
Vì vậy, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau yêu cầu các chủ đầu tư nâng cao trách nhiệm, tập trung tháo gỡ khó khăn về nguồn cung cấp vật liệu xây dựng, giải phóng mặt bằng, khâu xác định giá đất để làm cơ sở thu hồi đất. Đồng thời, kiên quyết xử lý nhà thầu năng lực yếu kém, sẽ kiểm điểm trách nhiệm chủ đầu tư nếu giải ngân không đạt kế hoạch đề ra.

Theo Sở Tài chính, tổng kế hoạch vốn đầu tư công năm 2025 (bao gồm kế hoạch vốn năm 2024 chuyển sang) của tỉnh Cà Mau là 12.005 tỷ đồng. Tính đến ngày 30-6, đã giải ngân đạt 3.110 tỷ đồng, gần 26% kế hoạch vốn (cùng kỳ năm 2024 giải ngân 2.384 tỷ đồng, gần 27% kế hoạch vốn). Qua tổng hợp, trong tổng số 41 chủ đầu tư được giao kế hoạch vốn năm 2025 (không bao gồm cấp xã), có 24 chủ đầu tư có tỷ lệ giải ngân trên mức trung bình của tỉnh trong 6 tháng đầu năm 2025, 17 chủ đầu tư có tỷ lệ giải ngân dưới mức trung bình của tỉnh (trong đó có 6 chưa giải ngân).
Theo Phó Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Cà Mau Trần Công Khanh, bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2025 có những khó khăn, vướng mắc như: Nguồn cung cấp đá xây dựng hiện tại khan hiếm, giá bán tăng cao so với dự toán được duyệt, ảnh hưởng lớn đến tiến độ thi công các gói thầu. Việc lựa chọn các đơn vị tư vấn thẩm định giá cho thiết bị y tế, giáo dục; tư vấn lập định mức nhiều đơn vị tư vấn từ chối thực hiện do ngại thẩm định, giá trị lớn, phức tạp, nên tiến độ triển khai các gói thầu này bị ảnh hưởng. Năng lực một số nhà thầu không đáp ứng tiếp tục triển khai các gói thầu đang thực hiện.