Vận dụng nhiều giải pháp
Để xóa điểm đen giao thông, Sở GTVT đã tiến hành rất nhiều giải pháp. Trong đó, ở giao lộ Trần Hưng Đạo - Trần Đình Xu (quận 1), Sở GTVT đã kẻ vạch sơn, lắp đặt biển báo, đèn chiếu sáng, đèn tín hiệu và tổ chức lại giao thông. Tại điểm đen ở nhánh Ram A2 đường dẫn vào cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây (nhánh rẽ phải từ đường dẫn cao tốc vào đường Mai Chí Thọ, quận 2), nơi thường xảy ra nhiều vụ va chạm giữa xe tải và xe gắn máy, Sở GTVT đã lắp đặt hệ thống cọc tiêu nhựa nhằm tách làn xe 2 bánh và làn ô tô, cùng lúc cải tạo kích thước hình học tại nút giao thông An Phú.
Tương tự, trước trụ chiếu sáng TL10/16 trên đường Võ Văn Kiệt, Sở GTVT cũng lắp cọc tiêu nhựa dẻo, tạo gờ giảm tốc, lắp biển báo đi chậm, điều chỉnh tốc độ tối đa cho phép từ 60km/giờ còn 50km/giờ. Tại đoạn giao giữa quốc lộ 1 và đường vào Khu chế xuất Linh Trung 1 - nơi được đánh giá là “điểm đen” rất phức tạp và từng xảy ra vụ tai nạn giao thông giữa ô tô và xe container làm 5 người thiệt mạng (vào tháng 5-2015) - Sở GTVT đã bổ sung 5 cụm gờ giảm tốc và 1 trụ đèn tín hiệu chớp vàng (báo hiệu đi chậm) tại dải phân cách ngăn giữa làn ô tô và xe máy.
Theo đánh giá của Sở GTVT TPHCM, quá trình cải thiện các điểm đen có một số khó khăn như mật độ phương tiện giao thông cá nhân tiếp tục gia tăng, trong khi hệ thống hạ tầng giao thông chưa được đầu tư xây dựng hoàn chỉnh, ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ của một bộ phận người tham gia giao thông còn thấp, một số dự án đang triển khai nhưng vướng giải phóng mặt bằng nên chậm hoàn thành (như dự án xây hầm chui tại nút giao thông An Sương, quận 12 và dự án nút giao thông Mỹ Thủy, quận 2)...
Tăng cường tuyên truyền
Trao đổi với phóng viên Báo SGGP, ông Hoàng Phúc Dũng, Phó Trưởng phòng Quản lý khai thác hạ tầng giao thông đường bộ (thuộc Sở GTVT TPHCM), cho biết, Sở GTVT đã có văn bản lấy ý kiến thống nhất của Ban An toàn giao thông TP và Công an TP đặt mục tiêu tiếp tục xóa các điểm đen về giao thông trong vòng 12 tháng. Từ nay đến cuối năm 2018 và giai đoạn tiếp theo, Sở GTVT tiếp tục triển khai các giải pháp khắc phục tai nạn, giảm nguy cơ mất an toàn giao thông qua các giải pháp như thường xuyên theo dõi, kịp thời điều chỉnh tổ chức giao thông hợp lý, phù hợp với tình hình thực tế, đặc biệt tại 34 điểm có nguy cơ ùn tắc giao thông và các điểm đen tai nạn giao thông.
Sở GTVT TPHCM cũng sẽ thường xuyên kiểm tra, duy tu bảo trì hệ thống hạ tầng giao thông hiện hữu, tăng cường vạch sơn, biển báo, đèn chiếu sáng, đèn tín hiệu giao thông, cải tạo kích thước hình học... nhằm nâng cao điều kiện an toàn giao thông. Đẩy mạnh công tác phối hợp với Công an TPHCM, UBND các quận huyện; đặc biệt là việc đổi mới cơ chế phối hợp thông tin các nhóm qua Viber như Nhóm phản ứng nhanh Tây Nam, Nhóm phản ứng nhanh Đông Bắc... đồng thời, tăng cường thực hiện công tác truyền thông qua nhiều hình thức như bảng báo điện tử, trang thông tin điện tử của Sở GTVT, Cổng thông tin giao thông TPHCM, kênh VOV và VOH Giao thông... Phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, Ban An toàn giao thông TP triển khai tuyên truyền tại các trường học về các giải pháp bảo đảm an toàn giao thông tại khu vực trường học trên địa bàn TP.
Theo Sở GTVT TPHCM, 14 điểm đen giao thông còn lại gồm có: đường Hoàng Sa, đoạn từ số nhà 276 đến số nhà 279, phường Tân Định, quận 1; chân cầu Phú Mỹ, phía quận 2; nút giao thông Mỹ Thủy; đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, đoạn từ số nhà 290 đến số nhà 295, phường 7, quận 3; chân cầu Kênh Tẻ, phía quận 4; giao lộ Đỗ Xuân Hợp - đường Số 1, phường Phước Bình, quận 9; đường Nguyễn Duy Trinh, đoạn từ trụ điện NDT/T170C đến trụ điện T173C, phường Phú Hữu, quận 9; vòng xoay An Sương; quốc lộ 1, đoạn từ vòng xoay An Lạc đến đường Trần Đại Nghĩa, phường An Lạc, quận Bình Tân; đường Nguyễn Thị Minh Khai, đoạn từ số nhà 16A đến đường Đinh Tiên Hoàng, quận 1; đường Ba Tháng Hai, đoạn từ số nhà 15 đến số nhà 25, phường 11, quận 10; đoạn giao quốc lộ 1 và đường Nguyễn Hữu Trí, huyện Bình Chánh; giao lộ Võ Trần Chí - Trần Văn Giàu, quận Bình Tân và nút giao 4 nhánh cầu Nguyễn Tri Phương, quận 5. |