TP Hồ Chí Minh: Không để người nghèo không có tết

Chăm lo tết cho người nghèo, gia đình chính sách đã trở thành việc làm thường xuyên của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TPHCM. Nghĩa cử tốt đẹp đó không dừng ở chăm lo về vật chất mà còn có đồng cảm, sẻ chia tinh thần, để mang hơi ấm mùa xuân đến với mỗi gia đình ở thành phố. 

Trao đổi với PV Báo SGGP, đồng chí Trần Kim Yến, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM, nhấn mạnh: Thành phố sẽ vận dụng tất cả kế hoạch, chương trình, phối hợp các đơn vị để chăm lo Tết Giáp Thìn 2024 các đối tượng một cách đủ đầy, nghiêm túc.

k1a-5997.jpg
Đồng chí Trần Kim Yến, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM

PHÓNG VIÊN: Tết đến, với người nghèo, người có thu nhập thấp luôn là nỗi lo. Thưa đồng chí, kế hoạch chăm lo tết của TPHCM năm nay sẽ có điểm gì đặc biệt?

* Đồng chí TRẦN KIM YẾN: Để chuẩn bị cho hoạt động chăm lo Tết Giáp Thìn 2024, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM đã chủ động xây dựng kế hoạch, tham mưu cho Thường trực Thành ủy TPHCM triển khai kế hoạch chăm lo tết gồm nhiều hoạt động và nội dung phong phú với chủ đề “Xuân đoàn kết - Tết nghĩa tình”.

Cụ thể, thành phố sẽ thăm, tặng quà tết cho Mẹ Việt Nam anh hùng, thương binh đặc biệt nặng, thương binh nặng có hoàn cảnh khó khăn; đồng bào các dân tộc thiểu số, văn nghệ sĩ, trẻ mồ côi, người khuyết tật khó khăn; thăm, tặng quà tết cho hơn 2.000 hộ dân có đất thuộc các dự án bị thu hồi, giải tỏa bị ảnh hưởng dịch Covid-19 và hơn 17.000 hộ cận nghèo của thành phố bị ảnh hưởng dịch Covid-19.

Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố phối hợp với Sở LĐTB-XH TPHCM, Thành đoàn TPHCM tổ chức chương trình “Xuân yêu thương” cho các em thiếu nhi có hoàn cảnh đặc biệt tại các trung tâm bảo trợ xã hội và con em thanh niên công nhân tại các khu lưu trú có hoàn cảnh khó khăn; thăm, tặng quà tết cho gia đình cán bộ, chiến sĩ các đơn vị lực lượng vũ trang có hoàn cảnh khó khăn… Ngoài ra, tổ chức siêu thị mini 0 đồng ở 6 cụm trên địa bàn thành phố để người dân khó khăn đến mua món hàng mình cần với giá 0 đồng.

Đến nay, hệ thống MTTQ các quận, huyện, phường, xã, thị trấn đều đã chủ động triển khai phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội cùng cấp vận động các nguồn lực tại địa phương để tổ chức các hoạt động chăm lo tết ý nghĩa, thiết thực.

* Các hoạt động chăm lo của thành phố sẽ bao phủ hết đối tượng là người khó khăn, yếu thế, người dễ bị tổn thương?

* Không chỉ hệ thống MTTQ thành phố, các tổ chức chính trị - xã hội, mà TP Thủ Đức cùng các quận huyện đều đã có kế hoạch chăm lo tết của địa phương. Dự kiến, MTTQ các cấp dành khoảng 150 tỷ đồng để chăm lo cho người có hoàn cảnh khó khăn. Mặt trận sẽ phối hợp với chính quyền và đoàn thể tại địa phương để có bước rà soát, nắm đúng đối tượng, từ đó xây dựng kế hoạch chăm lo đầy đủ, không bỏ sót đối tượng.

Với trường hợp phát sinh sẽ sử dụng nhiều nguồn khác để chăm lo, kể cả từ nguồn Quỹ An sinh xã hội TPHCM vừa được hình thành, đúng phương châm không để ai bị bỏ lại phía sau và tết đến với mọi người, mọi nhà.

* Đồng chí có thể nói rõ hơn về cơ chế hoạt động và đối tượng chăm lo của Quỹ An sinh xã hội TPHCM?

* Quỹ An sinh xã hội TPHCM vừa được thành lập trên cơ sở kế thừa, chuyển tiếp từ Trung tâm An sinh được thành lập trong đợt dịch Covid-19 lần thứ 4. Đây là quỹ xã hội và hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, nhằm mục đích kết nối các bên liên quan tham gia cung cấp, hỗ trợ các dịch vụ an sinh xã hội cơ bản cho cá nhân và hộ gia đình lao động, người yếu thế tại TPHCM và người lao động đến từ các tỉnh thành khác mà chính sách an sinh xã hội hiện hành chưa bao phủ.

Trong dịp Tết Nguyên đán 2024, từ nguồn Quỹ An sinh xã hội TPHCM sẽ thực hiện thăm, chăm lo tặng quà tết cho 1.000 đoàn viên công đoàn, người lao động có hoàn cảnh khó khăn với tổng số tiền dự kiến 1 tỷ đồng.

k2b-6146.jpg
Người dân có hoàn cảnh khó khăn được mua sắm tết miễn phí ở siêu thị mini 0 đồng. Ảnh: THÁI PHƯƠNG

* TPHCM sẽ có giải pháp bền vững nào để tiếp sức người dân, nhất là khi có nhiều lao động bị mất việc, giảm giờ làm thời điểm cận tết?

* Dù tình hình kinh tế những tháng cuối năm đã có dấu hiệu phục hồi, tuy nhiên số doanh nghiệp bị giảm đơn hàng vẫn còn nhiều dẫn đến việc công nhân bị giãn việc, hoãn hoặc mất việc làm còn khá cao.

Thấu hiểu điều này, Ủy ban MTTQ TPHCM đã phối hợp Liên đoàn Lao động TPHCM và các doanh nghiệp có những chương trình để hỗ trợ cho công nhân và người lao động, kể cả lực lượng lao động phi chính thức. Sự chăm lo trước mắt là những phần quà tết, về lâu dài sẽ giúp người lao động mất việc tham gia các khóa huấn luyện để chuyển đổi nghề phù hợp với yêu cầu của thị trường lao động trong từng giai đoạn.

Cùng với đó, Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM cho phép thành phố sử dụng vốn đầu tư công để bố trí cho vay hỗ trợ giảm nghèo, giải quyết việc làm.

Năm 2023, TPHCM đã phân bổ 2.796 tỷ đồng và năm 2024 tiếp tục phân bổ thêm gần 1.000 tỷ đồng. Khi có phương án kinh doanh và tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi thì không chỉ là việc làm cho chính bản thân của người được vay mà họ có thể giúp đỡ thêm cho những lao động ở gần đó có thêm việc làm, ổn định cuộc sống.

Gần 1.000 tỷ đồng chăm lo Tết Nguyên đán 2024

Theo Giám đốc Sở LĐTB-XH TPHCM Lê Văn Thinh, sở đã xây dựng kế hoạch chăm lo Tết Nguyên đán 2024 cho gia đình chính sách, người nghèo, người có công, đối tượng bảo trợ xã hội. Tổng số tiền chăm lo dự kiến khoảng 916 tỷ đồng, tăng 4% so với năm trước.

Số tiền tăng thêm năm nay chủ yếu để chăm lo cho trẻ mồ côi, người già và các đối tượng khó khăn khác. Hiện sở đã trình UBND TPHCM để xin ý kiến Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM. Bên cạnh đó, Sở LĐTB-XH đã có kế hoạch giám sát tình hình trả lương, thưởng tết của các doanh nghiệp.

Liên đoàn Lao động TPHCM cũng đã có kế hoạch chăm lo hỗ trợ cho khoảng 139.000 công nhân, người lao động với kinh phí trên 71 tỷ đồng. Năm 2024, Sở LĐTB-XH tiếp tục tham mưu UBND TPHCM ban hành chính sách chăm lo người có công trên địa bàn thành phố, dự kiến sẽ nâng mức chăm lo so với trước, bởi những chính sách chăm lo người có công đã áp dụng nhiều năm, không còn phù hợp với tình hình hiện nay.

Tin cùng chuyên mục