ tiếp tục được sử dụng sau Olympic. Chỉ hơi lo ngại về sân Tổ chim và Trung tâm thể thao dưới nước. Sử dụng và bảo dưỡng sẽ tốn chi phí rất lớn”.

Thật vậy, sân Tổ chim và Trung tâm thể thao dưới nước chính là 2 công trình chất lượng nhất và dĩ nhiên đắt tiền nhất trong số trong số 31 địa điểm thi đấu ở Bắc Kinh.

Gide Loyrette Nouel, một công ty có tham gia dự án sân vận động quốc gia, cho biết việc bảo dưỡng Tổ chim sẽ tốn khoảng 7 triệu USD hằng năm và cách duy nhất để thu hồi dần dần vốn đầu tư ban đầu là phải có một CLB thể thao “thường trú” tại đó. Một chuyên gia của Gide Loyrette Nouel cho biết: “Cho đến nay, không có bất cứ sân vận động nào trên thế giới này đạt được lợi nhuận nếu không có một CLB thể thao thuê dụng”. Trước mắt, rất có thể Beijing Guoan – một CLB bóng đá thuộc giải nhà nghề Trung Quốc – sẽ sử dụng Tổ chim làm sân nhà. Một quan chức của CLB này cho biết: “Chúng tôi đang tích cực thương thảo, có điều là chưa ký kết bất cứ văn bản nào”.

Sun Weide, phát ngôn viên của Ban tổ chức Olympic Bắc Kinh cho biết sân Tổ chim có thể sẽ trở thành một địa điểm đa chức năng, tổ chức các cuộc tranh tài thể thao, các cuộc triển lãm, hòa nhạc, hội nghị. Sân Tổ chim đang được giảm số ghế ngồi từ 91.000 xuống 80.000 cho phù hợp hơn với nhu cầu thực tế. Trong khi đó, Nhà thi đấu dưới nước có thể sẽ trở thành một công viên giải trí.

Cũng theo Sun Weide, chính ra địa điểm duy nhất đáng bị đặt dấu hỏi là địa điểm dành cho môn chèo thuyền. Nằm ở Shunyi, cách Bắc Kinh khoảng 1 giờ đi xe, địa điểm ấy cách khá xa khu dân cư chính. Càng cách xa thì đương nhiên sẽ càng ít người lui tới.

Phương Lan tổng hợp

Tin cùng chuyên mục