Sáng 29-12, Đoàn giám sát Thành ủy TPHCM làm việc về chủ đề “Năm xây dựng chính quyền đô thị và cải thiện môi trường đầu tư” năm 2021 tại TP Thủ Đức. Tham gia đoàn giám sát có các đồng chí: Phan Nguyễn Như Khuê, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM; Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch HĐND TPHCM.
Phát biểu kết luận buổi giám sát, đồng chí Phan Nguyễn Như Khuê nhấn mạnh, việc thực hiện chủ đề năm 2021 ở TP Thủ Đức khác với các địa phương khác do vừa đồng thời thành lập đơn vị hành chính mới, vừa tiến hành sắp xếp lại bộ máy, thiết lập tổ chức Đảng thuộc hệ thống chính trị. Do vậy, với TP Thủ Đức có đặc thù riêng trong việc vận hành và thực hiện chủ đề năm mà TPHCM triển khai. Đồng thời, do hơn 6 tháng tập trung phòng chống dịch nên phải gác lại các vấn đề trọng tâm của nhiệm vụ chính trị để chăm sóc sức khỏe, an sinh xã hội cho người dân. Vì vậy, chưa thể tạo sự chuyển động, thành tựu nổi bật.
Theo đồng chí Phan Nguyễn Như Khuê, từ 3 quận trước đây thành lập TP Thủ Đức mới nên phải có cơ chế sắp xếp, tính toán lại. Do đó, Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM đã họp bàn xoay quanh những vấn đề nội dung trọng tâm để ban hành Nghị quyết tạo cơ chế cho TP Thủ Đức. Trong đó, sẽ phân cấp, phân quyền và sự chủ động, chịu trách nhiệm của TP Thủ Đức. “TPHCM sẽ cố gắng từ đầu năm 2022 ban hành Nghị quyết này để TP Thủ Đức vận hành”, đồng chí Phan Nguyễn Như Khuê chia sẻ.
Về vấn đề cải cách hành chính, đồng chí Phan Nguyễn Như Khuê yêu cầu TP Thủ Đức cần sắp xếp lại quy trình vận hành, trách nhiệm công chức, bộ máy vận hành để thường xuyên hoàn thiện.
Trước đó, báo cáo tại buổi giám sát, Phó Chủ tịch UBND TP Thủ Đức Nguyễn Bạch Hoàng Phụng cho biết, trong năm 2021, TP Thủ Đức đã triển khai nhiều nhóm giải pháp về xây dựng chính quyền đô thị như về tổ chức bộ máy và xây dựng chính quyền đô thị; cải cách hành chính. Cụ thể, thành lập trang Zalo, Fan Page của TP Thủ Đức để kịp thời thông tin đến người dân, doanh nghiệp (DN), giải đáp những kiến nghị, thắc mắc của người dân, DN liên quan đến những vấn đề bức thiết.
Đồng thời, thực hiện niêm yết công khai thủ tục hành chính (TTHC), thuộc thẩm quyền giải quyết tại Bộ phận tiếp nhận và trả hồ sơ của 3 khu vực thành phố đảm bảo tính liên tục của nền hành chính và trong phục vụ nhân dân. Duy trì thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC theo Nghị định số 61/2018/NĐ-CP.
Trong năm 2021, tổng số hồ sơ tiếp nhận tại TP Thủ Đức là 33.220 hồ sơ, đã giải quyết 32.240 hồ sơ (đúng hạn 31.260 hồ sơ, đạt 96,96%; trễ hạn 980 hồ sơ, chiếm tỷ lệ 3,04%); tổng số hồ sơ tiếp nhận tại phường là 235.024 hồ sơ, đã giải quyết 235.024 hồ sơ (đúng hạn 235.024 hồ sơ, đạt 100%).
Về cải thiện môi trường đầu tư, trong năm 2021, đặc biệt là trong thời gian giãn cách, các TTHC đối với người dân và DN vẫn được giải quyết trên Cổng thông tin điện tử thường xuyên không để xảy ra tình trạng chậm trễ. Đồng thời, bố trí công chức theo từng lĩnh vực tiếp nhận, hướng dẫn người dân, DN thực hiện các thủ tục theo quy định.
Cùng với đó, tổ chức hội nghị tiếp xúc, đối thoại giữa lãnh đạo TP Thủ Đức với DN nhằm thông tin đến DN các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, các chương trình hỗ trợ, kích thích tăng trưởng kinh tế, tạo điều kiện cho DN phục hồi sản xuất kinh doanh; giải đáp các thắc mắc, tháo gỡ khó khăn trong quá trình hoạt động, tiếp cận nguồn vốn ngân hàng với lãi suất ưu đãi, góp phần cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh.
Mặt khác, hỗ trợ tiêm vaccine phòng Covid-19 cho người lao động tại các DN, nhất là đối với các DN sản xuất để an tâm sản xuất đảm bảo các chuỗi cung ứng hàng hóa trên thị trường. Đến nay, hầu hết người lao động tại các DN đã được tiêm đầy đủ 2 mũi vaccine phòng ngừa Covid-19.
Bên cạnh đó, hướng dẫn hơn 850 lượt DN xây dựng và triển khai thực hiện phương án vừa lưu trú vừa sản xuất, phương án xử lý khi DN phát sinh ca nghi mắc (F0); trực tiếp hỗ trợ xét nghiệm, xử lý các ca bệnh tại DN, không để dịch bệnh lây lan trong DN và ngoài cộng đồng nhằm duy trì chuỗi sản xuất, hoàn tất các hợp đồng kinh tế đã ký kết với đối tác, tạo việc làm ổn định cho người lao động trong thời gian giãn cách xã hội.