Đây là một sự cố bất ngờ, trước khi LS V-League 2021 khai mạc, việc này đã được truyền thông đề cập rất nhiều. Khi đó, Than Quảng Ninh đứng trước nguy cơ không thể tham gia thi đấu vì một loạt nhân sự buộc phải rời đội do không nhận được tiền thù lao, trong đó có cả HLV Phạm Thanh Hùng, người gắn bó với đội bóng suốt 5 năm.
Trong khi đó, hiện nay thành tích thi đấu của CLB Than Quảng Ninh tốt hơn nhiều so với kỳ vọng. Họ đang xếp thứ 2 sau 6 vòng đấu dù lực lượng được xem là kém nhất giải. Điều này cho thấy các cầu thủ, những người lao động, đã thể hiện đúng trách nhiệm, thậm chí là nỗ lực hơn cả yêu cầu. Thế nhưng, đáp lại sự cống hiến ấy của họ, là một thái độ chưa làm hết trách nhiệm của những người có trách nhiệm.
Bóng đá và thể thao nói chung, chỉ là một trò chơi. Không ai bị bắt buộc phải tham gia bằng mọi giá, nhưng một khi đã chơi, thì dứt khoát phải tôn trọng luật lệ, quy định để trò chơi diễn ra công bằng và qua đó, đem lại những giá trị có thể đóng góp cho xã hội. Một CLB bóng đá, ở một vài địa phương, có khi còn là mang tính biểu tượng, đóng vai trò kết nối người dân, cũng như quảng bá hình ảnh. Không có đội bóng, cũng không phải là chuyện gì to tát. Nhưng một khi đã có, thì cũng cần phải mang đến những giá trị nhất định. Khi không có khả năng duy trì đội bóng, thì việc giải thể là điều nên làm. Dù có ảnh hưởng đến uy tín của địa phương nhưng vẫn còn tốt hơn tình cảnh như CLB Than Quảng Ninh đang tồn tại.
Dù là một trò chơi, nhưng bóng đá cũng đem lại những câu chuyện liên quan đến cuộc sống xã hội. Ở đó, có chứa đựng các yếu tố công bằng, minh bạch, thái độ fair-play, cống hiến cũng như khát vọng chiến thắng. Không phải tự nhiên mà ngày càng nhiều yếu tố mang tính công nghệ được áp dụng vào bóng đá, đó là cách để giữ cho luật lệ được thực thi chuẩn xác, công bằng trên sân cỏ. Công nghệ càng được áp dụng, thì sẽ giúp cho những “yếu tố con người” như trọng tài, cầu thủ, khán giả, nhà quản lý… cũng phải tự hoàn thiện mình để chấp hành luật chơi một cách đồng bộ.
Rất tiếc là bóng đá và nói rộng hơn, thể thao Việt Nam vẫn đang bộc bộ quá nhiều bất cập ở những “yếu tố con người”. Trong khi các cầu thủ CLB Than Quảng Ninh luôn cố gắng giữ vững thành tích, phong cách chơi bóng suốt nhiều năm qua. Hội CĐV của Than Quảng Ninh cũng hoạt động bài bản, liên tục đoạt giải cổ động xuất sắc từ Liên đoàn Bóng đá Việt Nam, thì thật đáng tiếc khi bộ máy quản lý lại thể hiện sự vô trách nhiệm của mình dù về lý thuyết, họ chính là những người được lợi nhất từ nỗ lực của cầu thủ, CĐV. Bản thân họ chơi không đúng luật, thì làm sao có thể yêu cầu cầu thủ phải chơi tử tế trên sân, không móc ngoặc, cá độ để “kiếm thêm”… Nhà quản lý vô trách nhiệm với phần việc của mình, thì làm sao đòi hỏi trọng tài phải công tâm, người hâm mộ phải cổ vũ văn minh.
Cần phải thực tế rằng, thể thao nói chung và bóng đá Việt Nam nói riêng vẫn còn trong tình trạng bán chuyên nghiệp. Hoạt động kinh doanh hãy còn yếu, không đủ các nguồn lực tài chính để tạo ra một môi trường có tính hiện đại về thiết bị tập luyện và công nghệ cho những khâu liên quan đến chuyên môn. Nhưng cũng chính vì thế, thay vì nghĩ đến chuyện nâng cấp những yếu tố công nghệ, thì cái cần trước mắt lẫn lâu dài vẫn là yếu tố con người. Thay vì đợi công nghệ VAR cho bóng đá, thì cái cần hơn đó là sau mỗi mùa giải sẽ có thêm bao nhiêu trọng tài được tiêu chuẩn FIFA, cầm còi ở các giải quốc tế. Thay vì chờ đợi tiền ngân sách để mua những trang thiết bị tập luyện đắt tiền, thì các nhà quản lý cần linh hoạt hơn trong việc hỗ trợ thu nhập cho VĐV, năng động hơn trong công tác tiếp thị, vận động tài trợ, gây quỹ để đời sống VĐV ổn định, giữ được khát khao nghề nghiệp.
Nói cách khác, một khi đã tham gia thể thao, mọi thành phần từ quản lý đến người hâm mộ, đều cần có ý thức tôn trọng luật chơi. Có như vậy thì chúng ta mới có hy vọng hướng đến một nền thể thao chuyên nghiệp thực thụ trong tương lai.