Ông Nguyễn Phương Đông, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM, cho biết, công nghiệp hỗ trợ đóng vai trò quan trọng trong quá trình thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa đất nước và công nghiệp hỗ trợ là một trong những ưu tiên hàng đầu trong thời gian tới. Đại hội Đảng bộ TPHCM lần thứ X cũng đã xác định tiếp tục phát triển công nghiệp hỗ trợ gắn với phát triển doanh nghiệp. Tuy nhiên, thực tế phát triển thời gian qua cho thấy, sự phát triển của ngành công nghiệp chưa tương xứng với tiềm năng của thành phố và bộc lộ nhiều dấu hiệu thiếu bền vững do những hạn chế yếu kém trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ.
Cụ thể, thành phố chưa có định hướng và cơ chế chính sách đặc thù để phát triển công nghiệp hỗ trợ. Mặc dù đã hình thành và phát triển từ rất lâu nhưng cho đến nay hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp trên địa bàn trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ chủ yếu ở quy mô nhỏ, tham gia ở những công đoạn đơn giản, giá trị gia tăng thấp, không thể tham gia vào chuỗi sản phẩm trong phân phối. Theo thống kê, số lượng doanh nghiệp vừa và nhỏ của thành phố chiếm 95% và chiếm 42% số lao động toàn ngành, nhưng chỉ tạo ra 21% doanh thu, 6,7% về lợi nhuận và 9,5% về nộp ngân sách. Tỷ lệ lợi nhuận trên tổng tài sản của doanh nghiệp vừa và nhỏ là 1,8% so với toàn ngành là 6,9%.
Trong thời gian qua, các bộ ngành trung ương và thành phố đã có nhiều cơ chế chính sách để thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ nhưng hiệu quả mang lại chưa cao, chưa tương xứng với kỳ vọng của doanh nghiệp. Công nghiệp nhập trước nguyên vật liệu kém phát triển, phụ thuộc nhập khẩu. Các doanh nghiệp sản xuất linh kiện, vật liệu không chủ động được nguồn cung cấp trong nước. Giá thành nhập khẩu cao, không chủ động được thời gian giao hàng, thường gặp rủi ro trong thanh toán, giao nhận. Phần lớn doanh nghiệp nội địa hạn chế về nguồn lực, công nghệ, máy móc cũ, lạc hậu, năng suất thấp, chưa đáp ứng được quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn quốc tế. Liên kết giữa các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước với nhau và liên kết với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài còn rất yếu. Việc nội địa hóa thấp, trình độ công nghệ chưa cao, chưa làm chủ được quá trình sản xuất từ đầu vào cho đến đầu ra. Bên cạnh việc hấp thu công nghệ, đầu tư nghiên cứu phát triển, kỹ năng quản lý, sản xuất chế tạo, thiết kế sản phẩm, năng lực còn yếu…nguồn nhân lực chất lượng cao còn hạn chế.
Kinh nghiệm của các nước phát triển, phát triển công nghiệp hỗ trợ chủ yếu gắn liền với doanh nghiệp vừa và nhỏ. Tại Nhật Bản và Hàn Quốc, chính phủ rất quan tâm, dành nhiều ưu đãi cho phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ gắn với công nghiệp hỗ trợ. Do đây là khu vực tạo ra nhiều việc làm hỗ trợ cho nhiều ngành công nghiệp khác của quốc gia. Công nghiệp hỗ trợ đóng vai trò rất quan trọng trong việc thu hút doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, nâng cao năng lực cạnh tranh ngành công nghiệp. Phát triển công nghiệp hỗ trợ để gia tăng các linh kiện, vật liệu đầu vào trong nước sản xuất được, góp phần giảm kim ngạch nhập khẩu, tạo điều kiện thuận lợi thu hút đầu tư nước ngoài, đảm bảo tính chủ động phát triển ngành công nghiệp trong dài hạn. Do đó, để có thể tạo nền tảng phát triển cho ngành công nghiệp, trong thời gian tới, thành phố tập trung đề xuất các giải pháp, chính sách để đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp tham gia phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ. Trong đó, ngoài chính sách hỗ trợ thuế, ưu đãi đất thì sẽ tạo những đột phá trong chính sách hỗ trợ vốn. Đặc biệt, Sở Công thương đang đề xuất UBND TP thành lập quỹ đầu tư mạo hiểm để xóa bỏ rào cản về vốn và điều kiện phải có tài sản thế chấp mới được vay vốn cho doanh nghiệp phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ.
MINH XUÂN