(SGGPO).- Đây là một trong những hạn chế trong hoạt động của Tòa án Nhân dân (TAND) hai cấp TPHCM năm 2016 (từ ngày 1-10-2015 đến ngày 30-9-2016) được Chánh án TAND TPHCM Ung Thị Xuân Hương báo cáo tại buổi làm việc với Ban Pháp chế HĐND TPHCM vào ngày 22-11.
Chánh án TAND TPHCM Ung Thị Xuân Hương báo cáo về hoạt động của TAND hai cấp TPHCM
Theo đó, năm 2016 TAND hai cấp TPHCM xét xử 8.404/8.422 vụ án hình sự thụ lý, đạt tỷ lệ 99,79%, vượt 4,79% chỉ tiêu của TAND Tối cao đề ra; giải quyết 45.686/47.445 vụ việc dân sự theo nghĩa rộng (bao gồm án dân sự, hôn nhân gia đình, kinh doanh thương mại, phá sản, lao động), đạt tỷ lệ 96,29%, vượt 6,29% so với chỉ tiêu của TAND Tối cao đề ra.
Đối với việc ra quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính đưa người nghiện ma túy đi cai nghiện bắt buộc, năm 2016 TAND cấp quận, huyện đã giải quyết 5.697 trường hợp trong tổng số 5.699 hồ sơ đã thụ lý, với 13 trường hợp yêu cầu đưa vào trường giáo dưỡng, 18 trường hợp yêu cầu đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc và 5.664 trường hợp yêu cầu đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Trung bình mỗi thẩm phán giải quyết khoảng 9,14 vụ/tháng, vượt quá chỉ tiêu xét xử trung bình là 4 vụ/tháng.
Bà Hương cũng thẳng thắn thừa nhận một số hạn chế trong hoạt động của TAND hai cấp TPHCM. Bà cho biết vẫn còn 391 bản án hình sự bị hủy, sửa (trong đó 60 vụ bị hủy do lỗi chủ quan) và 508 vụ việc dân sự bị hủy, sửa (247 vụ, việc do lỗi chủ quan). Tỷ lệ giải quyết các loại vụ việc tuy cao hơn năm 2015 nhưng số vụ án, vụ việc tạm đình chỉ còn nhiều. Tính đến ngày 30-9-2016, TAND hai cấp còn 62 vụ án dân sự quá hạn chưa đưa ra xét xử, giải quyết và 5.394 vụ án dân sự tạm đình chỉ. Phần lớn các vụ án quá hạn, tạm đình chỉ là những vụ phức tạp, có nhiều đương sự, liên quan đến nhiều cơ quan, tổ chức và tài sản tranh chấp không rõ ràng; các đương sự đang cư trú tại nhiều địa phương, nhiều quốc gia khác nhau; bị đơn, những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan không hợp tác với tòa án. Tuy nhiên, có trường hợp tạm đình chỉ thiếu căn cứ hoặc lý do tạm đình chỉ không còn nhưng không theo dõi, đôn đốc để đưa vụ án ra xét xử làm cho thời hạn giải quyết kéo dài.
Trong công tác giải quyết án dân sự, một số trường hợp thẩm phán xác định thiếu người tham gia tố tụng hoặc xác định không đúng tư cách tham gia tố tụng, áp dụng pháp luật chưa chính xác, đánh giá chứng cứ còn thiếu khách quan, toàn diện nên quyết định giải quyết vụ án không phù hợp, dẫn đến tình trạng hủy, sửa bản án do lỗi chủ quan của thẩm phán. Cá biệt có trường hợp còn xác định không đúng quan hệ pháp luật tranh chấp, sai thời hiệu khởi kiện hay thẩm quyền xét xử, không định giá giá trị tài sản tranh chấp; chưa xem xét hết các yêu cầu của đương sự trong quá trình giải quyết vụ án hoặc giải quyết vượt quá yêu cầu của đương sự; đình chỉ hoặc tạm đình chỉ giải quyết vụ án không đúng.
Trưởng Ban Pháp chế HĐND TPHCM Trương Lâm Danh phát biểu tại buổi làm việc
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Trương Lâm Danh, Trưởng Ban Pháp chế HĐND TPHCM ghi nhận những nỗ lực của TAND hai cấp TPHCM đã khắc phục khó khăn để đạt được tỷ lệ giải quyết án vượt chỉ tiêu TAND Tối cao đề ra. Ông cũng đề nghị trong thời gian tới, TAND TPHCM cần tăng cường thanh tra TAND quận, huyện về trách nhiệm trong thực thi công vụ; tiếp tục giải quyết án quá hạn và án tạm đình chỉ, nhất là án tạm đình chỉ lâu năm; tổ chức rút kinh nghiệm những vụ án bị hủy, sửa do lỗi chủ quan…
ÁI CHÂN