Tội phạm lờn vì luật hở

Thời gian qua, số vụ việc doanh nghiệp, cá nhân nhờ các đối tượng hoạt động theo kiểu “xã hội đen” đòi nợ thuê ngày càng nhiều. Đây là tình trạng đáng lo ngại, nhất là sau khi có trường hợp dẫn đến án mạng, như vụ Dương Hoàng Dũng (tự Dũng “ben”) trong lúc đòi nợ thuê đã bắn chết ông P.V.L. - chủ DNTN Lan Thảo ở tỉnh Bình Dương xảy ra vào tháng 5-2011.

Tuy nhiên, không thể chỉ phê phán, quy lỗi cho những người sử dụng loại dịch vụ này. Nguyên nhân chính là do quy định của pháp luật hiện nay chưa thể bảo vệ quyền lợi chính đáng của chủ nợ, khó xử lý người có hành vi vay mượn tiền nhưng không trả. Nếu khởi kiện dân sự, vụ án phải trải qua hai phiên xử sơ thẩm và phúc thẩm (trong trường hợp có kháng cáo, kháng nghị) với thời gian kéo dài. Trường hợp thắng kiện, được tòa án tuyên phía người mượn nợ phải trả lại tiền thì nhiều khả năng bản án khó thi hành, do người mượn nợ tuyên bố không có tài sản - không có điều kiện thi hành án.

Còn nếu muốn cơ quan tiến hành tố tụng xử lý hình sự người không trả nợ cũng khó. Dù hành vi này có dấu hiệu của tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” (Điều 140 Bộ luật Hình sự) nhưng theo quy định, người mượn tiền phải dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó thì mới cấu thành tội danh trên. Việc chứng minh dùng thủ đoạn gian dối không dễ, trong khi người vay mượn tiền không đi khỏi địa phương thì không thể khởi tố để điều tra, truy tố, xét xử họ được. Thế nên chủ nợ thà chịu mất một khoản tiền không nhỏ để nhờ đòi nợ thuê chứ không nhờ đến pháp luật giải quyết.

Tương tự, theo quy định tại Điều 250 Bộ luật Hình sự, để xử lý được người phạm tội “Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có” thì người tiêu thụ phải biết được tài sản đó do phạm tội mà có (trộm cắp, cướp, cướp giật...). Tuy nhiên, trên thực tế, chứng minh được điều này không dễ. Do vậy, dù người có hành vi này nhiều - chẳng hạn như chủ tiệm cầm đồ - nhưng thời gian qua cơ quan điều tra khởi tố, bắt tạm giam không nhiều và tài sản thu hồi được ít.

Những quy định bất cập trên khiến việc xử lý người có hành vi phạm tội gặp khó, dẫn đến tội phạm lờn luật, ung dung làm những việc trái pháp luật. Những “lỗ hổng” này cần sớm được bịt kín bằng những quy định khác phù hợp thực tế, giúp công tác phòng, chống tội phạm đạt được hiệu quả cao hơn.

ÁI CHÂN

Tin cùng chuyên mục