Sáng nay 20-12, tại Nhà hát Thành phố diễn ra lễ trao tặng Giải thưởng Văn học nghệ thuật TPHCM 5 năm lần đầu tiên. Kể từ nay, đây sẽ là giải thưởng lớn nhất của TPHCM trong lĩnh vực VHNT. Thông qua giải thưởng, các tác phẩm xuất sắc sẽ có cơ hội đến được với công chúng.
Giải thưởng xứng tầm TP
Những ngày đầu tháng 12-2012, khi tìm kiếm trên mạng thông tin Google về cuốn tiểu thuyết Đất thở của nhà văn Thạch Cương (giải khuyến khích), thật bất ngờ khi hầu như không có bất kỳ thông tin gì về cuốn sách này. Chỉ có vỏn vẹn một thông tin rất nhỏ cho biết tác phẩm có tham gia vào Giải thưởng Văn học nghệ thuật (VHNT) TPHCM lần thứ 1. Trong khi đó, tiểu thuyết Đất thở được đánh giá cao về mặt văn học, nhà phê bình Lê Quang Trang, Chủ tịch Hội Nhà văn TPHCM, đã cho rằng đây là một tiểu thuyết hay trong việc miêu tả đời sống, phân tích tâm lý, lấy đối thoại khắc họa tính cách nhân vật với nhịp văn chậm, kỹ lưỡng, tỉ mỉ.
Văn học được xem là loại hình nghệ thuật tương đối dễ phổ biến đến bạn đọc nhưng còn để lọt tác phẩm hay như vậy thì những loại hình nghệ thuật khác đòi hỏi chi phí thực hiện lớn như sân khấu, kiến trúc, điện ảnh, mọi chuyện còn khó hơn. Xã hội hóa nghệ thuật tuy góp phần không nhỏ vào việc phổ biến tác phẩm nhưng do ảnh hưởng của yếu tố kinh tế thị trường nên thực tế giá trị đóng góp về mặt nghệ thuật không cao. Thậm chí, còn dẫn đến tình trạng nhập nhèm giữa tác phẩm ăn khách nhờ quảng bá, chiêu trò giật gân và những tác phẩm hay, có giá trị lớn.
Nhu cầu có một giải thưởng có tầm vóc lớn, một mặt là để đánh giá, tôn vinh những tác phẩm thật sự xuất sắc, có giá trị nghệ thuật cao, mặt khác còn là sự khích lệ lớn lao đối với lao động của văn nghệ sĩ TP trong việc sáng tạo những giá trị tinh thần, đáp ứng nhiệm vụ chính trị cũng như nhu cầu thưởng thức cái đẹp của nhân dân.
Chính trong bối cảnh đó, Giải thưởng VHNT TPHCM ra đời. Ban đầu giải dự tính tổ chức 2 năm một lần, tuy nhiên do nhiều tác phẩm cần thời gian sáng tác dài (như kiến trúc, điện ảnh, hội họa…), mặt khác cũng cần có độ lùi để đánh giá đúng giá trị tác phẩm nên giải chính thức được tổ chức 5 năm một lần. Giải đầu tiên sẽ trao cho các tác phẩm sáng tác trong giai đoạn 2006-2011.
Đưa tác phẩm đến bạn đọc
GS-NS Ca Lê Thuần, Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Liên hiệp Các hội VHNT TPHCM, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng xét giải, cho biết: “Ngoài yếu tố khích lệ người sáng tác, điều quan trọng nhất của giải thưởng này là góp phần đưa các tác phẩm VHNT có giá trị nghệ thuật cao đến với quảng đại quần chúng”.
TPHCM được xem là một trong các trung tâm văn hóa kinh tế của cả nước. Với mục tiêu nâng cao mặt bằng hưởng thụ văn hóa, lãnh đạo TP đã hết sức quan tâm đến việc đầu tư cho VHNT bằng nhiều hình thức. Tuy nhiên, khi có sự đầu tư của nhà nước, lại nảy sinh câu hỏi: đầu tư cho cái gì?
Trước nay, việc lựa chọn tác phẩm để đầu tư dễ tạo dư luận do quan điểm khác nhau trong đánh giá. Thậm chí, không ít lần có những tác phẩm được tài trợ nhận “tiếng ong, tiếng ve” rằng được tài trợ do quen biết, do nổi tiếng… Với Giải thưởng VHNT TPHCM, việc đầu tư để phổ biến các tác phẩm đã có một lựa chọn rõ ràng. Các tác phẩm đoạt giải đã được lựa chọn khắt khe, từ các hội chuyên ngành, tác phẩm được chuyển lên ban chung khảo với sự tham dự từ lãnh đạo TP đến các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực VHNT, đảm bảo sự đánh giá khách quan về tác phẩm.
Và trong suốt 5 năm kể từ ngày được trao giải, các tác phẩm sẽ được TP tập trung đầu tư để xuất bản, tổ chức biểu diễn, triển lãm, trình chiếu… với quy mô rộng nhằm đưa đến người dân TP những tác phẩm có giá trị nghệ thuật thực sự, góp phần nâng cao thị hiếu cảm thụ VHNT của nhân dân TPHCM.
| |
Tường Vy