Câu hỏi “ta là ai” dường như rất dễ khi đặt câu hỏi nhưng lại thật khó đưa ra câu trả lời.
Ngày đi học mẫu giáo, tôi đã tự hỏi mình câu hỏi đơn giản chỉ có ba từ này. Khi ấy, ba mẹ dặn tôi hãy trả lời: “Thưa cô, con là Huy ạ”, nếu cô giáo hỏi “Con là ai?”.
Mười lăm năm sau, vào ngày đầu tiên đặt chân đến trường APU, tôi tự nhủ sẽ trả lời rằng: “Tôi là người Việt Nam”, nếu được hỏi như vậy.
Câu trả lời tuy vẫn chưa thoát khỏi “cái tôi” nhưng thật ra đã khác so với trước, bởi vì tôi nhận ra rằng câu trả lời không quan trọng bằng con đường dẫn đến bản chất của nó. Rằng chúng tôi hãy bớt quan tâm ta là ai, mà hãy nghĩ xem ta tồn tại là vì ai và thực sự ta sống vì mục đích gì. Vì vậy tôi cũng ý thức rất rõ rằng hãy sống thật tốt đẹp, thật có ích để cuộc đời có ý nghĩa hơn.
Câu hỏi “ta là ai” như một kim chỉ nam dẫn đường để tôi hoàn thành mục đích của mình. Trong đơn xin học bổng danh dự của tổ chức JASSO, tôi đã nêu rằng tôi muốn giành học bổng để sau này tôi có điều kiện phục vụ cho mục đích giáo dục ở nước nhà. Nếu không có một hệ thống giáo dục tốt, đất nước sẽ không thể phát triển bền vững được, do đó tôi muốn cống hiến một phần sức lực của mình, tuy rất nhỏ, cho sự phát triển của đất nước tôi. Muốn làm được điều này, bản thân tôi phải không ngừng cố gắng trong học tập ở xứ người, kiến thức như dòng chảy mênh mang không chỉ có ở trường học mà còn ở trường đời. Tôi tham dự nhiều diễn đàn và hội nghị khác nhau, học hỏi được nhiều điều, đặc biệt là những kinh nghiệm của các đại biểu.
Trong buổi gặp gỡ với cựu tổng thống Philippines, Fidel V. Ramos, đã cho tôi gợi ý về câu trả lời của mình. Khi được nghe ông kết thúc bài diễn văn bằng những từ “quan tâm, chia sẻ, táo bạo” cũng chính là lúc tôi nhận ra ý nghĩa “một trong hai” của “ta là ai”. “Ta là ai” còn là “bạn là ai”.
Một bộ tộc Weyewa ở Indonesia có câu ngạn ngữ “Tôi nhận tình yêu thương và vì thế tôi cho đi để trở nên giàu có”. Đó là lý do tôi quyết định tham gia các hoạt động tình nguyện ở trường mẫu giáo Minifu với những kỷ niệm khó quên. Tôi đã học được từ chính các em lòng vị tha, những ước muốn và ước mơ. Tôi cũng đã học được niềm tin không bao giờ từ bỏ mục đích của mình. Cuộc sống luôn vận động tiến về phía trước, tôi sẽ bị bỏ lại phía sau nếu tôi dừng lại. Con đường dẫn đến câu trả lời của câu hỏi “Ta là ai” sẽ tiếp thêm sức mạnh giúp tôi góp sức cho quê nhà sau này.
Đỗ Sỹ Huy là cựu học sinh chuyên Anh Trường Phổ thông Năng khiếu, Đại học Quốc gia TPHCM. Hiện nay Sỹ Huy là sinh viên năm cuối tại Trường Đại học Ritsumeikan Asia Pacific (APU), Nhật Bản. Vào năm 2008, Sỹ Huy đã sáng lập và đồng tài trợ cho Quỹ học bổng Huynh Đệ dành cho các em học sinh lớp 12 ở Việt Nam từ tiền học bổng của chính mình. Đến năm 2009 có 15 HS được nhận học bổng này (trị giá mỗi suất là 1.500.000 đồng). Điều đặc biệt, cùng với sự hỗ trợ từ các anh chị đi trước, hai em học sinh nhận học bổng năm 2008 đã trích một phần tiền đi dạy thêm để tài trợ cho học bổng Huynh Đệ năm 2009. Việc làm này chứng tỏ các em sau khi nhận học bổng Huynh Đệ luôn phấn đầu và quay lại giúp đỡ đàn em đi sau. Trong những năm học đại học, Sỹ Huy đã có ba lần được gặp các vị nguyên thủ quốc gia khi các vị đến thăm trường Huy đang theo học tại Nhật Bản. Năm 2006, Sỹ Huy gặp cựu tổng thống Philippines Fidel Ramos và gặp Tổng thống Cộng hòa Malawi năm 2007. Đầu năm 2010, Sỹ Huy được diện kiến cựu Thủ tướng Nhật Bản Murayama Tomiichi, và được cựu Thủ tướng viết tặng câu “Sự nỗ lực không ngừng là sức mạnh của thành công.” Qua những buổi gặp gỡ quý báu này, câu trả lời cho câu hỏi “ta là ai” càng được thể hiện rõ hơn. Ngoài những hoạt động tình nguyện tại Nhật Bản, Sỹ Huy cũng tham gia công tác thiện nguyện giúp đỡ các trẻ em có hoàn cảnh khó khăn ở thủ đô Manila (Philippines), Campuchia. |
Đỗ Sỹ Huy
(ĐH Ritsumeikan Asia Pacific University, Nhật Bản)