Tòa án không được từ chối giải quyết vì chưa có điều luật áp dụng

Sáng 27-10, Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Bộ luật Dân sự (sửa đổi).
Tòa án không được từ chối giải quyết vì chưa có điều luật áp dụng

(SGGPO).- Sáng 27-10, Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Bộ luật Dân sự (sửa đổi).

Theo Tờ trình của Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường trình bày, Bộ luật Dân sự lần này được sửa đổi cơ bản và toàn diện; với tổng số 710 điều, được bố cục thành 6 phần, 29 chương. So với Bộ luật Dân sự năm 2005, dự thảo Bộ luật giữ nguyên 265 điều, sửa đổi 298 điều, bổ sung 174 điều, bãi bỏ 147 điều.

Nhà nước đảm bảo mọi quyền dân sự của cá nhân, pháp nhân được tôn trọng

Một trong những nội dung trong dự thảo nhận được nhiều ý kiến góp ý liên quan đến việc xác lập, thực hiện và bảo vệ quyền dân sự. Theo dự thảo, nay bổ sung các nguyên tắc chung về xác lập, thực hiện và bảo vệ quyền dân sự, trong đó tòa án, cơ quan có thẩm quyền khác có trách nhiệm bảo vệ quyền dân sự của cá nhân, pháp nhân. Quyết định giải quyết vụ việc theo thủ tục hành chính có thể được xem xét lại tại Tòa án. Tòa án không được từ chối yêu cầu giải quyết vụ, việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng; trong trường hợp này, quy định về áp dụng tập quán, tương tự pháp luật, nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự và lẽ công bằng được áp dụng để xem xét, giải quyết.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường. Ảnh: Lã Anh

Bộ trưởng Tư pháp đưa ra nhiều lý do để giải thích cho quy định này. Ông nói: “Theo nội dung, tinh thần của Hiến pháp năm 2013 thì Nhà nước phải có trách nhiệm tạo cơ chế pháp lý đầy đủ để mọi quyền dân sự của cá nhân, pháp nhân được Hiến pháp, pháp luật công nhận đều được tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm thực hiện. Vì vậy, việc bổ sung quy định nêu trên là cần thiết nhằm góp phần thực hiện trách nhiệm này của Nhà nước. Mặt khác, trong thời gian qua, do thiếu quy định này của luật nên không ít trường hợp Tòa án đã phải từ chối thụ lý và giải quyết các yêu cầu chính đáng của cá nhân, pháp nhân”.

Hơn nữa, cũng theo quan điểm thể hiện tại Tờ trình, nguyên tắc áp dụng tập quán và quy định tương tự của pháp luật trong trường hợp không có quy định của luật cũng đã được ghi nhận trong Bộ luật Dân sự năm 1995 và Bộ luật Dân sự năm 2005. Tuy nhiên, pháp luật hiện hành lại chưa có quy định về trách nhiệm của Tòa án trong việc áp dụng tập quán và quy định tương tự của pháp luật để giải quyết các vụ việc dân sự. Vì vậy, việc quy định như trong dự thảo Bộ luật là cần thiết. Thực tiễn lập pháp của một số nước cũng cho thấy, trong Bộ luật dân sự của các nước này đều có quy định, theo đó, trong trường hợp không có quy định của luật thì thẩm phán phải vận dụng tất cả các biện pháp hợp pháp để giải quyết yêu cầu của người dân mà không được phép từ chối giải quyết với lý do không có quy định của pháp luật để áp dụng.

Bổ sung quyền chiếm hữu

Quyền chiếm hữu, một chế định mới cũng đã được bổ sung vào dự luật; dược hiểu là “tình trạng pháp lý về việc cá nhân, pháp nhân nắm giữ, chi phối tài sản một cách trực tiếp hoặc gián tiếp”.

Theo chế định này, người chiếm hữu tài sản được suy đoán là ngay tình; người nào cho rằng, người chiếm hữu là không ngay tình thì phải chứng minh. Người nào có tranh chấp với người chiếm hữu thì phải chứng minh rằng, người chiếm hữu không có quyền. Trường hợp một người có yêu cầu về quyền sở hữu hoặc các vật quyền khác đối với tài sản đang do người khác chiếm hữu thì cơ quan có thẩm quyền chỉ thụ lý giải quyết với điều kiện người đó phải chấm dứt hành vi vi phạm quyền của người chiếm hữu và khôi phục lại tình trạng ban đầu (nếu có).

“Quy định này sẽ góp phần bảo đảm trật tự xã hội, sự ổn định của giao dịch, giá trị kinh tế của tài sản, sự thiện chí trong quan hệ dân sự”, Bộ trưởng Hà Hùng Cường nhận định.

Thời hạn yêu cầu chia di sản bất động sản là 30 năm

Về thời hiệu thừa kế, để khắc phục những bất cập về thời hiệu khởi kiện thừa kế trong Bộ luật dân sự hiện hành, phù hợp với quyền của người thừa kế, người khác có liên quan đến di sản và những đặc thù về văn hóa, tính chất của di sản, dự thảo Bộ luật quy định thời hiệu thừa kế theo hướng: thời hạn yêu cầu chia di sản là ba mươi năm đối với bất động sản, mười năm đối với động sản, kể từ thời điểm mở thừa kế. Hết thời hạn này mà không có yêu cầu chia di sản thì di sản thuộc về người thừa kế đang quản lý di sản đó. Trường hợp không có yêu cầu chia di sản và không có người thừa kế đang quản lý di sản thì di sản được giải quyết theo hai hướng.

Nếu di sản đang được người khác chiếm hữu hoặc được lợi một cách ngay tình, liên tục, công khai thì người này được xác lập quyền sở hữu theo thời hiệu đối với quyền sở hữu có đối tượng là bất động sản hoặc động sản được quy định tại Bộ luật dân sự. Trường hợp không có người khác chiếm hữu hoặc được lợi về di sản hoặc có người này nhưng việc chiếm hữu của họ không có căn cứ pháp luật, không ngay tình thì di sản thuộc về Nhà nước.

Bảo vệ quyền lợi của người thứ ba ngay tình khi giao dịch dân sự vô hiệu

Dự thảo Bộ luật Dân sự đã quy định về vấn đề này theo hướng: trong trường hợp tài sản đã được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền, sau đó được chuyển giao bằng một giao dịch khác cho người thứ ba và người này căn cứ vào việc đăng ký đó mà xác lập, thực hiện giao dịch thì đối với người thứ ba, giao dịch này không vô hiệu, trừ trường hợp người thứ ba biết hoặc phải biết rằng tài sản là đối tượng của giao dịch dân sự đã bị chiếm đoạt bất hợp pháp, ngoài ý chí của chủ sở hữu.

Trường hợp tài sản chưa được đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền thì người thứ ba chỉ được bảo vệ khi nhận được tài sản này thông qua bán đấu giá hoặc giao dịch với người mà theo bản án, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền là chủ sở hữu tài sản nhưng sau đó người này không phải là chủ sở hữu tài sản do bản án, quyết định bị huỷ, sửa. 

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, nếu quy định như trên, người thứ ba ngay tình sẽ được bảo vệ trong mọi trường hợp và như vậy chủ sở hữu của tài sản lại không được bảo vệ. Vì vậy, cần cân nhắc thêm về vấn đề này, đặc biệt là trong bối cảnh việc đăng ký bất động sản đang còn có nhiều bất cập như hiện nay.

Trước Tết Nguyên đán mới bàn giao chính thức Tòa nhà Quốc hội

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ vừa ký báo cáo gửi Quốc hội về Tòa nhà Quốc hội.

Theo đó, tổng số vốn bố trí thực tế cho dự án đến nay là 5.517,59 tỷ đồng. Kiểm toán Nhà nước đã và đang thực hiện kiểm toán dự án đồng thời với quá trình xây dựng công trình và nhận định đến nay là “các nội dung đầu tư nhìn chung chấp hành đúng quy định của Nhà nước về công tác quản lý đầu tư xây dựng cũng như công tác lựa chọn nhà thầu”.

Chính phủ nhìn nhận, đến nay công trình đã cơ bản hoàn thành, đáp ứng được các yêu cầu cơ bản về tiện ích, công năng của kỳ họp Quốc hội, đảm bảo đủ điều kiện phục vụ kỳ họp thứ 8. Tuy nhiên, do công trình được xây dựng trong khu vực có nhiều di tích khảo cổ, đòi hỏi phương án xây dựng phải gắn với phương án bảo tồn di tích lịch sử để đảm bảo tính kế thừa, tính liên tục qua các thời đại, phương án thi công xây dựng phải nghiên cứu rất kỹ để không ảnh hưởng đến bảo tồn di tích.

Mặt khác, do tính chất quan trọng của công trình nên công tác thiết kế cần nhiều thời gian để nâng cấp, hoàn thiện thiết kế kiến trúc, nội thất, tổ chức mặt bằng các tầng, đồng thời công tác thẩm tra, phê duyệt thiết kế, dự toán cũng kéo dài hơn so với dự kiến trước đây. Trong giai đoạn thực hiện dự án, công trình cũng đã được thay đổi thiết kế để đáp ứng yêu cầu về công năng sử dụng. Do thời gian gấp nên một số chi tiết hoàn thiện công trình còn chưa thật sự đảm bảo yêu cầu mỹ thuật, nên sau kỳ họp thứ 8, chủ đầu tư, ban quản lý dự án và các nhà tư vấn, các nhà thầu sẽ hoàn thiện lần cuối, vệ sinh sạch sẽ, căn chỉnh thiết bị, chạy thử liên động toàn bộ công trình... phấn đấu bàn giao toàn bộ công trình trước Tết Nguyên đán năm Ất Mùi 2015.

ANH PHƯƠNG

Tin cùng chuyên mục