(SGGP).- Ngày 13-10, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã gặp mặt 129 doanh nhân tiêu biểu TPHCM. Tại buổi gặp gỡ, đại diện cho các doanh nhân cũng đã báo cáo với Tổng Bí thư những thành tích đã đạt được, đồng thời bày tỏ những khó khăn, thách thức mà cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải đối mặt trong thời gian tới, nhất là khi Việt Nam ký kết hàng loạt hiệp định thương mại với nhiều nước trên thế giới.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhận hoa của đại diện doanh nhân tiêu biểu TPHCM (Ảnh: CAO THĂNG)
Báo cáo về tình hình hoạt động của các doanh nghiệp tại TPHCM, đồng chí Lê Hoàng Quân, Chủ tịch UBND TPHCM cho biết, thành phố có 140.000 doanh nghiệp và 250.000 cơ sở kinh doanh, hộ cá thể đang hoạt động. Trong thời gian qua, thành phố đã tạo mọi điều kiện thuận lợi để doanh nhân hoạt động và phát triển.
Ông Huỳnh Văn Minh, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM cho biết, với 129 doanh nghiệp có mặt tại buổi gặp gỡ, chỉ tính trong năm 2014 và 6 tháng đầu năm 2015, đã tạo ra tổng doanh thu 650.000 tỷ đồng, đóng góp ngân sách trên 21.000 tỷ đồng. Trong đó, đóng thuế trên 18.000 tỷ đồng, đóng bảo hiểm trên 3.000 tỷ đồng. Đặc biệt, các doanh nghiệp đóng góp xã hội từ thiện trên 400 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong bối cảnh hội nhập sâu, rộng, nhất là khi Việt Nam đã và đang ký hàng loạt hiệp định thương mại, sức ép cạnh tranh của doanh nghiệp nội với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài rất lớn. Ông Diệp Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Liên hiệp Hợp tác xã thương mại TPHCM (Saigon Co.op) cho biết, liên hiệp có tất cả 77 siêu thị trải rộng 39 tỉnh thành 300 cửa hàng Co.op food và 4 trung tâm thương mại hiện đại, phục vụ 80 triệu lượt người/năm. Hiện đơn vị đang chiếm 51% thị phần thị trường bán lẻ tại Việt Nam. Thế nhưng, tỷ lệ này rất khó giữ vững trong thời gian tới khi hàng loạt nhà bán lẻ ngoại tràn vào Việt Nam. Trên thực tế, cùng với việc Việt Nam gia nhập hàng loạt hiệp định thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu thì ngược lại, nước ta cũng phải mở cửa thị trường cho doanh nghiệp ngoại vào đầu tư. Điều này đã tạo sức ép cạnh tranh rất lớn đối với các doanh nghiệp trong nước. Riêng trong lĩnh vực của đơn vị, rất nhiều tập đoàn bán lẻ nước ngoài có nguồn vốn lớn, thị phần lớn, nhà cung cấp phong phú đang ồ ạt đầu tư tại Việt Nam. Do đó, cần có chính sách hỗ trợ mạnh để giữ vững thị trường bán lẻ cũng như hệ thống sản xuất cho doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gặp mặt doanh nhân tiêu biểu TPHCM (Ảnh: CAO THĂNG)
Cùng chung lo ngại trên, bà Nguyễn Thị Kim Yến, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Nhựa Bình Minh nhấn mạnh, trải qua hơn 11 năm thực hiện cổ phần hóa, công ty đã phát triển mạnh từ nhà máy sản xuất nhỏ trở thành một trong những công ty cung ứng sản phẩm nhựa xây dựng lớn nhất Việt Nam với 4 nhà máy trải dài từ Bắc vào Nam. Thế nhưng, công ty không khỏi lo ngại, bởi hiện có rất nhiều công ty ngoại với ưu thế vốn mạnh, các công ty có vốn đầu tư nước ngoài đang mạnh dạn đầu tư nhà máy sản xuất nguyên phụ liệu - một trong những yếu điểm mà doanh nghiệp nội không thể khắc phục. Điều này sẽ tạo bất lợi cho doanh nghiệp nội về giá thành cạnh tranh do phải phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu. Điều đáng lo ngại hơn là hiện đang có nhiều doanh nghiệp ngoại có tham vọng thâu tóm và nắm quyền điều hành của công ty trong khi khả năng chống đỡ của các công ty nội nói chung lại rất yếu. Do vậy, để hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam phát triển, tận dụng lợi thế của hội nhập, nhất thiết các cơ quan chức năng cần phải tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển thương hiệu quốc gia. Ông Trịnh Tiến Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Cơ khí Đại Dũng, nhấn mạnh thêm, để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp nội cần đẩy mạnh tập trung hỗ trợ vốn để doanh nghiệp cải tạo công nghệ sản xuất, tạo điều kiện doanh nghiệp đầu tư lớn; có chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp đầu tư nhà máy sản xuất nguyên liệu. Đặc biệt, đầu tư cải tạo hạ tầng hệ thống giao thông, cầu đường, thủ tục hành chính để giảm thời gian, giảm chi phí sản xuất cho doanh nghiệp.
Chia sẻ những khó khăn cũng như ghi nhận những nỗ lực của đội ngũ doanh nhân Việt Nam nói chung và cộng đồng doanh nhân TPHCM nói riêng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng biểu dương các doanh nghiệp Việt Nam đang chiến đấu kiên cường trên mặt trận sản xuất và ngày càng khẳng định vị thế của mình trên thị trường thế giới. Tuy nhiên, con đường đi trước mắt còn dài, nhiệm vụ còn nặng nề, nhất là khi doanh nhân Việt Nam còn đang phải hoạt động trong điều kiện thủ tục hành chính, cơ chế chính sách phiền hà, lợi ích nhóm còn nhiều. Nội lực cạnh tranh còn nhiều hạn chế trong khi các doanh nghiệp ngoại có vốn lớn, sức mạnh và đã tham gia vào kinh tế thị trường từ rất lâu.
Tuy nhiên, Đảng và Chính phủ đánh giá ngày càng cao vai trò của doanh nhân, doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh nước ta đang đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng như hiện nay. Doanh nhân là lực lượng nòng cốt tạo công ăn việc làm, của cải vật chất. Do vậy, về phía Đảng và Chính phủ sẽ cố gắng hỗ trợ, tạo mọi điều kiện để doanh nhân, doanh nghiệp phát triển, từng bước nâng cao năng lực và vị thế của mình trên thị trường trong nước và quốc tế. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vui mừng ghi nhận, chưa bao giờ trong lịch sử nước ta lại có đội ngũ doanh nhân đông đảo và hùng hậu như hiện nay. Không chỉ trong nước mà đội ngũ doanh nhân còn mở rộng kinh doanh ra nước ngoài. Nội lực của ta còn yếu nhưng điều quan trọng doanh nhân cần cố gắng để càng làm càng có kinh nghiệm, càng có bản lĩnh và sẽ từng bước trưởng thành hơn trong thời gian tới.
ÁI VÂN