Theo dự báo ngày 5-11 của Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn Trung ương, bão số 13 là một cơn bão “siêu tốc” đang ào ạt đổ vào bờ với vận tốc lên tới 30km/giờ và dự báo chiều 6-11 sẽ cập đất liền, đe dọa nhiều tỉnh, thành ở Nam Trung bộ, Đông Nam bộ và Tây Nam bộ.
Do đó, để ứng phó diễn biến phức tạp của cơn bão này, sáng 6-11, đoàn cán bộ lãnh đạo TPHCM đã tức tốc đến huyện Cần Giờ khảo sát tình hình diễn biến của cơn bão, từ đó chỉ đạo nhằm giảm đến mức thấp nhất thiệt hại do cơn bão gây ra.
Di dời hơn 2.100 người khỏi... bão
Đến 9 giờ, các cơ quan chức năng và địa phương đã di dời được 1.605 người dân từ xã đảo Thạnh An về thị xã Cần Thạnh, đến chiều cùng ngày trên toàn huyện đã di dời được 2.154 người. Theo ông Lê Văn Thơm, Phó Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ, kế hoạch di dời dân diễn ra sớm hơn so với dự kiến, lý do 7 - 8 giờ sáng là thời điểm nước cạn, chảy xiết nên việc cho tàu thuyền cập bến để di dời khó khăn, do đó Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão huyện đã quyết định cho di dời từ 4 giờ sáng. Tổng cộng có 27 chuyến tàu đưa người dân về khu vực an toàn.
UBND các xã, thị trấn đã triển khai hướng dẫn hỗ trợ người dân chằng chống được 183 căn nhà đảm bảo an toàn. Về trường học, UBND huyện đã có công văn cho học sinh bắt đầu nghỉ từ ngày 6-11, đồng thời chuẩn bị các phương án phòng chống để bảo vệ tài sản và khắc phục hậu quả sau khi cơn bão đi qua.
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Thanh Liêm đã khảo sát thực tế tại cầu Hải Đội 2, nơi tiếp nhận người dân từ xã đảo Thạnh An về đất liền; đến Nhà Thiếu nhi quận để kiểm tra nơi người dân tạm cư; đến bến đò Long Hòa để kiểm tra việc neo đậu tàu thuyền. Qua đó, đồng chí Lê Thanh Liêm đánh giá cao việc ứng phó phòng chống bão của huyện trong công tác đảm bảo an toàn di dời người dân, đưa tàu thuyền đến nơi neo đậu an toàn, đảm bảo cuộc sống người dân nơi tạm cư.
Nhốn nháo trường học
Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn (PCLB-TKCN) TPHCM cũng đã chỉ đạo Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP và UBND các quận, huyện yêu cầu những chủ bến và chủ phương tiện đò ngang, đò dọc, tàu du lịch, tàu cánh ngầm, tàu nhà hàng chấp hành nghiêm lệnh cấm xuất bến từ 9 giờ, đồng thời chủ động tổ chức các biện pháp phòng, tránh, ứng phó bão; sắp xếp các tàu, thuyền đang neo đậu tại bến được an toàn trước ảnh hưởng của bão. Thông báo khẩn sau đó của Ban Chỉ huy PCLB-TKCN TPHCM đề nghị đồng bào TP, đặc biệt là bà con ở các vùng ven biển như huyện Cần Giờ, ven sông và vùng trũng thấp như các huyện Nhà Bè, quận 2, quận 7, quận 12, quận Thủ Đức, quận Bình Thạnh… và bà con lao động hành nghề trên biển, trên sông tuyệt đối chấp hành lệnh sơ tán di dời, ngừng ra khơi, đi lại trên các phương tiện giao thông đường thủy, neo đậu tàu thuyền theo đúng kỹ thuật, không ở lại trên chòi canh, lồng bè nuôi trồng thủy sản, nhà ở đơn sơ, tạm bợ.
Chiều 6-11, Sở GD-ĐT TPHCM đã ra thông báo khẩn thứ 2 về ứng phó cơn bão số 13. Theo đó, sở đề nghị các đơn vị giáo dục và đào tạo trên địa bàn TP (trường mầm non, phổ thông, TCCN, cao đẳng, TTGDTX, các cơ sở ngoại ngữ, tin học, văn hóa ngoài giờ…) tạm ngưng mọi hoạt động giảng dạy và học tập từ 16 giờ chiều cùng ngày cho đến khi có thông báo mới của sở.
Tuy nhiên, ngay từ trưa 6-11, nhiều trường học ở quận 9, Thủ Đức, quận 10, quận 11… đã thông báo phụ huynh đón con nhằm đảm bảo an toàn cho học sinh. Thông báo đón trẻ, tránh bão làm hàng ngàn cán bộ, viên chức, người lao động nhốn nháo bỏ việc, bỏ làm tất tả đến trường đón con từ đầu giờ chiều.
Lúc 17 giờ, trao đổi với PV Báo SGGP, ông Đỗ Minh Hoàng, Chánh văn phòng Sở GD-ĐT TPHCM cho biết, các trường chỉ ngưng hoạt động từ 16 giờ cho đến hết ngày 6-11. Hôm nay 7-11, nếu từ sáng sớm không có thông báo gì về cơn bão thì học sinh vẫn đi học bình thường. Tuy nhiên, rất nhiều trường thông báo cho học sinh nghỉ luôn ngày 7-11 và yêu cầu phụ huynh theo dõi trang web của trường hoặc của sở vào ngày thứ sáu (8-11) để biết thông tin có đến trường hay không.
Hủy nhiều chuyến bay đến và đi từ Cam Ranh, Buôn Ma Thuột
Do ảnh hưởng của cơn bão số 13 gây mưa lớn và gió giật mạnh, các hãng hàng không đã hủy khai thác nhiều chuyến bay đi và đến sân bay quốc tế Cam Ranh (Khánh Hòa) trong ngày 6-11. Vietnam Airlines thông báo tạm ngừng khai thác 14 chuyến bay đi và đến sân bay quốc tế Cam Ranh sau khi có thông báo từ Cảng vụ hàng không Miền Trung về việc không tiếp nhận tàu bay tại Cảng Hàng không quốc tế Cam Ranh từ 11 giờ ngày 6-11 đến 6 giờ ngày 7-11 vì lý do thời tiết.
Hãng Hàng không VietJet Air thông báo hủy 6 chuyến bay đến và đi từ Cam Ranh và 4 chuyến bay đến và đi từ Buôn Ma Thuột trong ngày 6-11. Hành khách trên các chuyến bay này sẽ được chuyển sang chuyến tiếp theo của ngày hôm sau, nếu thời tiết cho phép máy bay cất cánh, hoặc có thể hoàn vé, bảo lưu vé theo nhu cầu. Dự kiến, hôm nay 7-11, Vietnam Airlines và VietJet Air sẽ tăng chuyến các đường bay đến và đi từ Cam Ranh để chuyên chở những hành khách bị kẹt do bão.
| |
NHÓM PV
- Nhiều địa phương tích cực phòng chống bão