Kinh tế TPHCM tiếp đà phục hồi, có thể tăng trưởng vượt 6-6,5%

Trong tháng 8, các lĩnh vực kinh tế TPHCM tiếp tục có mức tăng trưởng khá. Hoạt động sản xuất công nghiệp đã phục hồi và thu hút lao động trở lại làm việc; nhiều doanh nghiệp đã khai thác hiệu quả các hiệp định thương mại tự do để mở rộng thị trường.

Chiều 30-8, đồng chí Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM chủ trì phiên họp về tình hình kinh tế - xã hội tháng 8, 8 tháng đầu năm và nhiệm vụ, giải pháp tháng 9-2022.

Kinh tế TPHCM tiếp đà phục hồi, có thể tăng trưởng vượt 6-6,5% ảnh 1  Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi chủ trì phiên họp. Ảnh: VIỆT DŨNG

Thu ngân sách đã đạt 80,69%

Tại hội nghị, Giám đốc Sở KH-ĐT TPHCM Lê Thị Huỳnh Mai thông tin, trong tháng 8, các lĩnh vực kinh tế TPHCM tiếp tục có mức tăng trưởng khá. Hoạt động sản xuất công nghiệp đã phục hồi và thu hút lao động trở lại làm việc; nhiều doanh nghiệp đã khai thác hiệu quả các hiệp định thương mại tự do để mở rộng thị trường.

Hoạt động thương mại, dịch vụ trở nên sôi động khi khách du lịch quay trở lại TPHCM và nhiều hoạt động khuyến mại tập trung được tổ chức. Hoạt động xuất khẩu tăng mạnh, chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 0,5% so với tháng trước, tăng 104% so với cùng kỳ năm 2021; tổng doanh thu du lịch tăng 2.567% so với cùng kỳ năm 2021.

Tổng thu ngân sách nhà nước 8 tháng đầu năm (không kể số bổ sung từ quỹ dự trữ tài chính) ước thực hiện 311.921 tỷ đồng (đạt 80,69% dự toán năm). Tính đến cuối tháng 7, tổng vốn số vốn TPHCM đã giải ngân là hơn 8.467 tỷ đồng (đạt tỷ lệ 22,3% tổng kế hoạch vốn giao).

Kinh tế TPHCM tiếp đà phục hồi, có thể tăng trưởng vượt 6-6,5% ảnh 2 Giám đốc Sở KH-ĐT TPHCM Lê Thị Huỳnh Mai phát biểu tại phiên họp. Ảnh: VIỆT DŨNG

Ông Nguyễn Khắc Hoàng, Cục trưởng Cục Thống kê TPHCM, phân tích thêm, kinh tế thành phố phục hồi với nhiều số liệu tích cực. Chỉ số sản xuất công nghiệp 8 tháng đầu năm 14,8%, trong đó 4 ngành kinh tế trọng điểm tăng 19,3%. Qua khảo sát 77% doanh nghiệp cho biết đang phục hồi tích cực.

Tuy nhiên, chỉ số sản xuất công nghiệp nếu so với năm 2019 – là thời điểm trước dịch chỉ tăng 1,2%, là tăng thấp. Một số ngành có tỷ trọng lớn vẫn tăng chậm. Lĩnh vực bán lẻ tăng 23,2% cùng kỳ rất cao, nhưng so với năm 2019 chỉ tăng 4,7%. Bất động sản vẫn còn tăng thấp, trong khi đây là ngành có hệ số lan tỏa đến các ngành rất cao. 

Cục trưởng Cục Thống kê TPHCM cũng phân tích thêm, điểm sáng của TPHCM là vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 2,71 tỷ USD, cao nhất trong 5 năm trở lại đây. Doanh nghiệp mới thành lập cũng tăng 33,4%, nhưng quy mô vốn lại giảm hơn năm trước, chỉ đạt 11,9 tỷ đồng/doanh nghiệp, trong khi năm 2021 là hơn 16 tỷ đồng/doanh nghiệp.

Tổng doanh nghiệp giải thể chiếm 50% so với doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động. Điều này phản ánh doanh nghiệp TPHCM cũng dễ bị tổn thương trước những khó khăn trong nước và thế giới.

Vị thế thương mại được khẳng định qua kim ngạch xuất nhập khẩu 8 tháng đầu năm tăng trưởng tốt. Nhưng 62% trong số đó lại từ khu vực FDI, nên doanh nghiệp trong nước chưa phát huy được.

Thu ngân sách đạt 80,7% năm, nhưng thu chủ yếu lại từ nhà đất và từ dầu thô, còn thu từ thuế sản phẩm để tính vào tăng trưởng chỉ ở mức 3%. Điều này cho thấy yếu tố chưa bền vững trong sản xuất.

Bên cạnh đó, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công cũng còn rất thấp. Cục trưởng Cục Thống kê TPHCM đề nghị cần đánh giá thêm để cải thiện chỉ số này, tạo nguồn thu cho năm sau. 

Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Trần Hoàng Ngân nhận xét, kết quả kinh tế - xã hội 8 tháng qua của TPHCM là đáng phấn khởi, mục tiêu năm nay có thể đạt được.

Nhưng để đạt được các mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ TPHCM đã đề ra, PGS-TS Trần Hoàng Ngân đề nghị TPHCM thúc đẩy đầu tư công, trong đó ưu tiên các dự án mang tính an sinh xã hội như chống ngập, các dự án y tế, giáo dục.

Về tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công thấp, PGS-TS Trần Hoàng Ngân cho rằng, TPHCM đang rất mong muốn được Quốc hội tăng tỷ lệ điều tiết, tăng vốn đầu tư công, chúng ta đang khát vốn, nhưng vốn trong kế hoạch thì lại không giải ngân tốt.

“Phải làm cho được để chứng minh được khả năng hấp thụ vốn, sử dụng vốn tốt”, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM nhấn mạnh. 

Cần so sánh với thời điểm trước dịch

Phát biểu kết luận phiên họp, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi lưu ý, những kết quả kinh tế - xã hội trong tháng 8 nếu so với cùng kỳ thì tăng trưởng rất nhanh. Nhưng thực tế là do thời điểm này năm 2021 là thời điểm khó khăn nhất năm. Do đó, phải đặt trong so sánh thời điểm trước dịch (năm 2019) để thấy được kết quả thực tế.

“Kết quả phục hồi vẫn tiếp tục đà tốt. Mục tiêu tăng trưởng đề ra cho năm nay từ 6-6,5% có thể vượt”, đồng chí Phan Văn Mãi nhận định và nhấn mạnh, điểm tích cực là TPHCM vẫn kiểm soát được dịch bệnh. Đây là điều kiện quan trọng để phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.

Kinh tế TPHCM tiếp đà phục hồi, có thể tăng trưởng vượt 6-6,5% ảnh 3  Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi phát biểu tại phiên họp. Ảnh: VIỆT DŨNG

Chủ tịch UBND TPHCM thông tin thêm, trong tháng 8, Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM đã thành lập Ban Chỉ đạo xử lý các vấn đề tồn đọng của TPHCM, do đồng chí Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Hiếu làm trưởng ban để có thể xử lý dứt điểm các vụ việc tồn đọng thời gian qua.

Theo đồng chí Phan Văn Mãi, việc này không những tháo gỡ được việc cụ thể mà còn giải phóng được năng lượng tinh thần.

Bên cạnh những điểm tích cực này, đồng chí Phan Văn Mãi cũng đề cập đến đà sản xuất công nghiệp phục hồi chậm, giải ngân đầu tư công thấp, hỗ trợ doanh nghiệp chưa đạt yêu cầu, hoạt động ở các khu công nghiệp, khu công nghệ cao có xu hướng giảm giá trị sản xuất, xuất khẩu. Công tác phối hợp giữa các quận - huyện, sở - ngành vẫn còn nhiều vướng mắc. 

Về các công việc trọng tâm trong tháng 9, đồng chí Phan Văn Mãi nhấn mạnh đến công tác phòng chống dịch, trong đó tập trung cho công tác tiêm vaccine phòng Covid-19. Hiện TPHCM có tỷ lệ tiêm mũi 4 và tiêm cho trẻ từ 5-12 tuổi vẫn còn thấp.

Đồng chí cũng chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ các gói hỗ trợ doanh nghiệp, hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động theo Quyết định 08 - hiện TPHCM đã chi trả trên 50%. Bên cạnh đó là công tác giải ngân vốn đầu tư công. 

Với các công việc “còn nợ”, đồng chí Phan Văn Mãi đề nghị Văn phòng UBND TPHCM rà soát, nhắc các sở - ngành, quận - huyện để thúc đẩy tiến độ.

Đồng chí nhấn mạnh: Nhắc lần 1, lần 2, lần 3 sẽ phê bình và đưa vào đánh giá cuối năm. Trong công tác cải cách hành chính, Chủ tịch UBND TPHCM chỉ đạo các sở - ngành tháo gỡ công tác phối hợp.

Đồng chí đề nghị Văn phòng UBND TPHCM, Sở KH-ĐT, Sở Nội vụ, Sở TN-MT, Sở Xây dựng, Sở QH-KT “hết sức tập trung, vì các hồ sơ dự án của người dân, doanh nghiệp chủ yếu là đang vướng ở những đơn vị này nhiều”.

Kinh tế TPHCM tiếp đà phục hồi, có thể tăng trưởng vượt 6-6,5% ảnh 4  Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi trao đổi cùng các đại biểu tại phiên họp. Ảnh: VIỆT DŨNG

Chủ tịch UBND TPHCM chỉ đạo, trong tháng 9, các cơ quan đơn vị, địa phương cần tập trung triển khai các công trình trọng điểm. Trong đó có 29 dự án giao thông, các dự án đô thị, chuyển đổi số, đô thị thông minh. Dự án xây dựng đường Vành đai 3 trong tháng 9 phải giao được ranh để phục vụ công tác giải phóng mặt bằng, rà soát chỉ định thầu, rà soát các thủ tục khác…

Trong bối cảnh công nghiệp phục hồi chậm, thậm chí có nguy cơ “đi ngang”, đồng chí Phan Văn Mãi đề nghị tập trung phát triển thương mại dịch vụ. Trong đó trọng tâm là bình ổn giá, kích cầu và đặc biệt là phát triển du lịch.

Trong tháng 9, đồng chí Phan Văn Mãi chỉ đạo tháo gỡ vướng mắc cho các dự án xử lý rác, dự án chống ngập do triều. Đồng thời chuẩn bị trình hồ sơ dự án cao tốc TPHCM – Mộc Bài; chuẩn bị nội dung trình tại kỳ họp chuyên đề HĐND TPHCM tới đây.

Dịp này, TPHCM cũng sẽ thảo luận về 50 công trình dự án lớn của TPHCM – những công trình thiết thực để chào mừng 50 năm ngày thống nhất đất nước.

Giám đốc Sở Du lịch TPHCM Nguyễn Thị Ánh Hoa: 

Đưa Lễ hội Áo dài TPHCM ra nước ngoài

Theo đánh giá của các nền tảng trực tuyến độc lập, TPHCM đang dẫn đầu tính hiệu quả về các chỉ tiêu trong ngành du lịch, nhất là doanh thu, lượng khách cũng như sự hài lòng của khách hàng. Dù vậy, lượng khách quốc tế đến TPHCM so với năm 2019 vẫn giảm rất sâu (giảm 70%). Sở Du lịch kỳ vọng cuối năm là dịp tết, lượng khách quốc tế đến TPHCM sẽ tăng.

Để ngành du lịch tiếp tục phục hồi mạnh mẽ, nhất là thu hút khách quốc tế, sở đang tập trung vào việc phát triển sản phẩm, phối hợp với các quận, huyện tập trung phát triển sản phẩm theo chương trình “Mỗi quận huyện một sản phẩm đặc trưng”.

Hiện 10 quận, huyện đã phối hợp cùng với sở cùng các doanh nghiệp hoàn thiện và ra mắt các chương trình sản phẩm. Các tháng cuối năm sẽ tiếp tục nhấn thêm các sản phẩm gắn với kinh tế đêm, vừa góp phần sắp xếp quản lý việc bán hàng rong, vừa khai thác nền văn hóa bản địa để phục vụ du lịch.

Kinh tế TPHCM tiếp đà phục hồi, có thể tăng trưởng vượt 6-6,5% ảnh 5 Giám đốc Sở Du lịch TPHCM Nguyễn Thị Ánh Hoa

Sở Du lịch cũng tập trung tổ chức các sự kiện, các hội thảo, hội chợ quốc tế để quảng bá điểm đến tại TPHCM nhằm thu hút du khách quốc tế…

Hiện Sở Du lịch đang tính toán đưa một số sự kiện của TPHCM được tổ chức ở nước ngoài tương tự như lễ hội Hoa anh đào của Nhật được tổ chức tại TPHCM. Sở đang phối hợp với các đơn vị tư vấn để có thể đưa lễ hội Áo dài của TPHCM năm 2023 vừa tổ chức tại TPHCM vừa tổ chức tại các nước khác để quảng bá về điểm đến và góp phần thu hút khách du lịch. 


Giám đốc Sở Y tế TPHCM Tăng Chí Thượng:

Dịch Covid-19 tăng nhẹ

Về tình hình dịch Covid-19 và dịch sốt xuất huyết trên địa bàn TPHCM, tháng qua chưa ghi nhận chủng mới của 2 dịch trên. Dù vậy, tuần qua, số ca mắc Covid-19 có tăng nhẹ, trung bình 160 ca/ngày (tăng 20 ca so với tuần trước), số ca nặng cũng tăng theo. Hiện có 13 trường hợp đang thở máy, tiên lượng xấu. Riêng dịch sốt xuất huyết đang có chiều hướng đi xuống, không có ca tử vong. 

Kinh tế TPHCM tiếp đà phục hồi, có thể tăng trưởng vượt 6-6,5% ảnh 6 Giám đốc Sở Y tế TPHCM Tăng Chí Thượng


Về biện pháp phòng chống, tiêm vaccine ngừa Covid-19 vẫn là biện pháp tối ưu, song TPHCM hiện là địa phương đi cuối trong tiêm vaccine, nhất là tiêm cho trẻ em. Sở Y tế kiến nghị UBND TPHCM chỉ đạo các quận, huyện và TP Thủ Đức mở đợt cao điểm “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người”, nhất là người cao tuổi, người có nguy cơ cao để vận động tiêm vaccine ngừa Covid-19.



Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM Trần Hoàng Quân:

Chuẩn bị thủ tục bồi thường giải phóng mặt bằng cho người dân khu vực rạch Xuyên Tâm

Hiện chỉ tiêu số m2 nhà ở theo đầu người của TPHCM đã đạt 80% so với kế hoạch năm đề ra (đối với cả nhà ở dân cư, nhà ở thương mại và nhà ở xã hội). Từ đầu năm đến nay, ngoài công trình nhà ở khu dân cư và nhà ở thương mại, TPHCM đã khởi công 9 công trình (vào đợt 30-4) và dịp này (2-9) cũng sẽ có 4 công trình được khởi công.

Kinh tế TPHCM tiếp đà phục hồi, có thể tăng trưởng vượt 6-6,5% ảnh 7 Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM Trần Hoàng Quân


Như vậy, TPHCM đã có 5 công trình nhà ở xã hội, dự kiến cuối năm 2023 đầu năm 2024, TPHCM sẽ có 3.000 căn nhà ở xã hội dành cho người thu nhập thấp cũng như cải tạo chung cư cũ và nhà ở tái định cư trên địa bàn.

Về dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm, Sở Xây dựng đang phối hợp với các sở - ngành liên quan rà soát ranh để tránh thiệt hại cho người dân ở khu vực bị giải tỏa. Sở đã báo cáo UBND TPHCM và sắp tới UBND TPHCM sẽ trình HĐND TPHCM chuẩn bị tiến hành các thủ tục đầu tư, bồi thường giải phóng mặt bằng khu vực này. 

Tin cùng chuyên mục