Hàng loạt tuyến kè trọng điểm chống sạt lở, chỉnh trang đô thị… ở TP Cần Thơ đang trong tình trạng ì ạch khiến người dân bức xúc. Đặc biệt, một số công trình có vốn sửa chữa gấp nhiều lần kinh phí đầu tư, chưa khánh thành đã trôi xuống sông; thời hạn thi công 2 năm nhưng làm 9 năm mới xong… giai đoạn 1, gây lãng phí, thiệt hại rất lớn.
Đội vốn nhiều tỷ đồng
4 năm sau khi xảy ra sự cố sạt lở, gần 300m bờ kè tại thị trấn Phong Điền, huyện Phong Điền, TP Cần Thơ vẫn còn nằm dưới sông, chưa được khắc phục, sửa chữa. Dự án này được khởi động từ năm 1997 nhưng không có vốn. Mãi đến năm 2004 dự án mới được khởi động lại với chiều dài 739m, vốn đầu tư 13 tỷ đồng. Tháng 2-2007, vẫn còn một số hạng mục chưa hoàn chỉnh.
Trong khi công trình chưa được tổng nghiệm thu đã bị trôi xuống sông gần phân nửa. Kinh phí khắc phục hậu quả sự cố này rất lớn. Trong đó, ngân sách nhà nước phải chi gần 60 tỷ đồng để di dời dân sống cặp bờ kè Phong Điền khỏi khu vực sạt lở nguy hiểm. Thế nhưng, đến nay 147 hộ dân thuộc diện di dời khẩn cấp vẫn ở trên khu vực nguy hiểm. Trong khi đó, các hộ dân cho rằng họ phải chờ khu tái định cư hoàn tất cơ sở hạ tầng mới vào ở.
Ông Nguyễn Văn Dúng, một trong những hộ dân phải di dời, cho biết: “Chủ đầu tư khu tái định cư yêu cầu nộp tiền mua nền nhưng phải mất một năm sau mới có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên người dân chưa đồng ý”.
Dự án nạo vét và xây dựng kè rạch Khai Luông được UBND tỉnh Cần Thơ (cũ) phê duyệt năm 2002 với tổng mức đầu tư 32,3 tỷ đồng. Việc xây dựng bờ kè tả rạch Khai Luông do Công ty Nông súc sản xuất khẩu Cần Thơ (CATACO) trúng thầu với giá 9,4 tỷ đồng, khởi công vào ngày 28-7-2004. Chỉ sau hơn 3 tháng thi công, các đơn vị liên quan đã phát hiện có sự cố nhưng vẫn để tiếp tục thi công. Hậu quả là nhà thầu đã hoàn thành toàn bộ tường kè nhưng khối lượng công trình còn lại như: mái kè, cống thoát nước, hệ thống đèn trang trí... không thể tiếp tục thi công.
Theo Ban Quản lý dự án quận Ninh Kiều, nguyên nhân là do bờ tường kè bị hổng chân, cao trình mặt đất tự nhiên thấp hơn cao trình đáy tường kè từ 1 - 4m.
Để khắc phục sự cố, UBND TP Cần Thơ phải điều chỉnh bổ sung tổng dự toán thực hiện dự án lên đến hơn 68 tỷ đồng, tăng hơn gấp đôi so với ban đầu. Đến thời điểm này, khi việc khắc phục sự cố hổng chân kè chưa hoàn tất vẫn chưa có đơn vị, cá nhân nào bị xử lý trách nhiệm.
Chưa tái định cư đã... hết tiền
Dự án xây dựng tuyến kè Xóm Chài cặp sông Cần Thơ (phía quận Cái Răng) là một trong những công trình dẫn đầu về sự ì ạch. Đến nay, sau hơn 9 năm kể từ ngày khởi công, dự án chỉ mới hoàn thành… giai đoạn 1. Theo thiết kế, dự án bao gồm tuyến kè dài 2.306 m, 5 cầu tàu, đường giao thông sau kè, hệ thống chiếu sáng công cộng và 10,4 ha công viên cây xanh... với tổng mức đầu tư 171,53 tỷ đồng.
Đây là một điển hình thực hiện dự án theo quy trình ngược. Dự án được phê duyệt và thực hiện từ năm 2001, nhưng đến năm 2004 mới xây dựng khu tái định cư và tháng 5-2006, UBND TP Cần Thơ mới có quyết định phê duyệt kinh phí bồi thường thiệt hại, hỗ trợ và tái định cư cho 358 hộ dân bị ảnh hưởng. Đây là nguyên nhân chính gây nhiều bức xúc cho người dân và làm chậm tiến độ thực hiện dự án (tạm ngưng 2 năm vì không có mặt bằng)…
Cụ thể, tháng 9-2005, UBND TP Cần Thơ phải điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án từ 171,53 tỷ đồng lên 351,49 tỷ đồng, tăng hơn 2 lần so với dự toán ban đầu… Hiện nay nhiều nơi mặt đất thấp hơn mặt tường kè 0,5 - 0,6m, cỏ dại mọc đầy trên phần đất xây dựng công viên bờ sông, một số khu vực bị người dân tái lấn chiếm buôn bán, tập kết vật liệu xây dựng…
Trong khi đó, công trình trọng điểm khác là kè sông Cần Thơ cũng đang đối mặt nhiều khó khăn, chậm trễ. Dự án được phê duyệt năm 2007, khởi công vào tháng 5-2010 với tổng chiều dài hơn 10km thuộc địa bàn 2 quận Ninh Kiều và Cái Răng, tổng vốn đầu tư 711 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2011. Hiện nay, việc giải phóng mặt bằng, bố trí tái định cư chậm gây ảnh hưởng đến tiến độ công trình.
Với công trình trên, khó khăn nhất vẫn là nguồn vốn. Ông Nguyễn Chí Hùng, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng TP Cần Thơ, cho biết: “Nguồn vốn xây dựng bờ kè sông Cần Thơ năm 2011 đến nay đã giải ngân hết. Hiện chủ đầu tư còn nợ các nhà thầu hơn 30 tỷ đồng. Một số hồ sơ bồi thường hoàn tất nhưng nguồn vốn bố trí không đủ, chưa kịp thời ảnh hưởng đến việc chi trả cho dân, chậm bàn giao mặt bằng thi công”. Trước tình trạng trượt giá vật tư, chi phí xây dựng… cộng với thực trạng ì ạch, chủ đầu tư đang xin chủ trương nâng tổng mức đầu tư dự án lên đến 1.900 tỷ đồng, gấp hơn 2,5 lần so với ban đầu…
BÌNH ĐẠI