TPHCM phục hồi mạnh mẽ và tăng tốc phát triển kinh tế

Tháng 10-2021, TPHCM quyết định dần mở cửa sau thời gian giãn cách phòng chống dịch Covid-19. Đến nay, các hoạt động kinh tế - xã hội đã sôi động trở lại như trước khi có dịch. Một năm qua, sự phục hồi mạnh mẽ của TPHCM là kết quả của sự nỗ lực, đồng lòng của người dân, cộng đồng doanh nghiệp cùng cả hệ thống chính trị của thành phố.

Thành phố hồi sinh

Chiều 22-9, chợ Bến Thành (quận 1, TPHCM) nhộn nhịp khách đến tham quan, mua sắm, trong đó đa phần là khách du lịch quốc tế. Các tiểu thương rộn rã, tất bật chào mời, giới thiệu sản phẩm cho khách. Khu vực ẩm thực cũng nhộn nhịp khách quốc tế đến thưởng thức các món ăn truyền thống của Việt Nam.

Theo Ban quản lý chợ Bến Thành, hiện nay trung bình mỗi ngày chợ đón khoảng hơn 2.000 lượt khách. Những ngày cuối tuần lượng khách đến tham quan mua sắm tăng gấp đôi so với ngày thường. Hiện nay, dù lượng khách chưa đạt như trước dịch nhưng đang tăng đều khoảng 20%-30% mỗi tháng. Lượng khách quốc tế ngày một nhiều hơn không chỉ là niềm vui của các tiểu thương kinh doanh tại chợ Bến Thành mà còn là tín hiệu tích cực cho ngành du lịch của TPHCM.

Tính đến tháng 8, TPHCM đã đón 16,7 triệu lượt khách du lịch nội địa, gần 1,4 triệu lượt khách quốc tế. Tổng doanh thu từ du lịch đạt 74.500 tỷ đồng, tăng 90,6% so với cùng kỳ. Một vài con số khác cũng minh chứng cho sự hồi sinh của kinh tế - xã hội TPHCM: Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 14,5% trong 8 tháng đầu năm. Cũng trong thời gian đó, tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ đạt hơn 746.000 tỷ đồng. Thu hút đầu tư nước ngoài đạt hơn 2,71 tỷ USD…

Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội TPHCM giai đoạn 2022-2025 đặt ra mục tiêu đến hết năm 2022 là giai đoạn phục hồi, khôi phục những đứt gãy trong chuỗi sản xuất, phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh để từ năm 2023 tập trung mọi nguồn lực phát huy thế mạnh của TPHCM.

TPHCM phục hồi mạnh mẽ và tăng tốc phát triển kinh tế ảnh 1 Du khách nước ngoài tham quan TPHCM, ngày 8-9-2022. Ảnh: CAO THĂNG

Chia sẻ với PV Báo SGGP, đồng chí Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM, khẳng định, đây là sự phục hồi mạnh mẽ, vượt qua sự kỳ vọng ban đầu của TPHCM. Điều này cho thấy quá trình phục hồi đang đi đúng hướng và thành phố đang có triển vọng rất lớn để hoàn thành mục tiêu phục hồi trong năm 2022, không những vậy mà còn tạo đà cho năm 2023 và những năm tiếp theo.

Cần nền tảng để tăng tốc

Ngay từ ngày 11-1-2022, TPHCM là địa phương sớm ban hành Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế giai đoạn 2022-2025, trước cả khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 11 về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế. Trước đó, đầu tháng 10-2021, quyết định “mở cửa” của TPHCM cũng được đánh giá là rất táo bạo.

Thời điểm bấy giờ, TPHCM vừa trải qua những ngày căng thẳng nhất của dịch bệnh. Mọi nguồn lực đều được huy động tối đa cho công tác phòng chống dịch với những biện pháp quyết liệt nhất. Ngay khi những dấu hiệu của dịch bệnh vừa giảm bớt, chính sách mở cửa từng bước của thành phố đã giúp cho đời sống của người dân bớt chật vật hơn, các hoạt động kinh tế - xã hội dần trở lại phù hợp với điều kiện dịch bệnh. Những kết quả thời gian qua đã chứng minh những quyết sách của TPHCM trong tình thế hết sức khó khăn như trên là rất đúng đắn và kịp thời. 

Trở lại trên con đường phát triển, với sứ mệnh là đầu tàu, vì cả nước, cùng cả nước, TPHCM bộn bề công việc. Cả hệ thống chính trị, từ thành phố tới từng địa phương, sở ngành tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp, người dân sản xuất kinh doanh, học tập, lao động. TPHCM xác định những điểm nghẽn lớn trong tiến trình phục hồi đi lên, trong đó có sự chật hẹp của cơ chế chính sách đối với một “siêu đô thị” như TPHCM.

Luật pháp được xây dựng trên cái nền chung cả nước, trong một số trường hợp đã cho thấy không thực sự phù hợp với một địa phương có dân số đông và hoạt động kinh tế sôi động bậc nhất cả nước. Có những vấn đề cần được quyết định nhanh hơn, kịp thời hơn từ chính quyền thành phố, mà với quy định chung hiện nay chưa thể thực hiện được.

Hiện nay, TPHCM đang tổng kết việc thực hiện Nghị quyết 16 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 54/2017 của Quốc hội về thí điểm cơ chế chính sách đặc thù phát triển TPHCM, đề xuất với Trung ương một cơ chế chính sách đặc thù mới.

Cơ chế, chính sách đặc thù mới này sẽ là nền tảng vững vàng, để từ đây TPHCM sẽ nỗ lực không ngừng, bằng truyền thống năng động sáng tạo, đạt được những bước phát triển cao hơn. Sự phát triển của TPHCM không chỉ có ý nghĩa với riêng hơn 10 triệu dân TPHCM, mà còn có ý nghĩa đóng góp cho cả nước nhiều hơn.

PGS-TS Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM:

TPHCM cần cơ chế đặc thù riêng cho đô thị đặc biệt

Cách đây gần 1 năm, trên cơ sở tham vấn các nhà khoa học, chuyên gia y khoa…, lãnh đạo TPHCM đưa ra quyết định nới lỏng giãn cách xã hội theo từng cấp độ. Việc TPHCM “mở cửa” trở lại là một quyết định đúng đắn, giúp kinh tế thành phố phục hồi nhanh chóng và kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19.

Tuy nhiên, để TPHCM tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò là một trung tâm lớn về kinh tế - xã hội, khoa học công nghệ, đầu tàu, động lực, có sức thu hút và sức lan tỏa lớn của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam cũng như của cả nước, ngoài sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TPHCM, rất cần tiếp tục sự hỗ trợ, chia sẻ từ Trung ương và các bộ, ban ngành.

Đặc biệt, TPHCM cần một Nghị quyết mới của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TPHCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, tạo điều kiện cho TPHCM tăng tốc phát triển, sánh vai với các thành phố lớn trong khu vực châu Á.

Cụ thể, TPHCM cần có cơ chế đặc thù riêng cho đô thị đặc biệt theo hướng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, ủy quyền cho thành phố nhiều hơn. Đồng thời, tập trung tăng nguồn lực để TPHCM đầu tư các công trình trọng điểm mang tính liên vùng, tạo thúc đẩy sự phát triển của TPHCM và cả vùng Đông Nam bộ, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Cùng với đó, cần sớm có Nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54 của Quốc hội để tạo điều kiện cho TPHCM khơi thông nguồn lực phát triển trong giai đoạn tới. Cụ thể, theo hướng tích hợp tất cả các cơ chế, chính sách mà TPHCM cần Trung ương hỗ trợ để phát triển tương xứng với vị trí đầu tàu kinh tế - xã hội của cả nước.

Đó là cơ chế, chính sách đặc thù đối với đề án xây dựng Trung tâm Tài chính quốc tế tại TPHCM; cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Thủ Đức và việc phân cấp quản lý một số lĩnh vực cho TPHCM như quản lý đầu tư, tài chính ngân sách, tổ chức bộ máy quản lý nhà nước và cán bộ công chức.

Tin cùng chuyên mục