TPHCM kiến nghị 5 nội dung lớn tại buổi làm việc với Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ

Tại buổi làm việc với đoàn công tác của Quốc hội, TPHCM đã nêu nhiều kiến nghị quan trọng nhằm tháo gỡ những trói buộc, tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm để góp phần thúc đẩy TPHCM phát triển trong thời gian tới.
TPHCM kiến nghị 5 nội dung lớn tại buổi làm việc với Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ ảnh 1 Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: VIỆT DŨNG
Ngày 20-3, đoàn công tác của Quốc hội do đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội làm trưởng đoàn có buổi làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM về kết quả công tác năm 2021, nhiệm vụ trọng tâm năm 2022 và tình hình thực hiện Nghị quyết số 54 của Quốc hội.
Tham gia cùng đoàn có các đồng chí: Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội; Bùi Văn Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội và lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương.
Về phía TPHCM có các đồng chí: Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM; Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM; Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM; Nguyễn Hồ Hải, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM; Tô Thị Bích Châu, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM cùng các đồng chí trong Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM.
Mỗi ngày làm việc, TPHCM thu 2.200 tỷ đồng
Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi báo cáo kết quả công tác năm 2021, nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm năm 2022; tình hình thực hiện Nghị quyết 54 của Quốc hội.

Theo đồng chí Phan Văn Mãi, TPHCM triển khai chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2022-2025 với 2 giai đoạn.

Giai đoạn 1 đến hết năm 2022, TPHCM khắc phục các hệ lụy, khôi phục những đứt gãy chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng; giúp các doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động tái gia nhập thị trường, phục hồi sản xuất, kinh doanh; tạo việc làm, chăm lo an sinh xã hội và các hoạt động văn hóa - xã hội trên cơ sở thích ứng an toàn, kiểm soát dịch Covid-19.

Giai đoạn 2 từ năm 2023 đến năm 2025, TPHCM tiếp tục kiểm soát có hiệu quả dịch Covid-19; giải quyết các điểm nghẽn đối với sự phát triển nhanh và bền vững của thành phố; tập trung mọi nguồn lực để phát huy các thế mạnh của TPHCM.

TPHCM kiến nghị 5 nội dung lớn tại buổi làm việc với Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ ảnh 2 Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi phát biểu trong buổi Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM. Ảnh: VIỆT DŨNG
"Chúng tôi rất mong Chủ tịch Quốc hội và các thành viên trong đoàn quan tâm để TPHCM có được những quyết định có tính lịch sử với sự phát triển của TPHCM trong thời gian tới. Mong đoàn công tác của Quốc hội quan tâm để TPHCM có được những chính sách lịch sử với sự phát triển của TPHCM”, đồng chí Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TPHCM bày tỏ.
Về kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2021 và 2 tháng đầu năm 2022, Chủ tịch UBND TPHCM cho biết, đại dịch Covid-19 đã gây nhiều tổn thất, tác động đến mọi mặt của đời sống xã hội, ảnh hưởng trực tiếp đến phần lớn người lao động TPHCM. Vì vậy kinh tế TPHCM trong năm 2021 tăng trưởng âm sâu nhưng vẫn có nhiều điểm sáng.
Cụ thể, tổng thu ngân sách nhà nước đạt 381.531 tỷ đồng (đạt 104,5% dự toán), thu hút FDI đạt 7,23 tỷ USD (tăng 38,48% so cùng kỳ), kiều hối đạt 6,6 tỷ USD, tăng gần 9% so với cùng kỳ, nhập khẩu tăng 12,9% so với cùng kỳ.
Tình hình kinh tế - xã hội trong 2 tháng đầu năm 2022 đạt được nhiều kết quả tích cực, phục hồi tốt so với các tháng trước. Cụ thể một số chỉ tiêu đạt bằng cùng kỳ, một số ngành đạt mức bằng như trước dịch như: Tổng thu ngân sách 2 tháng đạt hơn 88.000 tỷ đồng, đạt 22,78% dự toán năm và tăng 14,85% so với cùng kỳ. Bình quân 1 ngày làm việc thu khoảng 2.200 tỷ đồng, trong đó thu nội địa tăng 19,07%.
Chủ tịch UBND TPHCM đánh giá điều này cho thấy, nội lực kinh tế TPHCM khá vững và còn nhiều dư địa để thúc đẩy phát triển; chỉ số sản xuất công nghiệp tính chung 2 tháng tăng 2,1%; các hoạt động văn hóa - xã hội được triển khai theo kế hoạch, nhất là việc tổ chức tốt, chu đáo các hoạt động chăm lo tết theo phương châm “Tết tri ân, đầm ấm, an toàn, tiết kiệm”…
Về công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, công tác dân vận, đồng chí Phan Văn Mãi cho biết, các mặt công tác này được triển khai thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, bám sát nhiệm vụ chính trị, nhất là trong thời điểm chịu nhiều tác động của đại dịch Covid-19 đạt kết quả thiết thực, tạo nhiều chuyển biến tích cực.
Chủ tịch UBND TPHCM đánh giá, năm 2022 có ý nghĩa quan trọng, là năm kiến tạo nền tảng thực hiện các mục tiêu của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025. Cụ thể, năm 2022 thành phố phấn đấu thực hiện 19 chỉ tiêu chủ yếu, bao gồm 5 chỉ tiêu về kinh tế, 6 chỉ tiêu về xã hội, 5 chỉ tiêu về đô thị và môi trường, 2 chỉ tiêu về cải cách hành chính, 1 chỉ tiêu về trật tự an toàn xã hội. Trong đó, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa trên địa bàn thành phố (GRDP) đạt 6% - 6,5%.
TPHCM kiến nghị 5 nội dung lớn tại buổi làm việc với Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ ảnh 3 Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trao đổi cùng các đồng chí lãnh đạo TPHCM. Ảnh: VIỆT DŨNG

Hỗ trợ người yếu thế trong xã hội


Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cũng thông tin một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm về phát triển kinh tế - xã hội năm 2022.

Trong đó, TPHCM chú trọng phát triển văn hóa - xã hội đồng bộ với phát triển kinh tế, khẩn trương rà soát và triển khai các chính sách phục hồi, ổn định thị trường lao động, gấp rút giải quyết hiệu quả các vấn đề nhà ở xã hội, quy hoạch sắp xếp, bố trí lại dân cư. TPHCM cũng tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tạo chuyển biến mạnh mẽ về công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền và công tác dân vận, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị. Trọng tâm là thực hiện có kết quả chủ đề năm 2022…


Nhiều nguyên nhân làm chậm triển khai Nghị quyết 54
Về kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết 54 của Quốc hội, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cho biết, UBND TPHCM đã trình HĐND TPHCM thông qua 32 dự án có chuyển mục đích sử dụng trên 10 ha (tổng diện tích dự án hơn 1.840 ha). Từ đó đã giúp TPHCM chủ động, rút ngắn thời gian xem xét việc chuyển mục đích của các dự án sử dụng trên 10 ha.
UBND TPHCM cũng trình HĐND TPHCM quyết định chủ trương đầu tư 5 dự án nhóm A sử dụng vốn ngân sách TPHCM với tổng mức đầu tư hơn 12.950 tỷ đồng; điều chỉnh chủ trương đầu tư 1 dự án từ nhóm B lên nhóm A sử dụng vốn ngân sách TPHCM.
TPHCM cũng xây dựng, trình đề án tăng tỷ lệ điều tiết cho ngân sách TPHCM giai đoạn 2021-2025, 2026-2030. Theo đó, năm 2022 tỷ lệ ngân sách để lại cho TPHCM được điều chỉnh từ 18% lên 21%, tăng 3% so với năm 2021. Như vậy, sau nhiều năm tỷ lệ điều tiết liên tục giảm dần thì đây là thời kỳ ổn định ngân sách đầu tiên tỷ lệ điều tiết cho TPHCM tăng 3%. Việc này giúp tăng thêm nguồn lực chi đầu tư phát triển năm 2022, góp phần giảm bớt áp lực cho TPHCM trong cân đối ngân sách, trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn diễn biến khó lường.
Tuy nhiên, việc triển khai một số nội dung theo Nghị quyết 54 còn chậm so với kế hoạch. Nguyên do có ý kiến khác nhau giữa các bộ ngành, một số vấn đề mới, phức tạp, có tác động lớn, lâu dài khi triển khai cụ thể cần nghiên cứu kỹ trước khi xem xét, quyết định; do đại dịch Covid-19…
Ngoài ra, hơn 4 năm qua, không phát sinh khoản thu tiền sử dụng đất khi bán các tài sản công của các đơn vị Trung ương ở TPHCM. Nghĩa là, TPHCM chưa được hưởng 50% khoản tiền này để đầu tư hạ tầng kinh tế - xã hội thuộc nhiệm vụ đầu tư công của thành phố. Bên cạnh đó, thời gian qua, công tác hậu kiểm và phối hợp rà soát việc thực hiện phương án sắp xếp lại và xử lý các nhà, đất do các cơ quan, đơn vị thuộc Trung ương quản lý trên địa bàn thành phố chưa đảm bảo theo tiến độ.
TPHCM cũng chưa có nguồn thu từ cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước do việc thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp các năm trước gặp vướng mắc do thiếu quy định hướng dẫn về phương án sử dụng đất của doanh nghiệp khi cổ phần hóa. Việc thu hút chuyên gia, nhà khoa học và người có tài năng đặc biệt đòi hỏi sự thận trọng trong xây dựng cơ chế tổ chức thực hiện nên quy trình cần nhiều thời gian nghiên cứu, hoàn thiện.
TPHCM kiến nghị 5 nội dung lớn tại buổi làm việc với Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ ảnh 4 Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: VIỆT DŨNG

TPHCM kiến nghị nhiều nội dung quan trọng:


1. Về dự án đường vành đai 3: Kiến nghị Quốc hội xem xét, thông qua chủ trương đầu tư Dự án và các cơ chế, chính sách đặc thù triển khai dự án.

2. Về điều chỉnh tăng mức vốn dự kiến kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025: Kiến nghị Quốc hội cho phép TPHCM được thực hiện cơ chế, đối với các nguồn vốn mà TPHCM có thể huy động từ các nguồn thu của TPHCM ngoài mức vốn thông báo của Thủ tướng tại Quyết định 1535 (142.557 tỷ đồng).

TPHCM kiến nghị được phép chủ động quyết định việc bổ sung tổng mức vốn và danh mục các dự án đầu tư công trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 của TPHCM theo nguyên tắc bảo đảm không tăng mức bội chi của ngân sách địa phương của thành phố, không làm phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản. 

3. Về đề án phát triển TPHCM trở thành Trung tâm tài chính quốc tế: Kiến nghị Quốc hội xem xét ủng hộ, tạo điều kiện để đề án được thông qua trong thời gian sớm nhất. 

4. Về cơ chế TP Thủ Đức: Kiến nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quan tâm, xem xét chấp thuận khi “Đề án kiến nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết cơ chế chính sách đặc thù phát triển TP Thủ Đức” hoàn chỉnh được trình.

5. Đối với Nghị quyết số 54 của Quốc hội: Kiến nghị Quốc hội ban hành một Nghị quyết mới về cơ chế, chính sách phát triển TPHCM phù hợp với vị trí vai trò của thành phố. Trong đó kế thừa một số nội dung của Nghị quyết 54 và bổ sung một số nội dung mới có liên quan đến tổng thể công tác quản trị TPHCM.

Cụ thể:

- Trọng tâm của Nghị quyết và Nghị định của Chính phủ là cơ chế phân cấp, phân quyền và ủy quyền một số lĩnh vực quản lý nhà nước cho TPHCM, gồm 4 lĩnh vực: quản lý quy hoạch, kế hoạch, đầu tư và phát triển kinh tế xã hội; quản lý nhà đất và hạ tầng kỹ thuật – xã hội đô thị; quản lý ngân sách nhà nước; tổ chức bộ máy và quản lý căn bộ, công chức theo hướng mở rộng tự chủ, tự chịu trách nhiệm của TPHCM.

Hiện nay, TPHCM nêu ra đang có nhiều trói buộc bởi các luật chuyên ngành liên quan đến 4 lĩnh vực trên, với những chế định cụ thể, minh bạch thẩm quyền giữa Trung ương và địa phương theo tinh thần Điều 12, 13, 14 Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

- Trong lĩnh vực tài chính công: có cơ chế cho TPHCM tạo nguồn thu mới từ các hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ. Nguồn thu mới không phải điều tiết về Trung ương trong một thời gian nhất định. Ngoài chi thường xuyên, TPHCM được quyền quy định tiêu chuẩn, định mức chi của TPHCM phù hợp với nguồn thu và điều kiện kinh tế xã hội của thành phố. 

- Về tổ chức bộ máy hành chính: TPHCM được tự quyết định bộ máy giúp việc, quy định chức năng, nhiệm vụ trong nội bộ các bộ phận giúp việc hoặc phân quyền, ủy quyền cho chính quyền cấp dưới thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn thuộc thẩm quyền của thành phố.

TPHCM được quyền lựa chọn các nhân sự thuộc thẩm quyền thành phố quản lý, được sắp xếp, bố trí, sử dụng họ và đưa ra các quyết định cần thiết về nhân sự liên quan đến việc lựa chọn và sắp xếp đó, như tổ chức thi tuyển, bổ nhiệm, nâng ngạch bậc, quyết định đãi ngộ, khen thưởng…

- Về thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật: TPHCM kiến nghị được quy định một số khoản thu, chi phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội của thành phố, đặt ra các khoản phí, lệ phí, thuế đặc thù như đánh thuế căn nhà thứ hai, nền đất bỏ hoang, hạn chế đầu cơ bất động sản…

Đồng thời, được quy định các hành vi vi phạm hành chính thường xảy ra ở đô thị nhưng Trung ương chưa có quy định, được nâng mức xử phạt vi phạm một số hành vi mang tính đặc thù đô thị.

- Về áp dụng phương pháp hệ số điều chỉnh giá đất khi xác định, thẩm định, quyết định giá đất trên địa bàn TPHCM.

Tin cùng chuyên mục