Nhạc sĩ Lê Minh Sơn:

“Tôi dồn cảm xúc vào âm nhạc”

(ảnh)
“Tôi dồn cảm xúc vào âm nhạc”

Sau 3 live show hợp tác với ca sĩ Thanh Lam, biên tập và sáng tác ca khúc cho 11 CD của các ca sĩ: Ngọc Khuê, Tùng Dương, Thanh Lam và cho chính mình, nhạc sĩ Lê Minh Sơn (ảnh) đang tất bật với với nhiều dự án âm nhạc mới: CD nhạc jazz Thanh Lam, live show Thanh Lam, CD của Khánh Linh, CD của nhạc sĩ 9X. Đặc biệt, live show đầu tiên “Đêm Lê Minh Sơn” sẽ tổ chức vào ngày 11 và 12-8 tới tại Nhà hát Lớn Hà Nội và ngày 25-9 tại Nhà hát TPHCM. Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với anh:

“Tôi dồn cảm xúc vào âm nhạc” ảnh 1

* Jazz khá kén người nghe và không ít ca sĩ từng thử nghiệm và thử sức với jazz, nhưng rồi họ đều chọn pop làm sự nghiệp. Vì sao anh và Thanh Lam trở lại với jazz?

* Jazz khá kén người nghe, nhưng CD này không phải jazz đậm đặc mà jazz classic và phảng phất chất pop nên có bài nhẹ nhàng, uyển chuyển và có bài mạnh mẽ, bùng nổ. Ở góc độ chuyên môn, jazz giúp ca sĩ hoàn thiện kỹ thuật thanh nhạc.

Pop đại chúng, dễ nghe, dễ hát hơn so với jazz. Những ca sĩ hát jazz với những quãng phiêu linh đã ăn phần nào vào giọng của Thanh Lam, Trần Thu Hà, Tùng Dương… khiến họ hát “bay” hơn, có cá tính hơn và dễ lôi cuốn người nghe hơn. Thanh Lam là ca sĩ VN đầu tiên dự liên hoan nhạc jazz quốc tế: Jazz Festival Montreux (Thụy Sĩ) từ cách đây khá lâu… Với cây đàn tỳ bà, Lam cất lên bài “Hò mái nhì” trên nền nhạc jazz. Chúng tôi dự định làm CD này từ lâu và chính thức bắt tay thực hiện từ năm ngoái. Đây là đĩa nhạc chúng tôi ưng ý nhất, thấm nhiều nước mắt và mồ hôi nhất. CD gồm 10 ca khúc của 5 nhạc sĩ: Trần Tiến, Dương Thụ, Nguyễn Cường, Phó Đức Phương và tôi. Hai bài của nhạc sĩ Nguyễn Cường là “Bóng tối ly cà phê” và “H’zen lên rẫy”.

Nhạc sĩ Nguyễn Cường cười sung sướng “thắc mắc” về việc chúng tôi “biến” những bài pop này thành jazz. Theo tôi, những bài có tiết tấu và vận động hòa thanh đều có thể phối và hát thành jazz. Hai bài của tôi là “Buông” và “Trăng khát”. Hai bài của nhạc sĩ Trần Tiến: “Tùy hứng Lý ngựa ô” và “Ngẫu hứng sông Hồng”, Lam từng hát theo phong cách pop. Lần này trở lại với jazz, Lam bùng nổ và đầy ngẫu hứng. Giọng hát có chút gì man dại. Thật ra, không dễ khi đang hát pop chuyển sang jazz…

* Còn CD của Khánh Linh và CD của các nhạc sĩ 9X?

* Với Khánh Linh, tôi muốn xây dựng hình tượng âm nhạc mới. Vẫn dựa trên thế mạnh của Linh là giọng hát trong sáng và thanh tao, nhưng tôi muốn Linh thể hiện rõ hơn chất pop, trẻ trung, sôi nổi hơn và có chút nổi loạn trong giọng hát. Còn CD của các nhạc sĩ 9X, tôi đang biên tập bài. Các em là học trò của tôi ở Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội. Tôi nhận ra đây là những gương mặt sáng tác trẻ triển vọng.

* Phong trào live show ca sĩ, cái được chủ yếu là danh tiếng. Còn nhạc sĩ làm live show để hướng tới mục đích gì?

* Tôi làm live show, trước hết xuất phát từ yêu cầu của những người yêu thích âm nhạc Lê Minh Sơn. Có thể nói, khán giả yêu thích âm nhạc của tôi không nhiều, nhưng họ gắn bó với tôi từ rất lâu, từ khi chưa nhiều người biết đến tôi. Lúc đó, anh em tự bỏ tiền, thuê địa điểm rồi chơi nhạc cho bạn bè nghe. Khán giả từ ngày đó vẫn trung thành, ủng hộ chúng tôi và tôi sẽ đi đến cùng với họ.

Tôi muốn live show của mình rực lửa, nồng nàn và quyến rũ với các ca khúc quen thuộc của tôi và một số ca khúc mới. Thanh Lam đã tạm hoãn hai sô diễn bên Mỹ để tham gia. Tôi sẽ mời một số giọng ca mới: Hà Linh (Giải nhất Sao Mai 2007), Ngọc Minh (thí sinh dự thi Vietnam Idol)…

* Có người cho rằng, ca khúc của Lê Minh Sơn bây giờ không còn cái vẻ huyễn hoặc người nghe như những sáng tác trong album của Ngọc Khuê, Tùng Dương… Dường như với khối lượng công việc ngày một nặng thêm, cảm xúc sáng tác của Lê Minh Sơn cũng cạn kiệt dần?

* Tôi không thể mãi là “Chuồn chuồn ớt” đậu “Bên bờ ao nhà mình”… Tôi trưởng thành bằng “Ôi quê tôi”, già dặn hơn với “À í a” và thấy khoảng trời trước mắt rộng hơn, xa hơn từ “Giếng làng” và sắp đây sẽ là “Con trai bé nhỏ”. Tôi không còn bó hẹp bởi những ca khúc dâng lên từ cảm xúc tức thời... Vừa rồi, tôi viết một ca khúc “đặt hàng” của Bộ Bưu chính Viễn thông và đĩa sắp tới của Đan Trường, tôi viết bài “Anh cần em”, Thanh Lam song ca với Đan Trường, viết theo “e” nhạc pop mà khán giả vẫn thường nghe… Tôi làm không hết việc, có lúc chẳng có thời gian để thở. Tôi dồn tất cả cảm xúc vào âm nhạc.

* Anh liên tục gặt hái giải thưởng cao của Bài hát Việt và các CD, live show đều khá đắt khách. Có thể coi anh là nhạc sĩ và nhà sản xuất âm nhạc thành công?

* Tôi không sống bằng hào quang. Khi nghệ sĩ chỉ đắm chìm vào những thành quả đạt được là tâm hồn bắt đầu già cỗi.

* Xin cám ơn anh và chúc anh có nhiều ca khúc hay! 

VÕ THÂM thực hiện

Tin cùng chuyên mục