Ngày 26-11, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) TPHCM cho biết, bão số 9 đã làm 1 người chết và 2 người bị thương nhẹ. Về cơ sở vật chất có 6 nhà tạm bị sập; 14 căn nhà hư hỏng và tốc mái; ngã đổ 223 cây xanh và 1 trụ điện, nghiêng 7 trụ điện. Theo Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TPHCM có khoảng 102 tuyến đường bị ngập. Đến rạng sáng ngày 26-11, còn 31 tuyến đường bị ngập, chiều sâu ngập từ 10cm đến 40cm.
Quá tải dịch vụ sửa xe
Đến trưa 26-11, nhiều tuyến đường vẫn chìm sâu trong “biển nước”, ngập 0,6 - 0,8m. Nghiêm trọng nhất là đường quốc lộ 13, khu vực Bến xe miền Đông (quận Bình Thạnh). Dọc hai bên đường, nhiều ô tô “chết” máy nằm la liệt trên vỉa hè, thậm chí có nhiều ô tô nằm ngay làn đường đi. Đó cũng là nguyên nhân gây ra ùn ứ nghiêm trọng, bởi con đường vốn dĩ đã quá tải, nay làn đường hẹp lại. Tương tự, tuyến đường Nguyễn Văn Hưởng, Quốc Hương (quận 2) và D2 (quận Bình Thạnh), cũng xảy ra tình trạng nhiều ô tô “chết” máy nằm giữa đường.
Với gương mặt mệt mỏi do thiếu ngủ, thức canh chừng ô tô của mình đang nằm “chết” máy ngay làn đường, anh Minh (ngụ ở Bình Dương) cho biết, khoảng 19 giờ ngày 25-11 dù thấy nước ngập phía trước nhưng do tưởng không sâu nên vẫn chạy. Do xe số tự động có chế độ cài thắng khi tắt máy nên không thể nhờ người đẩy vào trong vỉa hè mà đậu ngay giữa đường. Suốt từ tối qua đến nay, anh liên tục gọi dịch vụ cứu hộ xe nhưng vẫn không có công ty nào đến. “Tuyến đường này nhiều năm nay đã không còn ngập sâu đến như vậy. Bình thường chỉ ngập rất ít cho nên không cảnh giác”, anh Minh cho hay.
Hơn 10 giờ cùng ngày, nhiều nhà ở khu vực đường Quốc Hương (quận 2) dùng ván gỗ, bạt ni lông chặn nước và đang dọn dẹp, tát nước, lau chùi nhà. Do nước ngập sâu, người dân dựng biển báo “Xin đi chậm”, đồng thời đứng dưới nước cảnh báo ô tô đi chậm, tránh tạo cơn “sóng” nước vỗ vào nhà.
Hơn 9 giờ cùng ngày, khu vực vòng xoay An Lạc, điểm giao giữa đường Kinh Dương Vương - quốc lộ 1 vẫn còn ngập sâu. Nhiều phương tiện di chuyển qua khu vực bị chết máy hàng loạt. Lực lượng CSGT quận Bình Tân giúp người dân đẩy xe chết máy qua đoạn ngập.
Chiều ngày 26-11, Công an huyện Bình Chánh phối hợp Công an quận Bình Tân cùng lực lượng cứu hộ - cứu nạn TPHCM vẫn đang tích cực tìm kiếm nam thanh niên bị nước cuốn trôi mất tích vào tối ngày 25-11 tại khu vực kênh đen trên đường Bến Lội, quận Bình Tân giáp ranh huyện Bình Chánh, TPHCM.
Tài xế Nguyễn Hoàng Minh (dịch vụ cứu hộ ô tô) chia sẻ, từ tối qua đến sáng nay, công ty nhận nhiều điện thoại cứu hộ nhưng do số lượng xe cứu hộ giới hạn, dù công ty chỉ có thể phục vụ những khách hàng quen nhưng vẫn không kịp. Nhiều cửa hàng sửa xe gắn máy cũng “quá tải”, một số tiệm đành phải ngưng phục vụ do không còn sức để sửa.
Dọn dẹp chuẩn bị ổn định cuộc sống, học tập
Tại chung cư Ngọc Khánh ở địa chỉ 21-23 đường Nguyễn Biểu, phường 1, quận 5, TPHCM, tầng hầm của chung cư bị nước mưa tràn vào từ tối ngày 25-11 đến sáng ngày 26-11, khiến nhiều phương tiện xe máy, ô tô đậu dưới hầm chìm hẳn trong nước. Suốt buổi sáng 26-11, lực lượng PCCC đã hỗ trợ bơm nước ra khỏi hầm.
Mưa lớn cũng khiến hơn 10 hầm của các nhà cao tầng, văn phòng cho thuê nằm trên đường Phan Xích Long, quận Phú Nhuận bị ngập sâu. Đáng nói là những tòa nhà này trước đây đã từng bị ngập, nhấn chìm nhiều xe máy, ô tô nên trước trận mưa hôm 25-11, người dân đã rút kinh nghiệm, đưa xe lên trên, chỉ một số hầm có xe bên dưới.
Trong ngày 26-11, do ảnh hưởng của cơn bão số 9, học sinh TPHCM được nghỉ học. Tuy nhiên, tại nhiều trường vẫn có các giáo viên đến dọn dẹp vệ sinh do trường bị ngập nước từ tối hôm trước.
Tại các trường trên địa bàn phường Bình Hưng Hòa B (quận Bình Tân) như Mầm non Hoa Phượng, THCS Ngô Quyền, THCS Huỳnh Văn Nghệ, THPT Vĩnh Lộc… bên trong sân trường, nước đã rút, nhiều giáo viên, bảo vệ tiến hành thu gom rác và dọn dẹp vệ sinh.
Trong khi đó, nhiều trường tại các quận 6, 7, 12 vẫn ngập trong nước. Ghi nhận lúc 16 giờ ngày 26-11, nhiều giáo viên Trường THCS An Phú Đông (quận 12) vẫn còn tát nước và thu gom rác. Tổ trưởng công đoàn của trường cho biết: Trường có 2 cơ sở sát nhau và bị ngập nặng. Từ đêm hôm trước, trường đã điều động nhiều giáo viên vào kê tủ, dọn hồ sơ lên vị trí cao. Đến sáng, các giáo viên lại phải lội nước vào trường để tát nước, làu chùi bàn ghế, phòng học để kịp cho các em đi học vào sáng 27-11.
Trong khi đó, một số trường đại học trên địa bàn TP cũng cho sinh viên nghỉ học, nghỉ thi trong ngày 26-11, như Trường Đại học Nguyễn Tất Thành, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên - Đại học Quốc gia TPHCM, Trường Cao đẳng Kinh tế TPHCM.
Điện đã được khắc phục hoàn toàn
Tối 26-11, Tổng Công ty Điện lực TPHCM (EVN HCMC) cho biết, do điều kiện thời tiết xấu (mưa, gió lớn) nên theo quy định không cho phép thực hiện công tác sửa chữa điện, dẫn đến một vài khu vực trên địa bàn TP bị ngập nước sâu có thời gian tái lập điện kéo dài. Một số khu vực, ngành điện đã dùng máy phát để cấp điện tạm thời cho khách hàng.
Tương tự, Tổng Công ty Điện lực miền Nam EVN SPC cho biết, trong ngày 25-11, bão số 9 đã tác động trực tiếp các tỉnh khu vực phía Nam, ảnh hưởng nặng nhất là tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và một số khu vực trên địa bàn các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, Bình Dương, Long An… EVN SPC đã nhanh chóng tái lập điện cho toàn bộ khách hàng trong ngày 25-11. Ngoại trừ một số khu vực ngập nặng không đảm bảo an toàn điện cũng được tái lập điện vào sáng ngày 26-11 sau khi nước rút.
Riêng lưới điện tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu là nơi bị ảnh hưởng nặng nhất do cơn bão số 9, làm gãy 5 trụ trung thế, 16 trụ hạ thế, cháy 7 máy biến thế, ước tính thiệt hại khoảng 5 tỷ đồng. Đến chiều ngày 26-11, Công ty Điện lực Bà Rịa - Vũng Tàu đã khắc phục hoàn toàn các sự cố lưới điện.
Bảo hiểm tiếp nhận các trường hợp xe ngập nước
Chiều 26-11, thông tin từ một số công ty bảo hiểm tại TPHCM cho biết, đã tiếp nhận hàng chục cuộc điện thoại liên quan đến tình trạng xe chết máy sau trận mưa lớn ngày 25-11.
Theo đại diện Bảo hiểm Bảo Việt, bảo hiểm ô tô ngập nước hay còn gọi là bảo hiểm thủy kích thiệt hại là rất lớn, đặc biệt là trường hợp thay mới toàn bộ động cơ, chủ xe có thể phải chi trả từ hàng chục đến hàng trăm triệu đồng.
Đại diện Công ty Bảo hiểm Liberty cho biết, mặc dù chưa có con số thống kê chính xác nhưng ước tính sơ bộ thiệt hại của khách cũng lên tới hàng tỷ đồng.
Tuy nhiên, không phải trường hợp xe bị ngập nước nào cũng được phía công ty bảo hiểm chi trả. Có những công ty bảo hiểm sẵn sàng đền bù trong trường hợp xe bị ngập nước và thủy kích, nhưng cũng có trường hợp chỉ đền bù xe bị thủy kích. Có một số trường hợp xe bị ngập nước trong hầm không nhận được đền bù mặc dù khách hàng có mua bảo hiểm thủy kích cho xe.
Chủ động phòng bệnh dịch sau mưa bão Ngày 26-11, bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM, cho biết, vừa có công văn gửi các trung tâm y tế quận, huyện về việc tăng cường giám sát vệ sinh môi trường, vệ sinh nguồn nước và phòng chống dịch bệnh sau bão tại TPHCM. Cụ thể, trung tâm y tế các quận huyện tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp đảm bảo vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, xử lý xác súc vật chết… theo khuyến cáo của Bộ Y tế. Các trạm y tế phường, xã tăng cường giám sát vệ sinh môi trường tại các trạm trung chuyển rác, bô rác, nhà vệ sinh công cộng, chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm, các cơ sở cung cấp nước, chung cư, nước hộ dân. Tổ chức giám sát, phát hiện kịp thời và xử lý triệt để các bệnh có thể xảy ra sau mưa bão, triều cường như: tiêu chảy, đau mắt đỏ, viêm đường hô hấp, nước ăn chân, cảm cúm, đặc biệt đề phòng các bệnh lây qua đường tiêu hóa như dịch tả, lỵ, thương hàn… |