Tôm thẻ “nuốt” dừa

Bến Tre là nơi có diện tích vườn dừa lớn nhất cả nước, giá dừa những năm qua duy trì ở mức cao giúp người dân có thu nhập ổn định. Gần đây trước hấp lực siêu lợi nhuận của tôm thẻ chân trắng, nhiều hộ phá bỏ vườn dừa chuyển sang nuôi tôm thẻ. Đặc biệt, nhiều hộ thuộc dự án ngọt hóa của cống đập Ba Lai cũng lén lút chặt hạ vườn dừa đưa nước mặn về nuôi tôm thẻ chân trắng (tôm thẻ), dẫn đến nguy cơ phá vỡ hệ thống mặn ngọt…
Tôm thẻ “nuốt” dừa

Bến Tre là nơi có diện tích vườn dừa lớn nhất cả nước, giá dừa những năm qua duy trì ở mức cao giúp người dân có thu nhập ổn định. Gần đây trước hấp lực siêu lợi nhuận của tôm thẻ chân trắng, nhiều hộ phá bỏ vườn dừa chuyển sang nuôi tôm thẻ. Đặc biệt, nhiều hộ thuộc dự án ngọt hóa của cống đập Ba Lai cũng lén lút chặt hạ vườn dừa đưa nước mặn về nuôi tôm thẻ chân trắng (tôm thẻ), dẫn đến nguy cơ phá vỡ hệ thống mặn ngọt…

  • “Xử trảm”... vườn dừa

Giá dừa khô ở Bến Tre đang dao động ở mức cao từ 12.000 - 12.500 đồng/trái, dừa hút hàng không đủ bán, vậy nhưng nhiều hộ vẫn thuê cô be chặt hạ vườn dừa một cách không thương tiếc. Mới nghe tưởng như nghịch lý nhưng lại là sự thật.

Chiều 18-9, tại huyện Bình Đại nơi có diện tích phá vườn dừa nuôi tôm thẻ chân trắng nhiều nhất ở Bến Tre, ông Nguyễn Văn Sơn, ở ấp 2, xã Bình Thới, huyện Bình Đại chỉ ra vườn dừa rộng 5 công vừa phá nói, vườn dừa này đã 25 năm tuổi, hàng năm cho trái rất đều, dù không giàu nhưng cũng có tiền để chi tiêu. Tuy nhiên trước hấp lực của tôm thẻ nên đành “xử trảm” vườn dừa, đào ao nuôi tôm thẻ.

Người dân vùng ngọt hóa ở Bến Tre phá vườn dừa nuôi tôm thẻ chân trắng.

Người dân vùng ngọt hóa ở Bến Tre phá vườn dừa nuôi tôm thẻ chân trắng.

Ông Lê Minh Hùng, Bí thư chi bộ ấp 2 thừa nhận: Trồng dừa và nuôi tôm sú là thế mạnh kinh tế của địa phương. Mấy năm qua tôm sú bị nhiễm bệnh chết tràn lan khiến nhiều hộ lỗ te tua. Từ năm 2010 đến nay, người dân chuyển sang nuôi thử nghiệm tôm thẻ chân trắng, không ngờ hiệu quả cao gấp 3 - 4 lần so với tôm sú. Cụ thể như hộ chị Hai Đẹt chỉ có 2,6 công đất, sau 2 vụ nuôi tôm thẻ lời trên 180 triệu đồng.

Bà Nguyễn Thị Nhớ, nuôi 5 công tôm thẻ, chỉ 1 vụ lời 250 triệu đồng; anh Lê Hoàng Vũ nuôi 3 công, 1 vụ lời gần 100 triệu đồng… Do nuôi tôm thẻ trúng đậm nên người dân ào ạt thả nuôi, trong đó có nhiều vườn dừa bị chặt hạ để mở rộng diện tích tôm thẻ.

Theo UBND xã Bình Thới, trong 700 ha tôm của xã có khoảng 30% diện tích từ vườn dừa chuyển sang. Nếu như trước đây tôm sú đóng vai trò chủ lực thì nay tôm thẻ lên ngôi, chiếm vị trí số 1.

Tại xã Định Trung, huyện Bình Đại, phong trào nuôi tôm thẻ cũng đang lên cơn sốt và không ít vườn dừa đã bị phá bỏ. Thống kê mới nhất của UBND xã Định Trung, từ đầu năm 2011 đến nay có 1.360 hộ nuôi tôm với diện tích 641ha, thu lời trên 122 tỷ đồng.

Ông Trần Văn Đức, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Định Trung phân tích: “Ưu thế của tôm thẻ là quay vòng nhanh chỉ hơn 2 tháng/vụ, ít bị bệnh nhờ mới nuôi, giống tốt, rủi ro thấp… trong khi tôm sú đến 5 tháng/vụ, nuôi nhiều năm nên đất bị thoái hóa, bệnh nhiều, giống kém chất lượng dẫn đến thua lỗ”.

  • Tôm thẻ làm đảo lộn quy hoạch vùng ngọt hóa

Tôm thẻ đang giúp người dân xứ biển Bến Tre làm giàu, vì thế không chỉ vùng nước mặn được phép thả nuôi, ngay cả những vùng ngọt hóa thuộc dự án cống đập Ba Lai, nhiều hộ đang “xé rào” nuôi tôm thẻ, bất chấp đây là vùng ngoài quy hoạch?

Dọc các xã Lộc Thuận, Phú Vang, Phú Long, Vang Quới Tây (huyện Bình Đại)… hàng loạt vườn dừa bị chặt hạ. Ông Nguyễn Đình Ái, ở ấp Lộc Thành, xã Lộc Thuận tâm sự: “Chúng tôi biết vùng ngọt hóa không cho nuôi thủy sản nước mặn nhưng cứ dựa mãi vào cây dừa không thể khá được. Và tôm thẻ đang là “cứu cánh” của dân vùng ngọt hóa”.

Chỉ tính riêng xã Lộc Thuận đã có hơn 20ha vườn dừa đã san bằng. Người dân cho biết để nuôi được tôm thẻ phải thuê các cơ sở khoan giếng lấy nước mặn, cộng với chi phí phá vườn dừa, mua tôm giống… tổng cộng trên 600 triệu đồng/ha.

Phó Chủ tịch UBND xã Lộc Thuận, Mai Thiên Phụng thừa nhận: “Cây dừa là kinh tế chính nhưng do tôm thẻ có hiệu quả cao nên nhiều hộ phá dừa, khoan giếng lấy nước mặn nuôi tôm trong vùng ngọt. Điều này sai quy hoạch, trái với định hướng phát triển kinh tế. Nhưng nuôi tôm thẻ lợi nhuận cao gấp hàng chục lần so với trồng dừa làm sao vận động bà con nghe được”.

Về vấn đề này ông Lê Phong Hải, Giám đốc Sở NN-PTNT Bến Tre cho biết: Sau vài vụ nuôi cho thấy tôm thẻ chân trắng đem lại hiệu quả kinh tế rất cao. Dù vậy, tỉnh không khuyến cáo nuôi đại trà, chỉ nên nuôi ở những vùng tập trung, có quy hoạch, được kiểm soát chặt đầu vào đầu ra, bởi tôm thẻ là đối tượng mang một số loại virus nguy hiểm.

Hiện tại, ngành nông nghiệp đang nắm thực tế phát triển loại tôm này ở các huyện để quy hoạch tổng thể diện tích nuôi tôm bao nhiêu là hợp lý, vùng nào nên nuôi, vùng nào không được nuôi… Về cơ bản tôm sú vẫn đóng vai trò chủ lực.

Đối với những hộ tự ý nuôi tôm thẻ trong vùng ngọt hóa, ngành nông nghiệp đã phối hợp với UBND huyện Bình Đại nắm tình hình, vận động người dân không nên khoan giếng lấy nước mặn nuôi tôm, bởi đây là vùng ngọt không thể phát triển tôm thẻ lâu dài được. Cái khó là chưa có quy định nào xử phạt việc nuôi thủy sản nước mặn trong vùng ngọt hóa, cũng chưa có văn bản nghiêm cấm việc phá dừa nuôi tôm thẻ… Vì vậy, ngành chức năng chỉ dừng lại ở mức vận động người dân là chính.

Nếu không nhanh chóng có giải pháp, nguy cơ phá vỡ quy hoạch là khó tránh khỏi. Một khi thủy sản nước mặn lấn át vùng ngọt hóa thì việc sản xuất nông nghiệp ở vùng ngọt sẽ bị xáo trộn. Quan điểm của Sở NN-PTNT Bến Tre, khuyến cáo người dân vùng ngọt hóa làm theo quy hoạch, đừng vì lợi ích trước mắt phá vỡ hệ thống mặn - ngọt sẽ dẫn đến hậu quả khó lường.

“Theo quy hoạch phát triển tôm thẻ chân trắng ở huyện Bình Đại đến năm 2015 khoảng 800 ha; năm 2020 tăng lên 1.000ha. Tuy nhiên, ngay vụ nuôi năm 2011 này người dân đã thả nuôi trên 1.000ha tôm thẻ chân trắng; trong đó có nhiều hộ vùng ngọt hóa phá vườn dừa nuôi tôm thẻ chân trắng. Tại Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang… người dân cũng chạy đua nuôi tôm thẻ chân trắng.

“Vua tôm” Võ Hồng Ngoãn ở Bạc Liêu lưu ý: Phải hết sức thận trọng khi phát triển tôm thẻ chân trắng, bởi thả mật độ quá dầy, tốn nhiều giống, nhiều thức ăn, thuốc, xăng dầu… Điều này cho thấy các nhà sản xuất đầu vào là người có lợi trước tiên. Nếu các tỉnh ùn ùn mở rộng diện tích sẽ dẫn đến thừa nguyên liệu, rớt giá… lúc đó người dân lãnh đủ.

HUỲNH PHƯỚC LỢI

Tin cùng chuyên mục