Tổng diễn tập ứng phó sóng thần tại Đà Nẵng: Cần nâng cấp mọi mặt

Như thật!
Tổng diễn tập ứng phó sóng thần tại Đà Nẵng: Cần nâng cấp mọi mặt

Sáng 18-10, tại khu vực phường Thọ Quang, Mân Thái (quận Sơn Trà, Đà Nẵng), cuộc tổng diễn tập ứng phó với sóng thần và tìm kiếm cứu nạn trên biển có quy mô lớn nhất từ trước đến nay đã diễn ra. Thời tiết mưa lớn cộng với gió to, sóng lớn… đã làm cho buổi diễn tập y như thật. Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đến dự và chỉ đạo diễn tập.

Tổ chức ứng cứu người bị nạn do sóng thần gây ra. Ảnh: Nguyễn Hùng

Tổ chức ứng cứu người bị nạn do sóng thần gây ra. Ảnh: Nguyễn Hùng

< font="">

Như thật!

Từ sáng sớm, dù trời mưa to nhưng hàng ngàn người dân ven biển quận Sơn Trà, Liên Chiểu, Hải Châu, Ngũ Hành Sơn đã tập trung về bãi biển thuộc phường Thọ Quang (Sơn Trà) để chứng kiến buổi diễn tập ứng phó với sóng thần. Cuộc diễn tập có sự tham gia của 6.644 người gồm lãnh đạo các cơ quan Trung ương, Quân khu 5, Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão 15 tỉnh, thành ven biển và lực lượng hải quân, công an, bộ đội biên phòng, cảnh sát biển, Trung tâm ứng phó sự cố tràn dầu, cảnh sát phòng cháy chữa cháy, lực lượng dân phòng cùng đông đảo giáo viên, học sinh và nhân dân Đà Nẵng.

Ngoài ra, đợt diễn tập cũng huy động 2 máy bay trực thăng, 7 tàu hải quân, 45 thuyền các loại, 12 ca nô, 18 xe tải, 24 xe con, 50 xe chuyên dụng như: cứu hỏa, cứu thương, xe thông tin, xe cẩu... và 137 xe mô tô.

Tình huống giả định, lúc 8 giờ 5 phút ngày 18-10, TP Đà Nẵng nhận được thông báo của Trung tâm Báo tin động đất: Lúc 7 giờ 55 phút cùng ngày, tại khu vực 17,50 vĩ Bắc – 119,10 kinh Đông (phía Tây đảo LuZông, Philippines), xảy ra trận động đất với cường độ 8,8 độ richter gây thiệt hại lớn đảo này, nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp vùng biển miền Trung. Dự kiến, sau 2,5 đến 3 giờ sóng thần sẽ đến bờ biển Đà Nẵng với độ cao khoảng 6m.

Với độ cao của sóng thần như trên, bắt buộc phải sơ tán 27.230 hộ dân/133.529 nhân khẩu thuộc 20 xã, phường của 5 quận, huyện ven biển ở miền Trung. Thời điểm này, có 6.500 khách du lịch trong và ngoài nước đang nghỉ ngơi, vui chơi khu vực ven biển. Có khoảng 75 tàu thuyền/910 lao động đang hoạt động đánh bắt và 45 chiếc đang neo đậu trong cảng, ven bờ, dọc các cửa sông…

Ban chỉ đạo quyết định huy động tổng lực cùng nhiều phương tiện để tổ chức thông báo, tiến hành sơ tán người dân và du khách đến nơi an toàn, đồng thời tổ chức ứng cứu những tàu thuyền đang ở trên biển. Đưa người dân ven biển vào sâu trong đất liền từ 1 - 1,5km, hoặc lên độ cao 10m ở các nhà cao tầng và núi Sơn Trà. Dùng xe ô tô, xe máy cùng với loa để xuống tận từng hộ dân thông báo, trên biển dùng thuyền, ca nô với còi hụ liên hồi… Vì vậy, chỉ trong vòng 7 phút (8 giờ 10 đến 8 giờ 17 phút) đã cơ bản sơ tán người dân và du khách đến nơi an toàn.

Sóng thần kết thúc, tiếp tục huy động tổng nguồn lực để khắc phục hậu quả, tổ chức tìm kiếm người mất tích, cứu chữa người bị thương, mai táng người chết. Bố trí nơi ở tạm cho những người mất nhà cửa; cung cấp lương thực, nhu yếu phẩm cần thiết cho người bị thiệt hại...

Học hỏi kinh nghiệm từ các nước

Chiều cùng ngày, Ban chỉ đạo ST-11 đã tổ chức rút kinh nghiệm buổi diễn tập. Trước hết, cuộc diễn tập nhằm kiểm tra, hoàn thiện hệ thống quan trắc tiếp nhận, xử lý thông tin và truyền tin, phát tin cảnh cáo, báo động sóng thần trên địa bàn TP Đà Nẵng. Đồng thời, nâng cao năng lực chỉ đạo điều hành, huy động sức mạnh tổng hợp theo phương châm 4 tại chỗ (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, vật tư phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ) cho công tác ứng phó và tìm kiếm cứu nạn và nâng cao nhận thức cho cộng đồng dân cư có ý thức phòng tránh, sẵn sàng ứng phó khi sóng thần xảy ra.

Phó Tư lệnh Quân khu 5, Nguyễn Quy Nhơn, cho rằng: “Chúng ta lo tất cả các khâu mà chưa nghĩ đến vấn đề an ninh trước, trong và sau khi sóng thần ập đến. Điều này cũng không kém phần quan trọng so với cứu người. Trong quá trình sơ tán nhân dân vẫn còn một bộ phận thực hành chưa thật sự sát với thực tế, hành động chưa khẩn trương, nghiêm túc, lực lượng nhân dân sơ tán hầu hết không mang theo những vật dụng cần thiết. Điều này sẽ rất nguy hiểm khi có sóng thần xảy ra thật”.

Đại diện Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn nhấn mạnh, trước tình hình biến đổi khí hậu toàn cầu như hiện nay thì động đất, sóng thần xảy ra ở Việt Nam là rất có thể. Cần nghiên cứu cách truyền tin, xử lý thông tin và phát thông tin cảnh báo đến người dân sao cho thật nhanh chóng và hiệu quả. Ngay từ bây giờ, các địa phương ven biển cần xây dựng những địa điểm cụ thể để sơ tán dân khi có sóng thần xảy ra. Nếu không, đến lúc đó người dân sẽ lúng túng và hoảng loạn vì không biết nơi nào là an toàn.

>> Một số hình ảnh của buổi diễn tập:

Lực lượng không quân dùng máy bay trực thăng hỗ trợ để đưa những ngư dân còn trên tàu vào bờ

Lực lượng không quân dùng máy bay trực thăng hỗ trợ để đưa những ngư dân còn trên tàu vào bờ

Nét mặt đau khổ khi mất người thân trong đợt sóng thần

Nét mặt đau khổ khi mất người thân trong đợt sóng thần

Tổng diễn tập ứng phó sóng thần tại Đà Nẵng: Cần nâng cấp mọi mặt ảnh 4

Lực lượng hải quân tiếp tục tìm kiếm người mất tích trên biển

Đưa người bị thương đi cấp cứu

Đưa người bị thương đi cấp cứu

Trên bờ, xe cấp cứu sẵn sàng đưa người bị thương đi cấp cứu

Trên bờ, xe cấp cứu sẵn sàng đưa người bị thương đi cấp cứu

Nguyễn Hùng

Tin cùng chuyên mục