TPHCM ghi nhận 63.309 ca đau mắt đỏ trong 8 tháng đầu năm

Chiều 5-9, Sở Y tế TPHCM cho biết, từ đầu năm 2023 đến ngày 31-8, TPHCM ghi nhận 63.309 ca mắc bệnh viêm kết mạc (đau mắt đỏ), tăng 15,38% so với cùng kỳ năm 2022 là 53.573 ca.

Trong đó, có 1.001 ca có biến chứng, chiếm 1,59% (cùng kỳ năm 2022 là 873 ca biến chứng, chiếm 1,63% tổng số ca bệnh). Các biến chứng của bệnh viêm kết mạc thường gặp gồm: viêm giác mạc, loét giác mạc, sẹo giác mạc, bội nhiễm, suy giảm thị lực…

Số trẻ em dưới 16 tuổi bị viêm kết mạc trong 8 tháng đầu năm 2023 là 15.402 ca, chiếm 24,43% (cùng kỳ năm 2022 có 10.467 ca, chiếm 19,54% tổng số ca bệnh). Trong 15.402 ca trẻ em dưới 16 tuổi bị viêm kết mạc, có 288 ca biến chứng, chiếm 1,87% (cùng kỳ năm 2022 có 241 ca biến chứng, chiếm 2,3% tổng số ca bệnh).

Trước thực trạng này, Sở Y tế TPHCM đã yêu cầu các đơn vị tăng cường truyền thông hướng dẫn người dân, giáo viên, phụ huynh học sinh về các dấu hiệu của bệnh đau mắt đỏ, khuyến cáo phòng ngừa lây lan, phân biệt với các bệnh lý về mắt khác, hướng dẫn chăm sóc tại nhà đối với các trường hợp nhẹ và các dấu hiệu chuyển nặng cần nhập viện.

Bên cạnh đó, Sở Y tế TPHCM yêu cầu các cơ sở khám chữa bệnh tiếp tục triển khai hiệu quả công tác tiếp nhận và điều trị bệnh đau mắt đỏ, trong đó đặc biệt lưu ý: dặn dò, tư vấn kỹ người bệnh và người thân về các dấu hiệu chuyển nặng cần phải nhập viện và ghi rõ trong toa thuốc ngoại trú. Yêu cầu các cơ sở khám chữa bệnh báo cáo nhanh khi tình hình bệnh có diễn biến bất thường; sẵn sàng cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân sự, vật tư, thuốc điều trị và kế hoạch ứng phó khi có dịch bệnh xảy ra.

* Không xông, đắp lá cây để chữa đau mắt đỏ

Ngày 5-9, trước tình hình dịch bệnh đau mắt đỏ đang gia tăng tại Hà Nội và một số tỉnh, thành phố phía Nam, đại diện Bệnh viện Bạch Mai thông tin, gần đây các bác sĩ của bệnh viện đã tiếp nhận điều trị một số trường hợp bị di chứng do sử dụng các loại lá cây để đắp hoặc xông mắt, gây viêm loét giác mạc, thậm chí để lại sẹo giác mạc gây nhìn mờ vĩnh viễn.

Bên cạnh đó, một số trường hợp bị đau mắt đỏ nhưng không đến bệnh viện sớm, tự ý mua thuốc nhỏ mắt về điều trị nên khi đã bị biến chứng nặng, gây ảnh hưởng nhiều tới thị lực.

Theo bác sĩ Phùng Thị Thúy Hằng, Phó trưởng khoa Mắt, Bệnh viện Bạch Mai, người bị bệnh đau mắt đỏ thường có các biểu hiện: ngứa mắt, cộm đỏ, chói, sợ ánh sáng, chảy nước mắt... Khi có các biểu hiện trên, người bệnh nên đến khám tại các cơ sở nhãn khoa để được chẩn đoán và tư vấn phương pháp điều trị thích hợp. Đặc biệt, tuyệt đối không sử dụng các lá cây để đắp hoặc xông mắt vì ít có tác dụng và có thể gây ra những tổn thương cho mắt.

Ngoài ra, một số loài nấm và vi khuẩn ở lá cây có thể xâm nhập qua vết xước giác mạc, gây ra viêm loét giác mạc, khiến việc điều trị rất khó khăn, di chứng để lại là sẹo giác mạc gây nhìn mờ vĩnh viễn, thậm chí một số trường hợp nặng phải khoét bỏ mắt.

Tin cùng chuyên mục