Đến tháng 3-2016, TPHCM đã đưa 177 người nghiện ma túy có nơi cư trú trên địa bàn TP đi cai nghiện bắt buộc. Sau hơn 2 năm bế tắc, đây là những người đầu tiên trong tổng số 11.953 người nghiện ma túy có hộ khẩu TP được cai nghiện bắt buộc. “TP đã làm tạm ổn đối với người nghiện ma túy không có nơi cư trú. Bây giờ là lúc tập trung cai nghiện cho người có nơi cư trú”, ông Trần Ngọc Du, Chi cục trưởng Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội TPHCM cho hay.
Hỗ trợ cắt cơn 1.260.000 đồng/người
Sở dĩ mới có 177 người là bởi hành trình đến với trung tâm cai nghiện của người nghiện ma túy có nơi cư trú phải đi “đường vòng”. Trước đó, 11 tháng đầu năm 2014, TP không đưa được người nghiện ma túy nào vào các trung tâm. Từ tháng 12-2014 và cả năm 2015, TP tập trung đưa người nghiện ma túy không có nơi cư trú vào cơ sở xã hội. Trong lúc đó, một hình thức cai nghiện ma túy khác được áp dụng đối với người nghiện ma túy có nơi cư trú: cai nghiện tại gia đình và cộng đồng (theo Nghị định 94/2010), thời gian 6 tháng. Theo quy định, chỉ sau khi cai nghiện tại gia đình, tại cộng đồng hoặc đã giáo dục tại phường, xã, thị trấn (cùng thời gian 6 tháng) mà vẫn còn nghiện, lúc đó mới áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc đối với người nghiện ma túy có nơi cư trú. Và 177 người nghiện ma túy nói trên là những người đầu tiên tái nghiện đã được đưa vào trung tâm.
Nhằm thu hút người nghiện ma túy tham gia cai nghiện tại gia đình, cộng đồng, từ năm 2016, TP hỗ trợ chi phí cắt cơn giải độc 1.260.000 đồng cho mỗi người nghiện ma túy có nơi cư trú. Hiện nay, các trạm y tế xã, phường, thị trấn không đảm bảo yêu cầu thực hiện cắt cơn giải độc theo quy định và từ năm 2016, TP đã đưa ra biện pháp cấp bách là đưa người nghiện ma túy đến 5 cơ sở và trung tâm để cắt cơn, giải độc trong vòng 15 ngày. Sau đó, người nghiện ma túy được bàn giao cho gia đình, địa phương. Nhờ sự hỗ trợ về địa điểm và kinh phí như trên, tại quận Bình Thạnh đã có 244 người tham gia cai nghiện tại gia đình, cộng đồng, chiếm gần 100% số người nghiện ma túy có nơi cư trú được thống kê ở quận. Tương tự, tại các quận, huyện khác, số người tham gia cai nghiện tại gia đình và cộng đồng bắt đầu tăng; trên toàn TP, tổng số là 841 người.
Học viên ở cơ sở cai nghiện học nghề.
Bỏ nơi cư trú sau khi nghe quyết định của tòa
Đây là nỗi lo ngại lớn nhất của các quận, huyện khi đưa người nghiện ma túy có nơi cư trú vào trung tâm cai nghiện. Tại quận Bình Thạnh, ông Nguyễn Văn Ngọc, Phó Trưởng phòng LĐTB-XH quận, cho biết địa phương có 5 trường hợp tòa án ban hành quyết định áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc, thì sau đó 4 người đã… đi khỏi nơi cư trú. Đến ngày 14-3, quận mới vận động được trường hợp đầu tiên là anh L.Q.C. (ngụ phường 15) thực hiện quyết định của tòa là đến trung tâm cai nghiện. Theo ông Nguyễn Văn Ngọc, quy định hiện nay, sau khi tòa có quyết định, người bị đề nghị có 3 ngày để khiếu nại. Trong 3 ngày đó, họ được gia đình quản lý, chăm sóc. Và sau 3 ngày, quyết định của tòa mới có hiệu lực, người nghiện ma túy được đưa vào trung tâm cai nghiện. “3 ngày chờ đợi như thế này rất căng với quận. Tòa vừa đưa ra phán quyết, người bị đề nghị liền nhảy lên xe liên tỉnh đi mất, địa phương biết đâu mà tìm. Sau khi tòa có quyết định thì nên đưa người nghiện ma túy đi ngay tới cơ sở cai nghiện”, ông Nguyễn Văn Ngọc đề xuất.
Bên cạnh đó, còn có thêm 2 trở ngại khác. Theo Phòng LĐTB-XH quận 7, trường hợp đầu tiên của quận, quận phải cử riêng xe và người (gồm tài xế, chuyên trách, người bảo vệ) đưa người nghiện ma túy đến trung tâm cai nghiện ở xa TP cả trăm kilômét. Không những tốn kém mấy triệu đồng mới đưa được 1 người nghiện ma túy đi, vấn đề quan trọng là tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn. Sau khi cắt cơn, giải độc 15 ngày và tham gia cai nghiện tại gia đình, cộng đồng 6 tháng, người tái nghiện mới đưa sang tòa án xem xét quyết định đưa đi cai nghiện bắt buộc. Lúc này, người tái nghiện ma túy chưa được tổ chức cắt cơn nghiện (cắt cơn cho lần tái nghiện); điều này dẫn đến nguy cơ không đảm bảo an toàn trên đường đi (trong khi đó, người nghiện ma túy không có nơi cư trú ổn định đã được cắt cơn tại cơ sở xã hội trước khi đi cai nghiện bắt buộc).
Với những trường hợp này, hiện nay các cơ sở cai nghiện bắt buộc sẽ cắt cơn cho người tái nghiện ngay tại phòng y tế của cơ sở. Để quy trình được chặt chẽ, ông Trần Ngọc Du cho biết, TP kiến nghị Trung ương cho cơ chế giống như đối với người nghiện ma túy không có nơi cư trú; Sở LĐTB-XH cũng đang đề nghị TP dành riêng một cơ sở chuyên tiếp nhận người nghiện ma túy có nơi cư trú để cắt cơn giải độc cho họ trước khi vào trung tâm cai nghiện. TPHCM cũng kiến nghị Trung ương rút ngắn thời gian cai nghiện tại gia đình, tại cộng đồng và giáo dục tại phường, xã, thị trấn từ 6 tháng xuống 3 tháng, để sau khi trải qua các chương trình trên mà vẫn tái sử dụng ma túy thì có thời gian nhanh nhất đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.
| |
ĐƯỜNG LOAN